Nhọc nhằn 'nghề lên phố'

Nhọc nhằn 'nghề lên phố'
Đã ở xóm này được gần 3 năm nhưng thật kỳ lạ, những người thu mua phế liệu đến đây hầu hết là đàn ông. Họ làm thay đổi cả cụm từ “cô hàng đồng nát” vốn đã quá quen thuộc với tôi...

Anh Dương (39 tuổi, quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ) đã có thâm niên 6 năm làm nghề mua bán ve chai. Địa bàn hoạt động của anh là các khu phố cổ.

Sáng nào anh cũng rời nhà trọ từ 7h sáng, một mình một xe đạp rong ruổi khắp các phố, sục vào từng ngõ ngách để thu mua giấy báo cũ, đồng nát, sắt vụn, quạt cháy, máy bơm hỏng...

Chỉ vài chiếc tải cũ treo toòng teng trên ghi-đông xe đạp, một chiếc cân nhỏ xíu, vậy là đã đủ phương tiện cho anh làm nghề.

Bữa cơm trưa của những “cư dân” ve chai như anh Dương cũng thật đạm bạc. Đến bữa, anh tranh thủ ăn suất cơm bụi bình dân 5000 đồng, mệt thì ngả vào gốc cây nào đó, lấy mũ che mặt ngủ rồi lại tiếp tục đi. Vốn ít nên anh phải quay vòng nhanh. Cứ sáng đi mua thì chiều về bán cho các mối nên lãi cũng chẳng được nhiều.

Nghề xoàng xĩnh

Buôn bán đồng nát vốn bị nhiều người cho là nghề xoàng xĩnh. Không ít người chép miệng, phụ nữ làm nghề này đã đành, còn đàn ông con trai, sức dài vai rộng, thiếu gì nghề khác để làm? Chính vì vậy, những người làm nghề như anh Dương thường phải chịu không ít ánh mắt, cái nhìn dò hỏi, thậm chí khó chịu của mọi người.

Tôi đem thắc mắc này hỏi một anh đồng nát có mái tóc xơ xác khi anh ghé qua xóm trọ - một người lam lũ, khắc khổ từ dáng đi đến khuôn mặt thì nhận được câu trả lời: "Tôi ở Thái Bình lên đây tìm việc, chẳng biết làm nghề gì. Thấy có mối thu mua phế liệu gần nhà liền quyết định đạp cùng xe đạp rong ruổi khắp các con phố để thu mua sắt vụn, đồ điện hỏng bán kiếm thu nhập”.

Anh tên Thuỷ, người huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đã có thâm niên 10 năm trong nghề. Lấy vợ từ năm 22 tuổi, hai vợ chồng anh chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn chật vật quá. Anh đành để vợ con ở quê, mang vốn liếng duy nhất là chiếc xe đạp tòng tọc lên Hà Nội làm nghề thu mua phế liệu.

Ngày ngày anh đạp xe hàng chục cây số, rao khản cổ mới mua được tải hàng, sau đó bán buôn cho những đại lí ở Ô Chợ Dừa (Đống Đa), phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng)…. Hôm nào nắng ráo mua được nhiều, anh bán lãi khoảng 30.000 đồng - 35.000đồng, còn những hôm mưa bão coi như lấy công làm lãi.

Khó khăn và nguy hiểm

Những người dân tha hương làm cái nghề như anh Thuỷ cũng thật khổ. Anh cùng mấy đồng hương Thái Bình hiện đang ở dãy phố “đồng nát” Trần Quý Cáp, gần ga Hà Nội, tiền ngủ mỗi tối là 1.000 đồng. Hàng tháng, mỗi người mang 15 kg gạo ở quê lên, đến bữa đóng 1.500 đồng để góp gạo thổi cơm chung.

Bữa cơm lao động đạm bạc, chỉ tương cà, rau muống với mấy con cá khô mặn chát, hoạ hoằn lắm mới có bữa thịt ba chỉ kho cải thiện. Sáng tinh mơ, ai nấy đã vội vàng toả đi các phố.

Tối đến, họ lê những đôi chân đã mỏi nhừ về nhà trọ, ăn qua loa rồi lăn ra ngủ như chết lấy sức để ngày mai tiếp tục cuộc mưu sinh. Kham khổ vậy, nhưng thu nhập của họ cũng còn hơn làm ruộng ở quê, nếu tiết kiệm tháng cũng để ra 500.000 đồng - 700.000 đồng cho vợ con.

Làm nghề đồng nát cũng gặp nhiều hiểm nguy rình rập. Anh Thủy kể, cùng làm nghề này với anh có anh bạn tên Phi, quê ở Nam Định. Hồi đầu năm ngoái, anh Phi tìm mua được đồ phế liệu của một công trình xây dựng. Anh vui mừng vì có một ngày làm việc thành công.

Nhưng, chắng may, do sơ suất, một chiếc cửa sắt rơi xuống trong khi anh đang xếp đồ vào tải hàng, khiến anh bị chấn thương sọ não. Phúc nhà lớn nên còn giữ được tính mạng, nhưng hậu quả của nó sẽ đeo đẳng anh suốt quãng đời còn lại.

Ngõ nhỏ phố nhỏ, những tiếng rao và những bàn chân lấm đất của cư dân buôn bán ve chai là hình ảnh quen thuộc của mỗi người dân đô thị. Không cần để ý, hàng ngày ta vẫn bắt gặp họ trên những nẻo đường Hà Nội.

Có thể trong mắt một số người, người làm nghề đồng nát chỉ thuộc tầng lớp thấp nhưng người dân Hà Nội đã quá quen với hình ảnh này. Tất cả đã làm đa dạng hơn những “nghề lên phố”.

Theo Anh Minh
VTV.vn

MỚI - NÓNG