Nhiều doanh nghiệp xin rút khỏi vụ kiện da giày

Nhiều doanh nghiệp xin rút khỏi vụ kiện da giày
Trong danh sách 59 doanh nghiệp bị Uỷ ban châu Âu điều tra trong vụ kiện phá giá giày thì chỉ hơn 1/2 công ty xin tham gia vụ kiện. Phần còn lại không muốn tham gia, vì nhiều lý do khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp xin rút khỏi vụ kiện da giày ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp da giày rút tên khỏi vụ kiện

Tại cuộc họp ngày 12/7 vừa qua giữa Hiệp hội da giày VN (Lefaso), Hiệp hội da giày TP.HCM và hơn 25 nhà sản xuất phía Nam, Phó chủ tịch Lefaso đã bình chọn sơ lược những đơn vị nằm trong danh sách điều tra do phía EU đưa ra để lấy mẫu chuẩn bị cho việc điều tra sắp tới.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Lefaso, tình hình hết sức bất lợi cho các doanh nghiệp VN bởi trong danh sách do phía EU đưa ra hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ làm da - giày mà còn làm phụ liệu, máy móc, thậm chí có doanh nghiệp không xuất hàng qua EU.

Theo ông Kiệt, phía EU đã không công bằng khi đưa ra danh sách này, và họ nắm chắc phần thắng bởi đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ của ta phần hạch toán chưa được minh bạch lắm. Trước mắt, Lefaso sẽ mời một số công ty nước ngoài tại VN trong lĩnh vực này để học hỏi kinh nghiệm và thành lập ban thường trực để thu thập cũng như cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm phó giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu giày dép Nam Á Nguyễn Văn Xuân Giàu cho biết, tuy Nam Á không nằm trong danh sách bị điều tra nhưng nếu có chắc chắn doanh nghiệp cũng xin rút lui. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dép sandan của công ty sang thị trường EU mỗi năm đạt trên 1 triệu USD.

"Một phần Nam Á chỉ sản xuất sản phẩm dép sandan với quy mô không lớn. Mặt khác, nếu tham gia vào vụ kiện sẽ tốn nhiều chi phí và thời gian", ông Giàu giải thích.

Theo ông Giàu, nếu EU áp thuế bán phá giá đối với giày dép VN thì công ty sẽ tính đến chiến lược về giá, cụ thể là giảm chi phí đầu vào để tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, Nam Á sẽ chuyển hướng tìm kiếm các thị trường khác mà xưa nay công ty cũng đã xuất khẩu như Mỹ, Canada và một số nước khác.

Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại giày dép Đô Ba Trần Ngọc Anh cho biết, dù chưa hề xuất khẩu sang thị trường EU nhưng công ty vẫn có tên trong danh sách điều tra. Lúc đầu Đô Ba cũng tính xin rút khỏi vụ kiện. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ vấn đề, đồng thời được Hiệp hội da giày TP.HCM cố vấn nên công ty đã mạnh dạn tham gia mẫu điều tra.

"Tôi cho rằng, có tham gia vào vụ kiện hay không thì chắc chắn cũng bị nâng thuế nhập khẩu. Trong danh sách bị điều tra mà EU đưa ra có cả những công ty đã bị phá sản hoặc chuyển ngành nghề. Điều cần làm trước mắt là doanh nghiệp phải biết liên kết để hợp sức đối phó", ông Anh nói.

Trong chiều nay và ngày mai, Bộ Thương mại sẽ chủ trì buổi làm việc với sự tham gia của đại diện Bộ Công nghiệp, Hiệp Hội da giày VN, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu da giày và các chuyên gia của Tổng vụ Thương mại châu Âu để trao đổi thông tin về vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng giày có mũ da của VN xuất khẩu vào thị trường của châu Âu

MỚI - NÓNG