Nhân lực để gia nhập WTO đang thiếu từ anh thợ hàn trở đi

Nhân lực để gia nhập WTO đang thiếu từ anh thợ hàn trở đi
TP - Đâu là “bức tranh toàn cảnh” của ngành công nghiệp trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, và những thách thức nào sẽ đến sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức này?
Nhân lực để gia nhập WTO đang thiếu từ anh thợ hàn trở đi ảnh 1
Bộ trưởng Hoàng Trung Hải

Chiều qua (20/10), bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã dành cho Tiền phong cuộc trao đổi.

Bộ trưởng nói:"Chỉ còn ít ngày nữa toàn bộ cam kết gia nhập WTO, trong đó có lĩnh vực công nghiệp (CN) sẽ được công bố cụ thể. Điều có thể nói ngay bây giờ là CN Việt Nam vào WTO gần như cùng một mặt bằng cam kết với các thành viên của tổ chức này, nghĩa là chúng ta không có lợi thế gì hơn và chấp nhận cạnh tranh “đối đầu” trong thời gian tới."

Thuận lợi nằm trong khó khăn

Với trình độ phát triển CN như hiện nay của nước ta, việc chấp nhận “đối đầu” trong WTO như vậy liệu có gây ra những tác động tiêu cực, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta đã chuẩn bị cho câu chuyện này từ đầu những năm 2000. Thời gian đã thử thách ngành CN và cho kết quả khả quan.

VN tham gia Hiệp định CFPT (AFTA) từ năm 2001, từ chỗ hàng rào bảo hộ là 40 đến 50% giảm xuống còn 0,5%, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn đứng vững, mặc dù trước khi tham gia Hiệp định này chúng ta đã có những dự báo khá tiêu cực như hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng loạt công nhân “ra đường”... 

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng tham gia CFPT, các doanh nghiệp VN đã phải “ép” lợi nhuận xuống rất nhiều, đó là một trong những lý do quan trọng khiến giá trị gia tăng của ngành CN những năm qua không đạt kế hoạch đề ra.

Vậy Bộ trưởng có nhận định cụ thể gì về những khó khăn của ngành công nghiệp thời hậu WTO?

Có nhiều khó khăn mà chúng ta chưa thể lường hết được, sẽ có những thách thức thường xuyên về thuế, về các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật...

Số lượng các lĩnh vực CN còn yếu của VN rất lớn, khả năng “đóng cửa” nhiều doanh nghiệp sau khi vào WTO là tất yếu, đơn cử về CN giấy, hiện giá giấy của mình có thể cạnh tranh được nhưng lại chưa có khả năng cân bằng cung cấp bột giấy...

Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy các thuận lợi nằm ngay trong khó khăn, như CN lắp ráp điện tử hiện còn rất nhỏ bé, nhưng chính lĩnh vực này VN đang có lợi thế so sánh về xu thế chuyển dịch cơ cấu, lợi thế về lao động, đất đai, và các cơ chế ưu đãi.

Hay là CN chế tạo cơ khí, những năm qua tăng trưởng tới 20% nhưng mới đáp ứng được khoảng 36% nhu cầu, mà tỷ trọng của ngành hàng này trong 4 tỷ USD nhập siêu là rất lớn, dĩ nhiên “nhập nhiều” thì cơ hội cho ngành này “nội địa hóa” cũng còn nhiều...

Thiếu chất xám

Nhân lực để gia nhập WTO đang thiếu từ anh thợ hàn trở đi ảnh 2  Giá điện sẽ được điều chỉnh từng bước

Ngành điện đang đứng trước hai vấn đề, thứ nhất là đáp ứng nhu cầu và thứ hai là chất lượng bao gồm chất lượng dịch vụ và chất lượng kỹ thuật. Để đáp ứng nhu cầu điện trong sự phát triển của nền kinh tế, cần có vốn đầu tư. Ngành điện của bất cứ nước nào cũng là ngành có suất sử dụng vốn đầu tư lớn nhất trong tất cả những ngành kinh tế kỹ thuật. Tới đây cần 3 đến 3,9 tỷ USD/ năm. Nếu ngành điện có khả năng sinh lời tốt thì mới thu hút được vốn đầu tư. Dĩ nhiên là phải cải cách giá điện nhưng là cải cách từng bước, sao cho điều chỉnh về giá điện nhưng phải chứng minh được với người tiêu dùng đó là giá cạnh tranh và được quản lý tốt.Nhân lực để gia nhập WTO đang thiếu từ anh thợ hàn trở đi ảnh 3

Nhiều ý kiến cho rằng khó khăn nhất của ngành công nghiệp hiện nay là chuyển dịch cơ cấu từ CN gia công sang những ngành CN có giá trị gia tăng cao hơn?

Đúng vậy. Chúng ta rất muốn thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực công nghệ cao. Chúng ta không thể phát triển nhanh nếu không chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, nhưng trước mắt phải nhìn vào thực lực của mình.

Tôi cho rằng CN nước ta trong vài năm tới vẫn phải “đi bằng hai chân”, vừa tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư công nghệ cao, vừa phải ưu tiên cho những ngành CN gia công như vừa nêu để giải quyết bài toán lao động, hiện lao động CN mới chiếm 19%, còn nông nghiệp có tới 57%.

Thực ra, bản chất của vấn đề nêu trên nằm ở một thách thức khác, đang là khó khăn lớn nhất của CN VN.

Đó là khó khăn nào, thưa Bộ trưởng?

Nhìn vào điểm yếu trong các ngành công nghiệp thì đa số đều nằm ở chất xám, nghĩa là cứ khâu gì mà người ta có thể khai thác được giá trị gia tăng cao nhất thì mình lại làm kém nhất, như dệt may thì chị em mình chỉ ngồi đạp máy may còn khâu thiết kế đa số đang nằm ở nước ngoài.

Đây là vấn đề đào tạo con người và chất lượng lao động.

Vào WTO đồng nghĩa với việc cắt giảm trợ cấp CN, đây phải chăng cũng là một thách thức không nhỏ đối với các DN?

Chưa gia nhập thì chúng ta đã giảm dần trợ cấp. Nhưng năm vừa qua, mức hỗ trợ cho ngành CN không nhiều, chi tổng vốn đầu tư cho ngành CN trong một năm chiếm độ 44,3% tổng đầu tư toàn xã hội, trong khi đó ngân sách dành cho CN chỉ có 6 đến 7%, những năm gần đây còn xuống 1,9% đến 2%.

Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể trợ cấp theo một cách khác, đúng luật WTO, đó là trợ cấp để hỗ trợ con người bằng việc cải cách thể chế và đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng vào WTO chúng ta nên hình thành các khu kinh tế mở ở các vùng duyên hải, nhằm tận dụng lợi thế về địa kinh tế như cảng nước sâu, gần lãnh hải quốc tế...?

Tôi cho nhận xét này là đúng. Muốn phát triển dựa vào cảng biển thì phải tạo ra cảng biển có quy mô lớn, từ quy mô lại tạo ra giá thành cạnh tranh, và quan trọng hơn là tốc độ, ở chỗ anh sản xuất hết bao nhiêu lâu một sản phẩm và đưa đến tôi hết bao nhiêu lâu.

Những nước có cảng biển đều khai thác lợi thế đó, người ta gọi là lợi thế “mặt tiền”, mà nước mình có tới 3200 cây số “mặt tiền”.

Xin cảm ơn Bộ trưởng! 

Võ Văn Thành (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.