Nhiều tháo gỡ vay ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng

Người dân đang trông chờ nới lỏng hơn nữa gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng (trong ảnh: dự án nhà xã hội Sài Đồng - Hà Nội). Ảnh: Lê Hữu Việt
Người dân đang trông chờ nới lỏng hơn nữa gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng (trong ảnh: dự án nhà xã hội Sài Đồng - Hà Nội). Ảnh: Lê Hữu Việt
TP - Đề xuất nâng thời gian vay từ 10 năm lên 15 năm, không khống chế diện tích và giá bán (chung cư, nhà thổ cư) vay với lãi suất ưu đãi được thông qua trong thời gian tới... Nhiều quy định mới sẽ góp phần tháo gỡ việc giải ngân ì ạch gói 30.000 tỷ đồng trong suốt hơn 1 năm vừa qua.

Giảm áp lực lãi suất


Anh Hoàng Long (Thanh Xuân, Hà Nội) đang phải trả hơn 4 triệu đồng/tháng tiền gốc và lãi cho số tiền 450 triệu đồng vay mua căn hộ tại dự án Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) theo gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng. 

Anh Long chia sẻ: “Thu nhập 2 vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng, nhưng chi phí sinh hoạt, nuôi con chiếm gần hết số tiền. Mỗi lần đến tháng đóng tiền lãi 2 vợ chồng lại chạy ngược chạy xuôi. Nếu nâng thời gian vay, mỗi tháng gia đình tôi chỉ phải trả hơn 2 triệu đồng/tháng, bớt đi một khoản đáng kể chi phí cho gia đình”.

Cũng trong tâm trạng vui mừng khi tiền lãi hàng tháng của gia đình đóng cho ngân hàng sẽ được giảm đi một nửa (so với mức cũ), chị Đinh Thu Hà (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Ở trọ Hà Nội hơn 10 năm, gia đình tôi mới có cơ hội mua nhà. Mỗi tháng đóng hơn 2 triệu đồng, tôi sẽ có khoản để dành lo cho 2 con ăn học”.

Trước thông tin nâng thời gian vay lên 15 năm, một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng BIDV (một trong những ngân hàng đang triển khai gói 30.000 tỷ đồng) cho rằng, lãi suất gói tín dụng từ 6% xuống 5% từ tháng 1/2014 là hợp lý; tới đây nâng thời gian vay sẽ giảm thêm áp lực lãi suất cho người mua nhà. “Để có lãi suất thấp duy trì trong một thời gian dài, các ngân hàng phải bố trí nguồn vốn trung và dài hạn.

 Mặc dù ngân hàng không gặp khó khăn vốn do vay theo gói tín dụng ưu đãi, nhưng cũng rất thận trọng khi xét duyệt từng hồ sơ của khách hàng vì tránh nợ xấu trong BĐS”, vị này nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện, thủ tục cho khách hàng cá nhân vay gói 30.000 tỷ đồng đã “mở” hơn, như: Cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh giảm 1%. 

Tuy nhiên, mức lãi vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Thời hạn hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ. 

“Thời gian vay càng dài, lãi ngân hàng trả càng ít. Bộ Xây dựng đang rất tích cực gỡ nút thắt cho gói 30.000 tỷ đồng. Nếu đề xuất được thông qua, tín dụng giải ngân gói tín dụng sẽ cải thiện đáng kể”, ông Minh nói.

Thêm nhiều đối tượng được vay

Lý giải việc giải ngân gói 30.000 tỷ chậm, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Nghị quyết 02 quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân thuê, thuê mua nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 được vay gói 30.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, sản phẩm căn hộ chung cư thường phổ biến ở các đô thị lớn; còn đô thị vừa và nhỏ, nguồn cung và nhu cầu phổ biến vẫn là nhà ở riêng lẻ thấp tầng. Do đó, đa số người dân tại các đô thị vừa và nhỏ không có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi. 

“Nhà ở xã hội đang thiếu nguồn cung. Trong khi đó, căn hộ thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thường chỉ có ở dự án xa trung tâm, vị trí không thuận lợi, hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại đô thị, khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi mua nhà ở thương mại có giá trị phù hợp với quy định. Đồng thời, cá nhân có đất trong quy hoạch cũng nằm trong đối tượng vay để xây nhà”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Dũng, những thay đổi trên chắc chắn sẽ tháo gỡ được nhiều nút thắt trong việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Bởi, trong thực tế từ trước đến nay, do vướng các quy định về diện tích và giá bán tối đa; nhiều dự án nhà ở thương mại không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn rẻ buộc phải xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội (với hy vọng tăng thanh khoản, giải quyết tồn kho). Tuy nhiên, việc giải quyết chuyển đổi này không phải dễ dàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng xác nhận nhà ở tại địa phương chưa thống nhất khiến hồ sơ vay mua nhà của khách hàng gặp nhiều khó khăn.

 “Dù nới điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng, nhưng mỗi ngân hàng lại có quy chuẩn thủ tục hồ sơ riêng. Ngân hàng và chính quyền địa phương nên thống nhất cách xác định nhà ở để hồ sơ vay ngân hàng của người dân được dễ dàng thực hiện hơn”, ông Châu nói.

Thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31/5, NHNN đã cam kết cho 800 khách hàng vay với tổng số tiền ký kết hơn 989 tỷ đồng. Trong đó, có 799 khách hàng cá nhân vay hơn 449 tỷ đồng và đã giải ngân cho 509 khách hàng với số tiền hơn 203 tỷ đồng. Con số này tăng 64% so với năm 2013, tuy nhiên so với nhu cầu vay tiền mua nhà của người dân và sự kỳ vọng vào gói tín dụng hỗ trợ này, vẫn còn khá khiêm tốn.

MỚI - NÓNG