Nhiều khoáng sản Việt Nam sắp cạn

Chính phủ vừa đồng ý cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc xuất khẩu hai triệu tấn than trong năm 2015.
Chính phủ vừa đồng ý cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc xuất khẩu hai triệu tấn than trong năm 2015.
TP - Với tốc độ và sản lượng khai thác như hiện nay, nhiều loại khoáng sản ở nước ta có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần, theo đánh giá của Tổng hội Địa chất Việt Nam.

Hầu như cạn tối đa

Cảnh báo được đưa ra khá lâu nhưng ít được đem ra mổ xẻ thấu đáo. Theo TS Nguyễn Khắc Vinh, nguyên Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, nước ta ở vùng giao cắt của hai vành đai sinh khoáng lớn Thái Bình Dương và Địa Trung Hải, có chế độ nhiệt đới gió mùa phát triển mạnh, khiến các quá trình phong hoá thuận lợi cho sự hình thành khoáng sản.

Qua 65 năm nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm khoáng sản của các nhà địa chất Việt Nam (VN) cùng với các kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất Pháp từ trước Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, đến nay chúng ta đã phát hiện hơn 5000 điểm mỏ và tụ khoáng của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau, từ các khoáng sản năng lượng, kim loại đến khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng.

Tiếc rằng, hơn 20 năm qua, cả nước VN – tất cả các thành phần kinh tế, kể cả kinh tế nhà nước, mọi ngành mọi nhà - đều ra sức đào và chặt, ra sức xuất khẩu (bán cho nước ngoài) tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia có thể, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, than phiền. “Và vì đất nước ta đủ “giàu và đẹp” nên, trong gần 25 năm qua, nỗ lực tận khai đó vẫn còn duy trì sự đóng góp mạnh mẽ vào thành tích tăng trưởng kinh tế chung. Đến bây giờ, năng lực đó hầu như đã đạt đến mức tối đa, nhiều loại tài nguyên đã gần như cạn kiệt, môi trường đã bị suy thoái nghiêm trọng” PGS.TS. Trần Đình Thiên nói.

Than đá 156 năm nữa

Than đá (coal) là một loại nhiên liệu hóa thạch được hình thành ở các hệ sinh thái đầm lầy nơi xác thực vật được nước và bùn lưu giữ không bị oxy hóa và phân hủy bởi sinh vật (biodegradation). Thành phần chính của than đá là carbon bên cạnh các nguyên tố khác như lưu huỳnh (sulphur). Than đá, là sản phẩm của quá trình biến chất, là các lớp đá có màu đen hoặc đen nâu có thể đốt cháy được. Than đá là nguồn nhiên liệu sản xuất điện năng lớn nhất thế giới và cũng là nguồn thải khí carbon dioxide lớn nhất, được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nên hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Than đá được khai thác từ các mỏ than lộ thiên hoặc dưới lòng đất dưới dạng hầm lò.

Than đá sử dụng nhiều trong sản xuất và đời sống. Trước đây, than dùng làm nhiên liệu cho máy hơi nước, đầu máy xe lửa. Sau đó, than làm nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện, ngành luyện kim. Gần đây than còn dùng cho ngành hóa học tạo ra các sản phẩm như dược phẩm, chất dẻo, sợi nhân tạo. Than chì dùng làm điện cực. Ngoài ra than còn được dùng nhiều trong việc sưởi ấm từ xa xưa nhưng khi cháy chúng tỏa ra rất nhiều khí CO có thể gây ngộ độc nên cần sử dụng trong các lò sưởi chuyên dụng có ống khói dẫn ra ngoài cũng như có các biện pháp an toàn khi sử dụng chúng.

Than có tính chất hấp thụ các chất độc vì thế người ta còn gọi nó là than hấp thụ hoặc than hoạt tính. Nó có khả năng giữ trên bề mặt các chất khí, chất hơi, chất tan trong dung dịch. Nó được dùng nhiều trong lọc nước, làm trắng đường, mặt nạ phòng độc, v.v...

VN là nước có tiềm năng về than khoáng các loại. Than biến chất thấp (lignite hay còn gọi là á bitume) ở phần lục địa trong bể than Sông Hồng tính đến chiều sâu 1700m có tài nguyên trữ lượng đạt 36,960 tỷ tấn. Nếu tính đến độ sâu 3500m, dự báo tổng tài nguyên than đạt đến 210 tỷ tấn. 

Than biến chất trung bình (bitume còn gọi là bitumen) đã được phát hiện ở Thái Nguyên, vùng Sông Đà và vùng Nghệ Tĩnh với trữ lượng không lớn, chỉ đạt tổng tài nguyên gần 80 triệu tấn.

Than biến chất cao (anthracite) phân bố chủ yếu ở các bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sông Đà, Nông Sơn với tổng tài nguyên đạt trên 18 tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh là lớn nhất với trữ lượng đạt trên ba tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh đã được khai thác từ hơn 100 năm nay phục vụ tốt cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Dù thế, Than đá  ở VN được dự báo có thể khai thác trong vòng 156 năm nữa là hết, nghĩa là bằng khoảng thời gian kể từ khi Pháp chính thức xâm lược nước ta (năm 1858) đến nay. Đây là khoảng thời gian được các nhà địa chất dự báo dài nhất so với các loại khoáng sản chính có giá trị khác.

Nhiều khoáng sản Việt Nam sắp cạn ảnh 1

Thung lũng Nhân Cơ được chọn làm hồ chứa bùn đỏ. Ảnh Hoàng Thiên Nga.

Bauxite 132 năm nữa

Bauxite (bô xít) là một loại quặng nhôm nguồn gốc á núi lửa có màu hồng, nâu được hình thành từ quá trình phong hóa các đá giàu nhôm hoặc tích tụ từ các quặng có trước bởi quá trình xói mòn. Quặng bauxite phân bố chủ yếu trong vành đai xung quanh xích đạo đặc biệt trong môi trường nhiệt đới. Từ bauxite, có thể tách ra alumina (Al2O3), nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân, chiếm 95% lượng bauxite được khai thác trên thế giới. Tên gọi của loại quặng nhôm này được đặt theo tên gọi làng Les Baux-de-Provence ở miền nam nước Pháp. Tại đây nó được nhà địa chất học là Pierre Berthier phát hiện ra lần đầu tiên năm 1821.

Các quặng bauxite phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, Caribe, Địa Trung Hải và vành đai xung quanh xích đạo. Người ta tìm thấy quặng bauxite ở các vùng lãnh thổ như Úc, Nam và Trung Mỹ (Jamaica, Brazil, Surinam, Venezuela, Guyana), Châu Phi (Guinea), Châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam), Nga, Kazakhstan, và châu Âu (Hy Lạp).

Quặng bauxite ở VN có hai loại chính. Một là bauxite nguồn gốc trầm tích (một số bị biến chất) tập trung ở các tỉnh phía bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An. Hai là bauxite nguồn gốc phong hoá laterite từ đá basalt tập trung ở các tỉnh phía nam như Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên và Quảng Ngãi.

Bauxite thường được sử dụng làm lò cao, môi (giá) sắt/thép, cement, sản xuất nhôm, phễu rót kim loại lỏng, hồ ngâm vật liệu, lòng lò nung, torpedo cars vòm lò cao sử dụng điện.

Theo Wikipedia mở, bản tiếng Anh, năm 2009, Úc (Australia) là nhà sản xuất hàng đầu bauxite, chiếm gần một phần ba sản lượng toàn cầu. Tiếp theo là các nước Trung Quốc (China), Brazil, Ấn Độ (India), và Guinea. Mặc dù nhu cầu nhôm (aluminium) đang tăng nhanh, trữ lượng bauxite toàn cầu đủ để đáp ứng nhu cầu toàn thế giới thêm nhiều thế kỷ. Và với việc gia tăng tái sinh nhôm , giá điện cho sản xuất nhôm giảm và càng làm gia tăng đáng kể mức dự trữ bauxite.

Vẫn theo bản tiếng Anh Wikipedia, với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo Quốc hội hồi tháng 11/2010 rằng dự trữ bauxite của VN có thể lên đến 11.000 triệu tấn, đây có thể là mức dự trữ lớn nhất thế giới.

Còn theo Nghiên cứu Địa chất Hoa Kỳ (USGS), VN được xếp vào hàng thứ ba thế giới về dự trữ quặng bauxite, chỉ sau Guinea và Úc. Đa số nguồn dự trữ bauxite năm ở Tây Nguyên và đang được khai thác ở mức tối thiểu. Theo ước tính của Bộ Công Thương, trữ lượng bauxite ở Tây Nguyên chiếm khoảng 5.400 triệu tấn.

Mặc dù có trữ lượng lớn, VN hiện chỉ khai thác thử nghiệm 30.000 tấn bauxite/năm và. TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hoá học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ VN, cho Tri Thức Trẻ hay các nhà khoa học của viện đã đăng ký xong bản quyền về quy trình xử lý bùn đỏ, chất thải chính của quá trình chế biến quặng bauxite, và thu hồi được lượng sắt đáng kể.

Được biết, sang năm 2016, các cơ sở ở Tây Nguyên sẽ đi vào sản xuất nhôm chính thức từ bauxite. Và dù với trữ lượng khổng lồ nêu trên, thuộc nhóm các khoáng sản có khả năng khai thác trong vòng trên 100 năm khác, bauxite  ở nước ta được cho là cũng chỉ có thể khai thác thêm 132 năm nữa.

Nhiều người giàu lên từ tài nguyên

Trao đổi với Tri Thức Trẻ, TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, nhận định, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến VN sắp hết một số loại khoáng sản là do chúng ta duy trì trong một thời gian dài chính sách khai thác và quản lý khai thác tài nguyên gây lãng phí, thiếu hiệu quả, ít chế biến sâu và bán giá rẻ. Sự lãng phí và thiếu hiệu quả ấy là cơ hội làm giàu cho số ít trong khi làm khánh kiệt nguồn của cải và sức lao động của số đông.

“Danh sách người giàu ở VN ngày càng dài thêm và nhiều người giàu lên từ tài nguyên thiên nhiên. Có đại gia giàu từ rừng, có đại gia giàu từ đất, có đại gia giàu từ khoáng sản và gần đây có một số ít đại gia giàu từ thị trường tài chính. Nói tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, là sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế, tài nguyên khoáng sản đang rơi vào tay tư nhân chứ không phải nhà nước. Vì vậy mà tài nguyên đang bị tận diệt rất nhiều", TS Võ lưu ý tại một hội thảo do Liên Minh Khai khoáng tổ chức ở Hà Nội ngày 15/7/2014 về thực trạng VN chậm tham gia Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai khoáng (EITI).

(Còn nữa)

Ilmenite, loại quặng chủ yếu dùng để chế biến kim loại titanium với mục đích thương mại, được đánh giá còn khai thác thêm 114 năm. Còn chromium - thành phần không thể thiếu để tạo đặc tính chống bào mòn của các loại thép không gỉ, siêu hợp kim, động cơ phản lực, các turbin (động cơ) chạy bằng khí, hơi nước hoặc gas – chỉ còn đủ để khai thác trong 100 năm nữa.

Đón đọc Kỳ 2 “Xem lại rừng vàng biển bạc”. Nguồn dự trữ không còn nhiều có nguyên nhân khách quan là thiên nhiên không thực sự ưu đãi chúng ta như lâu nay vẫn ảo tưởng đến mức đưa hẳn vào sách giáo khoa với cụm từ phổ biến nước ta có “rừng vàng biển bạc”. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác thiếu hiệu quả, theo kiểu tận thu tận diệt nhiều chục năm qua, cũng góp phần làm cho tài nguyên cạn kiệt nhanh.

Theo Tri Thức Trẻ - Tiền Phong
MỚI - NÓNG