Nhận phần hiến tòa nhà Lê Trực, "hóa ra nhà nước sử dụng của gian?”

Ông Phạm Quang Nghị, người chỉ đạo Thành ủy Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Xuân Tùng)
Ông Phạm Quang Nghị, người chỉ đạo Thành ủy Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Xuân Tùng)
Ông Phạm Quang Nghị, người chỉ đạo Thành ủy Hà Nội nêu vấn đề trên tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sáng nay tại quận Hai Bà Trưng.

Theo ông Phạm Quang Nghị, trải qua 10 kỳ họp của Quốc hội và 20 lần tiếp xúc cử tri thường kỳ, ông nhận thấy có một số điều đáng mừng. Đó là, bên cạnh sự ghi nhận chung của đại biểu cử tri về sự phát triển đi lên của đất nước, của thành phố về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại trong một bối cảnh đất nước phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức, có lúc cực kỳ căng thẳng... Tuy nhiên càng về cuối nhiệm kỳ, tình hình càng tiến bộ lên rõ nét, toàn diện. Kinh tế tăng trưởng tốt. An ninh, quốc phòng thành công nổi bật

Đề cập đến những vấn đề của quận Hai Bà Trưng, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội biểu dương quận là đơn vị đi đầu trong xử lý vi phạm những công trình sai phép.

“Nhiệm kỳ trước là ở đường Bạch Mai. Đến nhiệm kỳ này đồng chí Phó Chủ tịch Lâm Anh Tuấn cũng gian nan, vất vả “lập công chuộc tội”. Cán bộ phường đã ra là kỷ luật nhưng cho phép khắc phục sai phạm. 5-6 công trình sai phép trong một phường đã xử lý rất cương quyết, trong đó có những công trình liên quan đến lãnh đạo thành phố và gần đây nhất mới chỉ từ tháng 10 đến nay đã xử lý được sai phạm tại Xí nghiệp may Thăng Long ở phố Minh Khai. Đây là một nỗ lực quyết tâm rất lớn từ thành phố đến quận, phường”, ông Phạm Quang Nghị nêu.

Theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, việc xử lý này là cần thiết. Mặc dù cũng cảm thấy đáng tiếc vì lãng phí về tài sản của xã hội. Tuy nhiên, để đưa ra sự lựa chọn giữa lập lại trật tự kỷ cương với việc xử lý chấp nhận sự lãng phí của một đơn vị cụ thể để giữ được kỷ cương cho thành phố, chúng ta chọn cái nào?

“Vừa rồi xung quanh việc xử lý vi phạm ở 250 Minh Khai, tôi chỉ đạo cương quyết, Ủy ban Nhân dân thành phố rất cương quyết nhưng phường chắc được chủ đầu tư tới trình bày, năn nỉ, than vãn thế nào đó cho nên có lúc hơi chập chờn, định xử lý một nửa còn một nửa để lại”, ông Nghị nói.

Liên hệ đến tòa nhà 8B Lê Trực, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, TP đang phải xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực quy mô lớn hơn ở phố Minh Khai nhiều nhưng bây giờ chủ đầu tư cũng phải chấp hành.

Theo ông Nghị, với công trình này, lúc đầu dư luận rất quyết liệt trong việc yêu cầu thành phố xử lý, sau đó lại phân hóa ra một nửa ý kiến đề nghị phạt cho tồn tại, thậm chí có “sáng kiến” không thể chấp nhận được là hiến phần sai phạm ấy cho nhà nước sử dụng vào việc công.

Nhận phần hiến tòa nhà Lê Trực, "hóa ra nhà nước sử dụng của gian?” ảnh 1 Tòa nhà 8B Lê Trực..

“Không thể khuyến khích việc làm sai như vậy được, cứ làm sai bị phát hiện lại hiến cho nhà nước, hóa ra nhà nước sử dụng sản phẩm trái phép; nhà nước, thành phố sử dụng của gian?”, ông Nghị đặt câu hỏi.

Theo ông Nghị, nếu như vậy, sau này cứ ông này ông kia theo bài này làm nếu bị phát hiện nộp cho nhà nước, không bị phát hiện thì hưởng lợi… cho nên rất khoát không thể chấp nhận được.

“Đề xuất này tưởng như là tự nguyện tự giác nhưng đây là một cách trốn tránh trách nhiệm xử lý vi phạm. Hơn nữa, TP này không phải chỉ có một hai cái nhà vi phạm mà chúng ta ngăn ngừa nhiều cái khác sắp tới. Nếu cứ chấp nhận phương án như thế thì sẽ có những cái khác người ta làm tiếp như vậy”, ông Nghị nói.

Theo ông Nghị đây là bài học kinh nghiệm cho cả cơ quan quản lý nhà nước, nếu như chúng ta làm cương quyết ngay từ đầu, phát hiện, xử lý ngay từ đầu thì không để xảy ra nghiêm trọng như vậy mới xử lý.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Phạm Quang Nghị đã yêu cầu UBND TP, UBND quận Hai Bà Trưng trả lời cụ thể hơn nữa các vấn đề cử tri đặt ra.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG