Nhiều doanh nghiệp VN bị lừa đảo giao dịch tại Pakistan

Nhiều doanh nghiệp VN bị lừa đảo giao dịch tại Pakistan
TPO - Thương vụ Việt Nam tại Pakistan vừa có báo cáo cho biết có một nhóm người Pakistan giả danh DN để lừa đảo các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các DN Trung Quốc và Việt Nam.

Thủ đoạn của nhóm lừa đảo này là lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để ép đối tác giao hàng không kèm theo điều kiện thanh toán.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cũng cho biết một số doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở ở TP.HCM, Nghệ An, Hà Nội đã bị rơi vào bẫy lừa theo kiểu này.

Một số trường hợp cụ thể là: Doanh nghiệp E. ở TP.HCM sau khi giao hàng đã được khách hàng đề nghị đổi tên người nhận hàng trên vận đơn hoặc gửi thẳng chứng từ cho khách không qua ngân hàng. Doanh nghiệp E. đã chọn cách gửi thẳng chứng từ cho khách không qua ngân hàng và sau đó bị khách hàng Pakistan có tên EVERSHINE IMPO EXPO, ASIF IMPEX chiếm đoạt lô hàng trị giá 36.000 USD.

Một trường hợp khác là doanh nghiệp P. (cũng ở TP.HCM) sau khi giao hàng, khách hàng Pakistan là N.Y TRADING CORPORATION, Galaxy Enterprises đề nghị đổi điều kiện thanh toán từ D/P sang D/A. Doanh nghiệp P. không chấp nhận. Hậu quả là khách không thanh toán và lô hàng trị giá 12.500 USD bị kẹt tại cảng Karachi.

Doanh nghiệp S. (TP.HCM): Khách hàng Pakistan là A.N. Cotton Factory ký hợp đồng bán bông nhưng khi giao hàng lại giao xơ phế phẩm gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng 100 nghìn USD.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, nhóm lừa đảo này thường sử dụng tên và địa chỉ doanh nghiệp, số điện thoại, số fax giả, không xác định được trên thực tế.

Đặc biệt là nhóm lừa đảo này thường sử dụng thủ đoạn lập lờ tư cách đối tác: Tên đối tác giao dịch, tên đối tác ký hợp đồng, tên đối tác nhận chứng từ giao hàng khác nhau.

Thủ đoạn này dẫn đến hậu quả là không thể xác định được về mặt pháp lý đối tác có hành vi lừa đảo, và vì vậy khó có thể giành phẩn thắng nếu đưa vụ tranh chấp ra pháp luật và không thể buộc tội kẻ chủ mưu. Chính vì vậy nhóm lừa đảo này hoạt động nửa công khai và tỏ ý sẵn sàng đối đầu với các cơ quan pháp luật.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Hồng Tiến khuyến cáo khi tiến hành giao dịch với khách hàng các doanh nghiệp có thể liên hệ với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pakistan để thẩm tra các khách hàng mới.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp mới bước vào buôn bán quốc tế. Theo kinh nghiệm của một số nước, hình thức hỗ trợ này là mẫu hợp đồng buôn bán bắt buộc, xác minh ngân hàng bắt buộc …

MỚI - NÓNG