Nhiều công ty chứng khoán lỗ nặng

Nhiều công ty chứng khoán lỗ nặng
TP - Thị trường chứng khoán ảm đạm, trong khi cả nước có đến 105 công ty chứng khoán (CTCK), khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng. Hậu quả này có căn nguyên từ vài năm trước, khi thị trường chứng khoán sôi động, người ta đua nhau lập công ty chứng khoán.
Nhiều công ty chứng khoán lỗ nặng ảnh 1

Đa phần lỗ nặng

Đến thời điểm này, hầu hết các CTCK đều rơi vào tình cảnh thất thu hoặc sụt giảm đáng kể lợi nhuận. Báo cáo tài chính quý 3-2010 cho thấy tại 25 CTCK đang niêm yết trên sàn có đến 9 công ty thông báo lỗ quý 3 (đều ở sàn HNX).

Lỗ nặng nhất là CTCK Kim Long (KLS), tới 193 tỷ đồng (lũy kế 9 tháng KLS lỗ 203 tỷ đồng). CTCK Bảo Việt (BVS) thông báo lỗ 83,6 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng lỗ của BVS là 74,6 tỷ đồng. CTCK Rồng Việt (VDS) quý 3 cũng lâm vào tình trạng thua lỗ gần 25,5 tỷ đồng. Chứng khoán Hải Phòng - HPC lỗ nặng quý 3 với 42,9 tỷ đồng. Nằm trong danh sách lỗ nặng còn có CTCK Công Thương lỗ 26,96 tỷ đồng....

Với các CTCK lâu nay có số lợi nhuận khủng nhất, như CTCK Sài Gòn (SSI) lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 146 tỷ đồng, gần tương đương với quý 2 nhưng sụt giảm so với quý 3-2009. Kế đến, AGR – chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp đứng thứ hai với lãi 60 tỷ đồng. Ngay cả doanh nghiệp đứng đầu về thị phần môi giới, nhưng CTCK Thăng Long (TLS) chỉ lãi hơn 22 tỷ đồng sau thuế quý 3.

Từ 27-10, sàn giao dịch tại Hà Nội của Vincom đóng cửa
Từ 27-10, sàn giao dịch tại Hà Nội của Vincom đóng cửa. Ảnh: Từ internet

Nhìn nhận về bức tranh ảm đạm của 105 CTCK đang hoạt động trên thị trường, tổng giám đốc một CTCK lớn (thuộc Top 10) nhận định: Nếu công bố hết, tình hình sẽ còn ảm đạm hơn. Theo ông, việc TTCK suy giảm mạnh từ đầu năm đến nay đã khiến các CTCK phải căng mình vật lộn đa dạng hoá danh mục để tìm thêm nguồn thu mới.

Mổ xẻ lãi của các CTCK ông nhận xét: “Đa phần tăng trưởng quý 3 đến từ các nguồn thu khác như hợp tác đầu tư chứng khoán, kiêm thêm cả nghiệp vụ ngân hàng (cho vay hình thức 50-50) hay hoạt động đầu tư bất động sản. Còn với các CTCK lỗ thì căn bản do thị phần thấp, tiềm lực tài chính thấp dẫn đến khó khăn trong nguồn thu. Đó là chưa kể rất nhiều CTCK chết bởi phần tự doanh lớn”.

Doanh nghiệp nhỏ sẽ rơi rụng

Cuối tháng 10 vừa qua, CTKC Vincom đành tuyên bố đóng sàn giao dịch phía Bắc và xúc tiến đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho các đối tác khác để dần chuyển về lĩnh vực đầu tư bất động sản. Theo lãnh đạo một CTCK, đây chính là động thái cho thấy TTCK đã bắt đầu sàng lọc và không còn là miếng bánh ngon với các doanh nghiệp đầu tư tay trái.

Thống kê chung trên thị trường hiện có 105 CTCK, trong đó 10 CTCK thuộc Top 10, chiếm tới 50% thị phần (SSI, TLS, SCBS, HCMS, HBS, VNDS, ACBS, ABBS,EPTS, VCSC, APEC). Trong số 90 CTCK còn lại có khoảng 1/3 số công ty có vốn dưới 100 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, ngoài đề xuất và trông chờ vào việc Chính phủ, Bộ Tài chính chấp thuận giảm phí (văn bản này hiện đã trình), các CTCK không còn cách nào khác ngoài việc phải gồng mình chịu đựng, cắt giảm chi phí, nhân sự...để bớt lỗ.

Tổng thư ký Hiệp hội chứng khoán Nguyễn Thanh Kỳ 

“Việc thu gọn CTCK là một xu hướng tất yếu, bởi ngay cả các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, thì TTCK của họ cũng chỉ tồn tại 30-40 CTCK”- Một quan chức Ủy ban chứng khoán nói.

Xu hướng thời gian tới sẽ ra sao? Phó Tổng giám đốc CTCK Hoà Bình (HBS) Phạm Huy Dương nhận định: Các CTCK được cấu thành bởi nhân sự, công nghệ, khách hàng. Công nghệ thì mỗi công ty đều khác nhau, khách hàng thì chỉ cần bán hết cổ phiếu, tất toán đóng tài khoản hoặc lưu ký rồi chuyển sang một tài khoản của CTCK khác.

Nói chung, chắc chắn sẽ không có chuyện sáp nhập mà chỉ có thể là chuyển giao. Tuy nhiên, nhu cầu mua CTCK không thể trở thành trào lưu mà chỉ xuất phát từ một số tổ chức, cá nhân.

Phó chủ tịch HĐQT một CTCK trong Top 10 của thị trường cho biết thêm: “Năm 2010, thị trường đang có sự thay đổi lớn về chất. Một số CTCK nhỏ đang chết đau đớn bởi trót ôm những cổ phiếu lởm được tung hứng làm giá bởi các đội lái trên thị trường trước đó. Chính điều này đang làm tài sản cả trăm tỷ đồng của nhiều CTCK bốc hơi ( tài sản mất đi không chỉ từ việc CTCK ôm cổ phiếu đó mà còn cả từ việc cho sử dụng dịch vụ margin - cho vay tiền với nhà đầu tư trong khi nhiều người lỗ nặng bỏ của chạy lấy người).

“Một xu hướng tất yếu, với việc bị co hẹp thị phần, không có doanh thu, và thua lỗ trong các nghiệp vụ, nếu trong năm tiếp theo mà thị trường chưa sáng sủa lên, rất có thể hàng loạt CTCK nhỏ sẽ rơi, rụng”- Ông dự đoán.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.