Nhiều doanh nghiệp đồng loạt làm việc online, tránh lây nhiễm dịch

Một giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy online
Một giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy online
TPO - Trước tình hình dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đã cho nhân viên làm việc từ xa. Các doanh nghiệp cũng nghiên cứu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang online để vượt qua mùa dịch.

Suốt 1 tuần này, chị Hoàng Thị Hảo, nhân viên Digital Marketing, Công ty cổ phần sách Alpha đều ở nhà làm việc. Chị Hảo cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID – 19, công ty chị phải cắt giảm giờ làm. Theo đó, mỗi nhân viên chỉ được lên công ty mỗi tuần 2 ngày. Bộ phận nào không cần thiết có thể đăng ký làm việc ở nhà.

“Mặc dù làm việc online nhưng giờ giấc làm việc vẫn phải đảm bảo như trên công ty. Ví dụ, 8h nhân viên phải kết nối vào nhóm để họp. 14 giờ phải báo cáo tiến độ xử lý công việc. Nhiều khi công việc bị chi phối bởi việc nhà nhưng tránh được lây nhiễm dịch nên mình cũng cố gắng”, chị Hảo nói.

Anh Nguyễn Tiến Minh, nhân viên một công ty thiết kế tranh ảnh tại Hà Nội cho biết, từ ngày 10/3, các nhân viên của công ty anh cũng được cho nghỉ làm việc tại nhà, chỉ có nhân viên trực tiếp sản xuất đi làm luân phiên.

“Để chuẩn bị phương án dịch COVID – 19 kéo dài, công ty cũng sắm thêm các phương tiện phục vụ công việc như webex (ứng dụng họp trực tuyến), VPN (mạng riêng ảo) và xây dựng hệ thống làm việc online. Các trưởng bộ phận phối hợp với bộ phận nhân sự chủ động quản lý hiệu quả của nhân viên theo hiệu suất công việc” anh Minh nói.

Chuyển đổi mô hình online: bù đắp sụt giảm

Trước tình hình dịch COVID – 19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp cũng nghiên cứu chuyển sang phát triển hình thức kinh doanh online để bù đắp sự giảm sút doanh thu.

Bà Nguyễn Thị Giang, Tổng giám đốc Cty cổ phần giáo dục và đào tạo IMAP Việt Nam cho biết: Trong vòng 2 tháng gần đây, hơn 40 cơ sở trên toàn quốc của công ty đều phải đóng cửa. Doanh thu của công ty sụt giảm đến 80-90%, và phải cắt giảm khoảng 30% nhân sự.

Nhiều doanh nghiệp đồng loạt làm việc online, tránh lây nhiễm dịch ảnh 1 Các học viên tại IMAP được chuyển sang học theo hình thức online

Trong bối cảnh đó, công ty chuyển sang hình thức giảng dạy online trên nền tảng trực tuyến kết nối trực tiếp giữa giảng viên và học viên. Người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, với số lượng từ 12-15 người/lớp. “ Nhờ chuyển sang hình thức online, 2 tháng qua công ty may mắn chưa phải dùng đến quỹ dự phòng”, bà Giang chia sẻ.

Ông Nguyễn Khoa Bảo, Tổng giám đốc Cty cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI cho biết, ngay khi có tin bệnh dịch bùng phát, Ban lãnh đạo FSI đã ngay lập tức áp dụng hình thức làm việc online để thay thế hình thức làm việc tập trung. Theo đó, 80% nhân sự FSI đã áp dụng làm việc online từ ngày 9/2, và hiện 100 nhân sự đã áp dụng làm việc online.

Theo ông Bảo, việc ứng dụng chuyển đổi số từ sớm nên hiệu quả công việc của FSI không bị gián đoạn. Công ty cũng tiết kiệm được nhiều chi phí như điện nước, văn phòng phẩm...Ngoài ra, công ty cũng cho ra mắt thêm nhiều hoạt động hỗ trợ online cho khách hàng nên bù đắp lại được phần nào doanh thu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19.   

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hà Nội cho biết, đến nay Trung tâm đã dừng hoàn toàn các phiên giao dịch việc làm offline, thay vào đó kết nối người lao động với doanh nghiệp qua hình thức online.

“Người lao động có nhu cầu tìm việc sẽ được kết nối với doanh nghiệp tuyển dụng qua một phần mềm của Trung tâm. Hai bên có thể phỏng vấn trực tuyến mà không cần phải gặp mặt”, ông Thành cho hay.

Theo ông Thành, với hình thức này, người lao động và doanh nghiệp có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí, vừa có thể phòng tránh được dịch COVID – 19. Hiện,  mỗi ngày, Trung tâm nhận được khoảng 1.000 bộ hồ sơ tìm việc của người lao động.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội họp online

Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện các cuộc họp của Bộ  đã chuyển sang hình thức online. Ngoài ra, Bộ đang có ý tưởng xây dựng một ứng dụng phần mềm trực tuyến tích hợp các vấn đề như bảo hiểm thất nghiệp, thị trường lao động, cách lựa chọn trường nghề... Từ đó, tiến đến tích hợp 6 trụ cột an sinh gồm: Người có công, chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hộ nghèo, hưu trí, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế trong một ứng dụng.

Nhiều doanh nghiệp đồng loạt làm việc online, tránh lây nhiễm dịch ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung họp online

“Trong ngắn hạn, ứng dụng sẽ giúp cho nhiều đối tượng phòng, chống dịch COVID - 19. Nhưng về lâu dài, ứng dụng trực tuyến sẽ giúp người dân thuận tiện hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, cũng thực hiện cụ thể hoá chủ trương Chính phủ điện tử”, Bộ trưởng Dung chia sẻ.

MỚI - NÓNG