Bàn giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu:

'Nhục' vì doanh nghiệp luôn bị kêu chây ì

Giá cước vận tải bị dư luận nói mãi, Thủ tướng có ý kiến nhưng DN vẫn chây ì. Ảnh: Bảo An.
Giá cước vận tải bị dư luận nói mãi, Thủ tướng có ý kiến nhưng DN vẫn chây ì. Ảnh: Bảo An.
TP - Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, dư luận liên tục phản ánh vận tải chây ì giảm giá là nỗi nhục. Lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận công tác quản lý giá chưa có hiệu quả. Ngay cả Thủ tướng cũng từng có chỉ đạo về việc này. Có ý kiến cho rằng, nếu ông Đinh La Thăng được toàn quyền xử lý tình huống này thì tình hình sẽ khác.

“Nghe họ nói chây ì, xem thường khách thấy nhục lắm”

Ngày 22/2, Bộ GTVT họp với các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp (DN) vận tải lớn bàn phương án giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (Vata) nói “đau lòng, không khác gì tội phạm” vì báo chí, dư luận liên tục phản ánh các DN vận tải chây ì, xem thường khách hàng, không chịu giảm giá theo giá xăng dầu. Ông Thanh thanh minh, ngoài các DN chây ì, ngành vận tải đường bộ có các DN lớn như Vinasun, Mai Linh, Tổng Cty Vận tải Hà Nội... đã giảm giá mỗi khi nhiên liệu hạ nhiệt.

Sau ông Thanh, nhiều đại diện DN liên tiếp “kể khổ” trong điều chỉnh giá. Ông Tạ Long Hỉ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM cho biết, ngay trong ngày 22/2, các hãng taxi tại TPHCM sẽ đồng loạt trình phương án giảm giá 300-500 đồng/km. Tuy nhiên, ông này cũng đề nghị dư luận “thông cảm” rằng, ngành vận tải đang gánh nhiều chi phí như lương, bảo hiểm tăng; chi phí cầu đường đội lên nên khó giảm giá sâu. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Tất Bình còn viện lý do nếu “ép” cước vận tải giảm sâu, lái xe sẽ đình công, biểu tình vì nhiều chi phí phát sinh, trong đó có cả nguyên nhân từ việc điều chỉnh giá (theo ông Bình, mỗi xe điều chỉnh giá tốn kém 500 nghìn đồng/xe/lần).

“Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư 152 (Thông tư quản lý giá cước vận tải bằng ô tô do liên Bộ GTVT và Tài chính ban hành năm 2014 - PV) theo hướng: Giá xăng dầu biến động ở một giới hạn nào đó; cước vận tải bắt buộc phải điều chỉnh. Trong tháng 3, thông tư mới cần được ban hành. Chúng ta cần làm thế nào để việc DN dễ điều chỉnh giá nhất; người dân thấy được tôn trọng” . 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Ông Vũ Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Hãng xe khách Hoàng Long (có 7 năm tu nghiệp ở nước ngoài) cho rằng: Quản lý vận tải của Việt Nam “ngược đời” so với thế giới. Theo đó, có những chi phí rất lớn, không thể hạch toán được. Đơn cử, DN lãi 10 đồng nhưng chi phí không lý giải mất 4,3 đồng. Lãnh đạo Taxi Én vàng (Hải Phòng) cũng bức xúc phản ánh: Chi phí vận tải ở Việt Nam hiện rất lớn với các khoản mục như đầu tư xe đắt hơn các nước, khấu hao, bảo dưỡng, chạy rỗng để đón khách... nên “chưa giảm đã lỗ”.

Nghe đến đây, tuy là đại diện cho khối DN vận tải nhưng ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Vata sốt ruột, chặn ngang: “Lỗ thì đừng làm. Các anh cho xe chạy 50% quỹ thời gian thì cần xem lại cách quản lý. Dư luận nhiều lần hỏi tôi các DN có nhìn nhau, móc nối để giữ giá không. Tôi trả lời là không, nhưng nghe họ nói chây ì, xem thường khách thấy nhục lắm” – ông Thanh nói.

Thuế lỏng lẻo, có dấu hiệu móc nối

Trước những lời kêu khó của DN, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, phụ trách Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và Bộ Tài chính sớm điều chỉnh các thủ tục, tạo thuận lợi cho DN, tiết kiệm nhất khi tiến hành giảm giá. Tuy nhiên, ông Trường cho rằng, các DN không nên viện nhiều lý do để thoái thác việc giảm giá. “Vận tải đi vào trạm BOT tiết kiệm được chi phí, thời gian nên cơ bản không ảnh hưởng giá cước. Chúng ta đang bàn việc giảm giá xăng dầu tác động thế nào đến giá cước. Nhiên liệu là đầu vào chi phí vận tải; nhiên liệu giảm, giá cước phải giảm theo”– ông Trường nói.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính) có mặt tại cuộc họp cho rằng, quản lý giá cước vận tải theo thông tư liên bộ của Bộ GTVT đã “đi vào nề nếp”, “vừa hiệu quả, vừa tôn trọng thị trường” và chỉ “nóng” ở TP HCM và Hà Nội. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nói: Quản lý giá cước vận tải đang “rất có vấn đề nên chúng ta mới phải ngồi đây để bàn. Nếu Bộ trưởng Đinh La Thăng điều hành, chắc chắn tình hình sẽ khác”. Sau phát biểu của ông Liên, bà Nga phản ứng: “Nếu quy trách nhiệm  chỉ của Cục Quản lý Giá là chưa đủ”.

Cũng liên quan đến lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Vata nói: Luật Giá hiện nay không đưa cước vận tải vào diện quản lý giá mà để thị trường điều tiết. Vì thế, công cụ quản lý hiệu quả nhất là xem DN có kê khai đầy đủ để đóng thuế hay không. “Nếu thu thuế đủ, DN không dám giữ giá cao. Nếu DN vẫn quyết giữ giá và hạch toán minh bạch, nhà nước thu được thêm thuế để có nguồn thu phục vụ cộng đồng”.

Trao đổi bên lề với PV Tiền Phong, Chủ tịch Vata cho rằng: Các cơ quan thuế chưa có công cụ quản lý tốt, chủ yếu chỉ thu thế vận tải theo dạng khoán theo tháng, không thu được theo chuyến. “Quản lý thuế vận tải hiện nay lỏng lẻo, không ngoại trừ việc móc nối giữa cán bộ thuế và DN” – ông Thanh nói.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cũng thừa nhận, quản lý nhà nước về giá cước vận tải hiện nay chưa tốt, chưa hiệu quả. Mỗi lần nhiên liệu giảm giá, Bộ GTVT và Bộ Tài chính chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, đốc thúc chưa giải quyết được cơ bản tình hình. Ông Thọ đồng tình quan điểm để giá cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của DN vận tải.

MỚI - NÓNG