Nhiều giải pháp kiềm chế gia tăng giá cả

Nhiều giải pháp kiềm chế gia tăng giá cả
Chính phủ, các cơ quan chức năng và các chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, nhất là sau khi giá xăng dầu tăng, có thể kéo theo sự tăng giá ở một số mặt hàng khác.

Trước tiên là cước phí vận tải, nhiều hãng vận tải liên tỉnh đã tăng cước phí khoảng 7-10%; một số hãng đang gồng mình để giữ giá nhưng có lẽ cũng không thể duy trì mãi. Cước phí vận tải tăng kéo theo việc tăng giá các nông sản, thực phẩm để đáp ứng chi phí vận chuyển và chi phí xăng dầu trong sản xuất. Vật liệu xây dựng, gas cũng đang bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán.

Chính phủ đã chỉ đạo các ngành công nghiệp chủ đạo như điện, than, xi măng không tăng giá bán, cho dù xăng dầu đã tăng giá; yêu cầu các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát giá chặt chẽ và xử lý kịp thời những vi phạm trong lĩnh vực này.

Theo ông Ngô Trí Long - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên việc tăng giá mặt hàng này không tránh khỏi tình trạng tăng giá do tâm lý lợi dụng việc này để đẩy giá các mặt hàng khác lên cao. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng phải có giải pháp chống các "liên minh" lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá, ép giá các mặt hàng, loại hình dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như giảm chất lượng để giữ giá. Ông Long khuyến cáo các doanh nghiệp triệt để tiết kiệm chi phí, giảm các yếu tố đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

Tuy nhiên, cùng ý kiến với ông Long, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại cho rằng trong việc điều tiết giá cả, Nhà nước chỉ nên tập trung vào các giải pháp vĩ mô như tài chính tiền tệ, có lộ trình sát sao để phanh hãm tác động nên để các doanh nghiệp phản ứng giá cả theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước cũng không nên lạm dụng các công cụ thuế quan để tránh gây tác động bất lợi, tạo xu hướng đầu cơ.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu - Vụ chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết: Trong trường hợp lạm phát vẫn tăng cao, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng tăng nhẹ mặt bằng lãi suất thị trường để kiềm chế lạm phát.

Trên thực tế, từ ngày 1/4, lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn đã tăng chút ít nhằm mục đích thúc đẩy các ngân hàng thương mại tích cực huy động vốn từ trong dân, giảm lệ thuộc vào nguồn vốn từ Chính phủ. Động thái này sẽ giúp gom bớt lượng tiền mặt trên thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát.

TS Nguyễn Thị Hiền, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, lại cho rằng thực hiện tiết kiệm cả trong chi tiêu của người tiêu dùng và trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng là một giải pháp tốt để kiềm chế tốc độ tăng giá, phù hợp với điều kiện một nước nghèo như Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).