Nhận thức là vấn đề quan trọng nhất để xử lý nợ xấu

Nhận thức là vấn đề quan trọng nhất để xử lý nợ xấu
Khi vẫn quan niệm xử lý nhưng không để cho ai đổ vỡ, không sử dụng nguyên tắc thị trường, chắc chắn sẽ rất khó.

> Ngân hàng chưa 'khai' hết nợ xấu
> Ngân hàng mua chéo, đảo nợ?

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 48 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền chỉ định các Tổ chức tín dụng tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần trong trường hợp Tổ chức tín dụng khác không đáp ứng được các điều kiện quy định.

Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

PV: Thưa ông, Quyết định số 48 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của các Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt liệu có phải là 1 trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay không?

Ông Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết để giúp cơ cấu lại những khoản nợ xấu, nhất là những khoản nợ có thể gây ra những áp lực lên nền kinh tế, hay gây ra áp lực về những đổ vỡ mang tính chất lan tỏa.

Quyết định này mang tính chất bổ sung cho những cơ chế khác mà chúng ta đang có như VAMC góp phần giải quyết nhanh hơn tốt hơn và toàn diện hơn những điểm nhạy cảm và những khoản nợ cần phải xử lý từ đó giúp cho tính ổn định và quá trính tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giúp cho việc thúc đẩy toàn bộ để nền kinh tế phát triển hơn.

PV: Thực tế là hiện nay chúng vẫn chưa có một tiêu chí cụ thể về phân loại nợ. Vậy để việc thực hiện Quyết định 48 đạt hiệu quả, phải cần thêm những công cụ hỗ trợ ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Phong: Hiện nay, chúng ta đã có bộ quy chuẩn mới theo các tiêu chuẩn quốc tế Basel 1,2,3 nhưng chúng ta lại cũng có Thông tư 02 để thực hiện việc sắp xếp này. Nhưng về những lí do kỹ thuật, chúng ta đã tạm dừng để tạo điều kiện cho các ngân hàng sắp xếp lại. Vì thế, trong thời gian tới, tôi cho rằng cần phải có quan niệm lại về nợ xấu để chỉ định những nợ xấu cần phải mua cho những đối tượng đặc biệt và có những cơ chế xử lý ưu tiên những khoản nợ có thể gây ra sự đổ vỡ, ưu tiên những khoản nợ của các tổ chức tín dụng giữ vị trí quan trọng của thị trường tài chính có như vậy chúng ta mới đánh đúng huyệt và tạo ra hiệu quả cao hơn.

PV: Về tổng thể, để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng góp phần thúc đẩy việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thì những yếu tố nào được coi là quan trọng, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng việc nhận thức là vấn đề quan trọng nhất để xử lý nợ xấu. Khi nhận thức đã dứt khoát, vấn đề xử lý sẽ được nhanh hơn còn khi chúng ta vẫn quan niệm rằng xử lý nhưng không để cho ai đổ vỡ, không sử dụng nguyên tắc thị trường, chắc chắn sẽ rất khó. Bởi vì đòi hỏi một lượng tiền lớn từ phía Nhà nước để bao cấp mới xử lý được.

Còn khi chúng ta thực hiện nguyên tắc thị trường dứt khoát hơn thì sẽ nhanh hơn. Thứ nữa, phải đảm bảo yêu cầu ổn định hệ thống, nếu cực đoan dứt khoát theo thị trường, trong bối cảnh như hiện nay rất có thể tạo ra những chấn động lớn tạo ra áp lực về tâm lý. Rồi tâm lý đám đông cũng rất nguy hiểm, nó tạo ra sự đổ vỡ mang tính hệ thống làm mất đi mục tiêu của việc xử lý nợ. Đồng thời, phải đảm bảo tính công bằng giữa các loại hình sở hữu giữa các tổ chức khác nhau tránh sự chi phối lợi ích nhóm.

Cuối cùng, việc giám sát thông tin minh bạch của các tổ chức hệ thống thông tin cũng như quy trình xử lý chế tài là rất quan trọng để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

PV: Cảm ơn ông!

Theo Văn Hiếu
VOV

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG