Nhiều tỉ phú có nghĩa là thế giới giàu lên?

Nhiều tỉ phú có nghĩa là thế giới giàu lên?
Trong danh sách Forbes, có không ít tỉ phú thật ra là người thừa kế sản nghiệp. Hơn nữa, số tỉ phú tăng nhanh cũng phản ánh ngày càng có nhiều thành phần làm ăn bất chính!

Như thông lệ hàng năm, chuyên san kinh tế Forbes vừa công bố danh sách những người giàu nhất thế giới. Số tỉ phú thế giới đã tăng đến 793 người trong danh sách Forbes 2006.

Một số nền kinh tế đang phát triển nhanh như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil đã giúp tăng số thành viên câu lạc bộ tỉ phú thế giới.

Và đây là năm thứ 12 Bill Gates tiếp tục đứng đầu danh sách Forbes với tài sản trị giá 50 tỉ USD (tăng từ 46,5 tỉ USD năm ngoái). Có 78 nữ tỉ phú trong danh sách Forbes 2006 và tỉ phú trẻ nhất thế giới cũng là phụ nữ (Hind Hariri, 22 tuổi, con gái cố Thủ tướng Leban Rafik Hariri).

Tổng giá trị tài sản của các tỉ phú thế giới khoảng 2,6 ngàn tỉ USD, tăng 18% kể từ tháng 3/2005 với trung bình 3,3 tỉ USD/người. Thị trường chứng khoán ổn định và hoạt động tốt (trừ Mỹ) đã đẩy nhanh khả năng tích cóp của người giàu. Tại Ấn Độ, nơi thị trường chứng khoán BSE SENSEX tăng 54% trong 12 tháng qua, có 10 tỉ phú mới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trừ Mỹ.

Nước Nga, nơi thị trường chứng khoán RTS tăng 108%, đã chứng kiến sự phình to gia tài của 33 tỉ phú, trong đó có 7 gương mặt mới. Trung Quốc hiện có 8 tỉ phú. Và tại Mỹ, có 44 tỉ phú mới.

Riêng với số tỉ phú mới tại Mỹ, có thể đặt câu hỏi rằng liệu có đúng người Mỹ làm giàu giỏi nhất thế giới hay không? Trong bài viết trên Slate Magazine, tác giả Michael Kinsley đã tìm lời giải.

Theo Michael Kinsley, có vài nguyên nhân khiến câu lạc bộ tỉ phú Mỹ tăng nhanh thành viên.

Thứ nhất, sự qua đời của những ông chủ sáng lập đã khiến gia sản khổng lồ bị tách ra thành nhiều gia sản nhỏ hơn.

Thứ hai, dù tỉ lệ lạm phát tại Mỹ tương đối thấp trong hai thập niên qua, nhưng 1 tỉ USD hiện thời chỉ tương đương 600 triệu USD năm 1986 (thời điểm lần đầu tiên Forbes tung ra danh sách tỉ phú thế giới).

Thứ ba, tổng tăng trưởng kinh tế thật đã đẩy vài cá nhân lên ngưỡng tỉ phú một cách không khó khăn mấy.

Và cuối cùng, sự tăng tỉ lệ tỉ phú là một phần của khuynh hướng mất cân đối trong thu nhập.

Trong quá khứ, tăng trưởng kinh tế thường làm teo thành phần giàu có và đối tượng nghèo nhưng làm tăng nhóm giữa. Hiện thời, tình hình ngược lại. Ngoài ra, tỉ phú thế giới đông hơn không có nghĩa thế giới giàu có và thịnh vượng hơn.

Cần nhấn mạnh, trong danh sách Forbes, có không ít tỉ phú thật ra là người thừa kế sản nghiệp. Hơn nữa, số tỉ phú tăng nhanh cũng phản ánh ngày càng có nhiều thành phần làm ăn bất chính! (ngay trong số chuyên đề về tỉ phú thế giới năm nay, Forbes đã thực hiện phóng sự giới thiệu trang bìa về nhân vật Calvin Ayre, 44 tuổi, người Canada, làm giàu bằng nghề kinh doanh sòng bài và tổ chức cá cược trực tuyến tại Costa Rica – đối tượng đầu bảng trong danh sách đen của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ).

Nói cách khác, nhiều mô hình làm giàu ngày nay không hề phù hợp tiêu chuẩn phát triển kinh tế của lý thuyết gia Adam Smith, trong đó cá nhân tư bản lý ra phải phụng sự xã hội và chỉ như vậy mới có thể đánh giá được phát triển kinh tế xã hội có tỉ lệ thuận với tỉ lệ người giàu hay không?

Còn nữa, ngày nay, thế giới đang dư thừa sức lao động. Vì vậy sức lao động có giá rẻ mạt. Có thể nói là rẻ nhất trong vòng 40 năm qua. Theo thống kê sơ bộ, cả thế giới có khoảng 27 triệu người trong độ tuổi lao động, con số cao nhất từ trước đến nay. 

Khi dân số toàn cầu bùng nổ, có một tỉ người đang phải lao động với giá 1 USD/ngày. Qua đó có thể thấy thêm bức tranh tương phản tỉ phú và thành phần “khố rách áo ôm” ở phạm vi mậu dịch toàn cầu.

Quả đúng là thế giới có nhiều tỉ phú hơn nhưng đừng vội liên tưởng đến hình ảnh một thế giới giàu có và sung túc hơn. Ít ai biết rằng công nhân công nghiệp hoa ở Colombia chỉ kiếm được không đến 2 USD cho ngày công lao động khoảng 12-14 tiếng, bằng giá một bông cẩm chướng do họ trồng được bán tại New York!

Theo Anh Vũ
ANTG

MỚI - NÓNG