Nhiều 'hàng bình ổn giá' đắt hơn ngoài chợ

Việc bình ổn giá vẫn chưa được như ý
Việc bình ổn giá vẫn chưa được như ý
TPO – Giải thích về việc giá một số hàng bình ổn ở Hà Nội chưa thấp hơn bên ngoài, đại diện một số doanh nghiệp cho hay, vì chất lượng sản phẩm cao hơn.
Việc bình ổn giá vẫn chưa được như ý
Việc bình ổn giá vẫn chưa được như ý. Ảnh: HT

Bà Phùng Ngọc Thu - Trưởng phòng Kinh doanh, Cty Cổ phần Intimex Việt Nam, quản lý chuỗi siêu thị Intimex cho biết, hàng hóa trong siêu thị khác với hàng hóa trên thị trường, phải đảm bảo chất lượng tốt, an toàn, được bảo quản ở điều kiện tốt nhất. Do đó, có thể giá một số mặt hàng cao hơn bên ngoài. Nhưng người tiêu dùng nên lưu tâm đến vấn đề chất lượng. 

Vậy số tiền UBND Hà Nội cấp cho các doanh nghiệp như Intimex được dùng thế nào?

Chín mặt hàng mà Hà Nội hỗ trợ bình ổn giá gồm: gạo trắng thường; thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; thủy, hải sản đông lạnh; dầu ăn; đường; rau xanh.

Chúng tôi được vay 15 tỷ (với lãi suất 0% - PV). Chúng tôi đã ký hợp đồng với nhà cung cấp để bình ổn giá, chốt giá trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chỉ cam kết đảm bảo lượng hàng chứ chưa đảm bảo về giá.

Chúng tôi đã dự trữ khá nhiều hàng để cung cấp từ nay đến hết Tết Nguyên Đán (31 – 3 - 2011).

Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến giá một số hàng tiêu dùng lại tăng nhanh như hiện nay?

Do chi phí đầu vào tăng, biến động tỉ giá. Nhiều nhà cung cấp và người tiêu dùng đang có tâm lý dự trữ hàng, khiến tình hình ngày càng khan hiếm hơn.

Vậy làm thế nào để bình ổn giá?

Theo tôi, cần bình ổn từ gốc, từ những nhà cung cấp hàng hóa. Chúng tôi chỉ là doanh nghiệp kinh doanh nên phải tuân theo logic của thị trường. Nhưng, tất nhiên, khi được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, cũng sẽ cố gắng phục vụ người dân ở mức tối đa.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Nhất Nam, quản lý chuỗi siêu thị Fivimart, cho rằng, khó có thể so sánh giá rau và lương thực của siêu thị với bên ngoài được. Vì các mặt hàng vào siêu thị, nhất là thực phẩm đều phải có sự kiểm tra rất nghiêm ngặt về mặt giấy tờ chúng nhận về an toàn thực phẩm. Các mặt hàng trong siêu thị đều có bao bì, tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nếu có biến động giá, phải bán thấp hơn 10% so với thị trường

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tạm ứng 500 tỷ đồng; trong đó 400 tỷ đồng tạm ứng cho một số doanh nghiệp, với lãi suất 0% để dự trữ chín mặt hàng thiết yếu.

Thời gian chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu bình ổn thị trường của thành phố trong 10 tháng, bắt đầu từ tháng Sáu tới và kết thúc vào quý I/2011; thời gian hoàn trả vốn tạm ứng được xác định cụ thể, riêng biệt theo từng đợt giải ngân.

Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp được thành phố tạm ứng vốn phải thực hiện treo biển nhận diện cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn giá trong suốt thời gian tổ chức bán hàng.

Về chất lượng các mặt hàng được bán phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá, không để xảy ra tình trạng hàng hóa kém phẩm chất, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Trong điều kiện thị trường có biến động cung cầu, giá cả, tổ công tác liên Sở Công thương - Tài chính sẽ yêu cầu các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bình ổn thị trường thực hiện bán thấp hơn tối thiểu 10% giá thị trường, tùy theo mức độ biến động của thị trường.

MỚI - NÓNG