Bị Cty XKLĐ khai gian trình độ tay nghề:

Nhiều lao động bị trả về trở thành “chúa chổm”

Nhiều lao động bị trả về trở thành “chúa chổm”
Một công ty dùng "trò ảo thuật" để biến những người không biết nghề mộc trở thành chuyên gia. Họ vay tiền đi xuất khẩu lao động, nay  trở về thành ... chúa chổm.

Những tưởng đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài cả 5 nhà sẽ được đổi đời. Nào ngờ, đùng một cái, cả vùng Bãi Ngang thuộc khu vực Nghi Lộc và Cửa Hội - Cửa Lò - Nghệ An thấy 5 người mới đi Dubai được một tháng, nay đã trở về trong tâm trạng uất ức, vì bị Cty cung ứng xuất khẩu và chuyên gia Nghệ An( gọi tắt là NAPECO) dùng “trò ảo thuật” để họ trở thành “chúa chổm”.      

Vừa qua, 5 lao động gồm Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Chiến, Hoàng Công Hùng, Vương Đình Liễu, Nguyễn Hữu Hoa trở về từ Dubai đã kéo nhau đến Văn phòng báo Tiền Phong tại Vinh phản ánh:

 Sau khi được Cty NAPECO hoàn thành thủ tục, ngày 2/4/2005  cả 5 anh em khấp khởi lên máy bay sang Dubai.

Tưởng rằng, chuyến đi này đến ngày trở về sẽ đổi đời nhưng hoàn toàn ngược lại, vì khi đến nơi họ không được bố trí công việc phù hợp:  làm việc tại xưởng sản xuất đồ mộc bằng máy.

Do không hiểu gì về nghề mộc, máy móc nên cả 5 phải chuyển sang làm việc khác. Công việc của họ chủ yếu là khuân vác cửa từ dưới đất lên tầng 11, vận chuyển gỗ... Đó là chưa kể còn bị sai khiến làm nhiều việc cực nhọc.

Thời gian làm việc từ 7 giờ sáng đến 13 giờ chiều, nghỉ trưa một lát, sau đó lại tiếp tục từ 14 giờ cho đến 17 giờ (bình quân lao động 1 ngày 9 tiếng đồng hồ).

Sau một tháng lao động quần quật, họ chỉ nhận được mức lương rẻ mạt 600 DHS, trong khi đó hợp đồng phía Cty NAPECO ký cho họ là mức lương 800 DHS/tháng (tương đương với 3.200.000 đồng tiền Việt Nam).

Trước khi đi, mỗi người phải đóng 29.165.000 đồng tiền chi phí tuyển dụng, môi giới (theo mức lệ phí dành cho những người lao động có tay nghề cao), trong đó người lao động chỉ bỏ ra 9.165.000 đồng, còn  20.000.000 đồng là Cty đứng ra bảo lãnh cho người lao động vay tiền ngân hàng.

Trước lúc nộp đơn xin đi, 5 người đã được NAPECO tư vấn làm nghề thợ mộc, nhưng cả 5 người đều trình bày không biết nghề này. Phía Cty nói, việc đó để Cty lo; họ chỉ việc nộp thêm 600.000 đồng là Cty lo liệu chứng chỉ cho. Để được đi, họ đã làm theo lời phía NAPECO tư vấn. Ngày 1/4/2005, mỗi người đã nộp thêm 600.000 đồng để có chứng chỉ tay nghề thợ mộc.

Thấy lương rẻ mạt hơn cả lao động phổ thông, 5 anh em hỏi ông chủ phía nước ngoài thì được biết, phía NAPECO thực hiện sai hợp đồng.

Phía nước ngoài yêu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề thì phía Cty này đã làm chứng chỉ tay nghề giả để khi người lao động sang đây không thực hiện được công việc mà đối tác yêu cầu.

Thấy mình bị lừa, 5 anh em đình công. Chủ tuyên bố đuổi họ về Việt Nam, nếu không họ sẽ bị  cảnh sát bắt. Thất thế, 5 người điện về cho Cty thì có người tên Nguyễn Thị Hiền (theo như Cty cho biết thì bà này là cộng tác viên của Cty ở Dubai) thông báo là Cty sẽ giảm phí tuyển dụng cho mỗi người 300 USD  với điều kiện họ phải ở lại làm việc và chấp nhận như mức lương đã nhận.

Nhưng 5 người yêu cầu Cty phải giảm phí tuyển dụng đúng với mức giá lao động phổ thông. Yêu cầu này bị từ chối. Và cuối cùng sau một tháng ở Dubai, cả 5 người đã phải trở về Việt Nam.

Khi họ lên Cty đòi trả lại tiền chi phí tuyển dụng thì Cty NAPECO cho rằng phía người lao động đã vi phạm hợp đồng lao động. Công văn số 270/CV - CT của ông Phan Thanh Giản – GĐ Cty khẳng định:

Vấn đề này là do lỗi của người lao động không trung thực khi đăng ký nghề đi làm việc tại nước ngoài. Khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Giản nói, việc làm chứng chỉ tay nghề giả là Cty muốn giúp đỡ, tạo điều kiện cho người lao động để được đi xuất khẩu (?!)

Theo người lao động thì Cty giúp họ làm chứng chỉ tay nghề giả là với mục đích thu tiền lệ phí tuyển dụng của người lao động có tay nghề cao hơn mức lệ phí của người lao động phổ thông.

Căn nguyên của chuyện 5 lao động phải về nước trước thời hạn cũng xuất phát từ đó. Phải chăng Cty NAPECO đã có những “chiêu” lợi dụng người lao động thiếu hiểu biết để đưa họ vào tròng?

Được biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên mà trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều người lao động bị các đơn vị môi giới, tuyển dụng cho vào “xiếc” và lừa gạt với nhiều hình thức tinh vi để rồi biến người lao động trở thành “chúa chổm”.

MỚI - NÓNG