Nhu cầu hàng Việt ở nông thôn rất lớn

Nhu cầu hàng Việt ở nông thôn rất lớn
TP - “Sau 20 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn bán, nhu cầu dùng hàng Việt của bà con mình là rất lớn”, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, khi trả lời phỏng vấn Tiền Phong.
Nhu cầu hàng Việt ở nông thôn rất lớn ảnh 1
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương. Ảnh: Thục Quyên


Ông Xuân cho biết: 20 chuyến hàng mà doanh nghiệp đưa về các địa phương thời gian qua đã được bán hết. Có doanh nghiệp bán không còn gì để mang về. Điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các vùng xa, khó tiếp cận với thị trường còn rất lớn.

Khảo sát tại các hội chợ cho thấy, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua hàng miễn là do doanh nghiệp có uy tín sản xuất. Tuy nhiên, muốn người Việt ưu tiên hàng Việt thì hàng Việt phải xứng đáng.

Tổ chức lại kênh phân phối

Từ những chuyến đi bán hàng ấy, theo ông các doanh nghiệp nên lưu ý điều gì?

Túi tiền của người tiêu dùng hiện chưa nhiều đến mức đi mua hàng mà không quan tâm đến giá. Chất lượng cũng là điều cần quan tâm sau yếu tố giá. Chất lượng hàng hóa công bố thế nào thì doanh nghiệp phải làm đúng, không nói một đằng làm một nẻo, phải tạo được sự tin cậy trong người tiêu dùng.

Bán hàng về nông thôn cũng cần chuyên nghiệp. Không chỉ đơn thuần chất đồ lên xe tải chở về nông thôn rồi quây vào mà bán, luộm thuộm, nhếch nhác. Bán hàng phải bám được hơi thở cuộc sống. Qua đó người tiêu dùng cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm và tình cảm đối với hàng Việt.

Về phía nhà phân phối, hàng Việt đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì phải đưa hàng tới tận hay họ. Những nơi nào không có cửa hàng thì phải tổ chức phiên chợ đưa hàng về bán. Hàng tốt mà chỉ nằm một chỗ thì khó được nhiều người biết đến. Chính nghệ thuật bán hàng kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Thưa ông, có ý kiến lo ngại việc các doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mại, đưa hàng về nông thôn thường tận dụng cơ hội có một không hai này để xả hàng tồn kho, chất lượng thấp?

Trong các chuyến hàng tổ chức thời gian qua, chưa có nơi nào phản ánh có doanh nghiệp gian lận, bán hàng rởm, không đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp phải nghĩ tới mục tiêu lâu dài hơn, thông qua chương trình này để phát triển sản xuất, khôi phục và lấy lại tăng trưởng, bất kể thị trường nước ngoài như thế nào.

Đây cũng là cơ hội để nhà sản xuất nhìn lại chiến lược kinh doanh, chiến lược sản xuất của mình. Đối với nhà phân phối, các hội chợ, buổi bán hàng là dịp để tổ chức lại kênh phân phối.

Tẩy chay hàng tăng giá tuỳ tiện

Theo ông, năm 2010, chương trình người Việt dùng hàng Việt cần có những thay đổi gì để mang lại hiệu quả thực tế hơn?

Năm nay ưu tiên mặt hàng này thì sang năm phải ưu tiên mặt hàng khác. Việc điều chỉnh sẽ được tiến hành trong các năm tiếp theo. Phát triển thị trường trong nước là phát triển cả nhà sản xuất và nhà phân phối.

Sơ bộ tôi thấy, năm 2010, chương trình nên thiết kế khác đi. Phải mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia hơn. Với cơ chế hiện nay, số người, đơn vị được tham gia chưa nhiều. Đây là điều khiến chúng tôi suy nghĩ, đắn đo nhất.

Là một chương trình thiết thực nên đòi hỏi số lượng đơn vị tham gia phải  nhiều, hàng hóa phải phong phú. Nếu quay đi quay lại chỉ có vài đơn vị thì chỉ thế thôi. Với các tỉnh trung du, miền núi như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn cũng rất muốn làm nhưng vướng quy định của Bộ Tài chính như ký quỹ, đấu thầu nên không thực hiện được.

Gần đây giá các mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất  có xu hướng tăng trở lại. Việc này, theo ông, ảnh hưởng thế nào đến việc người Việt tiếp cận hàng Việt?

Từ nay đến Tết Canh Dần, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ giá và chất lượng của các mặt hàng trên thị trường. Chúng tôi chỉ chấp nhận các trường hợp tăng giá mà chi phí tăng do khách quan. Những trường hợp tăng giá phi lý sẽ bị từ chối.

Bộ cũng chỉ đạo các nhà phân phối lớn ngồi lại với các nhà sản xuất, từ chối các đơn hàng bất hợp lý về giá. Đây là lúc phân phối lại lợi nhuận, hài hòa chuỗi giá trị từ nhà cung cấp cho đến người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần tẩy chay việc doanh nghiệp tùy tiện nâng giá, bắt chẹt người tiêu dùng. Như thế mới nâng được sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Còn người tiêu dùng dễ tính, nhu nhược quá thì chính là có hại cho các nhà sản xuất và phân phối.

Về phía doanh nghiệp, phải hiểu, muốn tồn tại trên chính mảnh đất của mình thì nên bỏ tư duy bóc ngắn cắn dài, đi lên bằng chính nội lực  và phải có ý thức thương yêu, trân trọng khách hàng để họ hướng tới mình. Hậu quả trực tiếp từ hàng giả, hàng kém chất lượng trước mắt chính người tiêu dùng phải chịu. Nhưng hậu quả lâu dài thì chính doanh nghiệp sẽ là người phải gánh.

Cảm ơn ông.

Phạm Tuyên thực hiện

MỚI - NÓNG