Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần: 

Nhiều loại nông sản đã bị bán phá giá vào Việt Nam

Nhiều loại nông sản đã bị bán phá giá vào Việt Nam
"Giá nhiều loại nông sản của Trung Quốc và Thái Lan tại thị trường trong nước của họ có thể cao hơn của Việt Nam nhưng khi bán sang Việt Nam thì giá lại rất thấp"- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần nói.
Nhiều loại nông sản đã bị bán phá giá vào Việt Nam ảnh 1

Năm nay trái lựu và trái đào Trung Quốc bán tại chợ Bến Thành to hơn so với trái cây trong nước, nên được khách hàng chọn mua. Ảnh: Đức Thành

Thưa Thứ trưởng, ngày càng nhiều loại nông sản Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam. Liệu về lâu dài, nông sản của Trung Quốc có “chiếm hết sân” của nông sản Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta gia nhập WTO?

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần: Đúng là có tình trạng nhiều loại nông sản Trung Quốc đang hiện diện rộng rãi trên thị trường Việt Nam. Đó là thực tế chúng ta phải chấp nhận, nhưng nông sản Việt Nam sẽ không bị lép vế hoàn toàn mà có thể cạnh tranh sòng phẳng được với nhiều chủng loại nông sản của Trung Quốc và cả Thái Lan nữa.

Nhưng nhiều loại nông sản của Trung Quốc và Thái Lan có mặt ở thị trường Việt Nam với chất lượng không thua kém, giá lại rẻ hơn so với hàng nội, thưa Thứ trưởng?

Theo tôi biết, có nhiều mặt hàng đã bị bán phá giá vào Việt Nam. Trên thực tế, giá nhiều loại nông sản của Trung Quốc và Thái Lan tại thị trường trong nước của họ có thể cao hơn của Việt Nam nhưng khi bán sang Việt Nam thì giá lại rất thấp

Ví như, một quả trứng gà của Trung Quốc bán tại thị trường trong nước cũng hơn 0,6 nhân dân tệ (tương đương 1.200 đồng Việt Nam); nhưng nhiều khi quả trứng gà này bán sang Việt Nam chỉ có 200 đồng. Hoặc 1kg đường bán ở Thái Lan tương đương giá 15.000 đồng Việt Nam nhưng khi bán sang nước ta chỉ với giá 6.000 đồng/kg.

Có thông tin cho rằng, nhiều nông dân Trung Quốc khi mang nông sản xuất khẩu ra khỏi biên giới là được Hải quan nước họ thưởng trực tiếp cho người nông dân đó. Điều này đã kích thích nông dân Trung Quốc xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam?

Có thể đó là cách họ làm để khuyến khích xuất khẩu nông sản.

Vậy chẳng lẽ, nông sản của chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà?

Như tôi đã khẳng định, về cơ bản chúng ta không bị thua và vẫn có thể cạnh tranh được. Nông sản của chúng ta không cạnh tranh được chỉ có thể xảy ra ở 2 trường hợp chính: thứ nhất là nông sản Việt Nam không phải là mặt hàng chính, chủ lực và kém lợi thế cạnh tranh so với nông sản Trung Quốc.

Thứ hai là cùng mặt hàng chất lượng như nhau, nhưng khi Trung Quốc vào chính vụ thì cung của họ rất lớn, họ có thể chấp nhận bán hàng ra nước ngoài với giá rất thấp để giải quyết đầu ra. Tuy nhiên, trường hợp thứ 2 là không nhiều.

Nhưng liệu nông sản của chúng ta có đứng được trước tình trạng bán phá giá hoặc “thưởng xuất khẩu” trực tiếp cho nông dân?

Tới đây, khi vào WTO, chúng ta có thể áp dụng thông lệ của WTO thì nông sản sẽ được cạnh tranh lành mạnh hơn. Mặt khác, khi chúng ta có Luật Chống bán phá giá thì chúng ta sẽ có cơ sở để kiềm chế tình trạng hiện nay.

Thứ trưởng có bình luận gì về thông tin cho rằng, nông sản Trung Quốc kém chất lượng và dùng hóa chất để bảo quản lâu hơn khi đưa sang Việt Nam?

Tôi được biết, ở Trung Quốc, các loại giống cây trồng, vật nuôi khi đưa vào sản xuất đều kiểm nghiệm chặt chẽ và tỷ lệ bảo đảm an toàn vệ sinh đạt trên 90%.

Trung Quốc và Việt Nam đã có thỏa thuận lập các trạm kiểm dịch thực vật tại khu vực biên giới để kiểm tra hàng hóa, nông sản xuất sang nhau. Tuy nhiên, các trạm này có lẽ là không kiểm soát hết được dư lượng thuốc hóa học trong nông sản.

Mặt khác, chúng ta thường chỉ kiểm tra bằng mắt thường mà ít có trang thiết bị đo lường chính xác nên hiện tượng dùng hóa chất trong một số loại nông sản là khó tránh khỏi.

Theo Văn Nghĩa
Sài Gòn giải phóng

MỚI - NÓNG