Nhật Bản cần cải tổ văn hóa lãnh đạo công ty

Nhật Bản cần cải tổ văn hóa lãnh đạo công ty
TPO - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa vấn đề lãnh đạo công ty vào trung tâm nỗ lực cải tổ nền kinh tế của ông. Nhờ thế Nhật Bản đã tiến xa hơn những quốc gia phát triển Đông Á khác trong việc đặt ra các tiêu chuẩn quản lý khắt khe đối với các công ty niêm yết.

Bất chấp nỗ lực cải cách, người ta vẫn thấy xuất hiện các bê bối quản trị kinh doanh được cho là bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa sự kiểm soát gia đình lên các công ty với các cổ đông thông thường. Vụ gian lận kế toán tại tập đoàn công nghệ Toshiba và hãng sản xuất thiết bị quang học Olympus nghiêm trọng đến mức làm xói mòn giá trị và danh tiếng của các tập đoàn này nói riêng và gây tiếng xấu cho thị trường vốn Nhật Bản nói chung.

Để có thể tiếp tục giữ vững vị trí và uy tín của một trung tâm kinh tế thế giới Nhật Bản cần phải làm nhiều hơn nữa để thay đổi văn hóa công ty của mình.

Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra các sáng kiến nhằm đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với các công ty niêm yết. Năm 2014, Cục Dịch vụ Tài chính Nhật Bản đã xây dựng một bộ “qui tắc đạo đức phục vụ” trong đó nêu ra các nguyên tắc thực hành tốt nhất dành cho các nhà quản lý tài sản và kiểm soát viên thể hiện sự trung thành với các công ty.

Năm 2015, sàn Giao dịch chứng khoán Tokyo đã áp dụng bộ các qui tắc quản lý công ty đòi hỏi mỗi công ty niêm yết phải có ít nhất hai giám đốc độc lập bên ngoài tham gia quản lý.

Tuy còn sớm để đánh giá nhưng dường như những thay đổi này bắt đầu có tác dụng. Hơn 90% các công ty niêm yết đã có ít nhất một giám đốc độc lập bên ngoài và tỷ lệ này đang tiếp tục tăng lên. Các hội đồng quản trị Nhật Bản ngày càng coi trọng các thước đo như tỷ lệ hồi qui vốn (ROE) khi đánh giá cơ hội và ra các quyết định đầu tư cũng như đo lường các mục tiêu chiến lược của tập đoàn để đáp ứng các cổ đông. Các công ty cũng đang từng bước minh bạch hóa việc sở hữu chéo giữa các công ty.

Những cải cách như thế dù được hoan nghênh nhưng vẫn chưa đủ. Chẳng hạn những cá nhân giữ vai giám đốc độc lập bên ngoài không thực sự là độc lập vì họ được đề cử bởi các công ty mẹ hoặc bởi những ngân hàng góp vốn. Các công ty Nhật cũng thường ủng hộ cải cách một cách có phần hình thức hoặc thay vì tuân thủ lại cố gắng viện cớ lý giải cho việc chưa tuân thủ yêu cầu của các khuyến nghị thực hành tốt nhất của chính phủ.

Rõ ràng cải cách phương pháp lãnh đạo điều hành không chỉ dừng lại ở việc thông qua các qui định hay luật lệ mới. Nó đòi hỏi có sự thay đổi thực chất trong tầm nhìn lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo công ty phải hiểu thấu đáo giá trị của việc tuân thủ các qui định, còn chính quyền phải có dũng khí chấp nhận không can thiệp mà để thị trường và các nhà đầu tư tự quyết định vấn đề.

Ví như trong trường hợp thua lỗ khủng ở tập đoàn Sharp, đang là đối tượng được nhà nước hỗ trợ giải cứu. Tập đoàn này liên tục thua lỗ kéo dài cần phải bị bán đi hoặc tái cấu trúc triệt để nhưng chính phủ cùng với một số ngân hàng nội địa quyết định tiếp tục bơm tiền cứu tập đoàn khỏi chết chìm và gạt sang một bên đề xuất mua lại Sharp của một đối tác nước ngoài. Cần có sức ép mạnh mẽ hơn từ phía các nhà đầu tư.

Vai trò các nhà đầu tư ngoài việc bỏ phiếu thông qua các quyết định của hội đồng quản trị còn phải chất vấn, đưa ra lời khuyên và quan trọng hơn phải đòi hỏi các câu trả lời. Nếu các công ty Nhật Bản chứng minh sự vững vàng trước các chấn động hiện tại của thị trường thì tiến trình cải tổ là yêu tố sống còn khi hội đồng quản trị và các nhà đầu tư có cùng chung lợi ích thúc đẩy cải cách trong lãnh đạo công ty.

MỚI - NÓNG