Báo The Christian Science Monitor (Mỹ):

Những "anh hùng giàu có" của Việt Nam

Những "anh hùng giàu có" của Việt Nam
Cùng với sự bùng nổ của TTCK, các cơ quan truyền thông quốc tế đang nói về sự hình thành một tầng lớp giàu có mới của VN - theo nhận xét của Báo The Christian Science Monitor (Mỹ) số ra ngày 14/3.

Tháng trước, Lê Công Tuấn Kiệt, một giám đốc điều hành doanh nghiệp (DN) chiếu sáng của Pháp thấy tên mình trong danh sách những người nộp thuế cao nhất của TP.HCM năm 2006.

Khoản đóng góp thuế thu nhập hằng năm tương đương 15.000 USD đưa anh vào vị trí thứ 5 trong danh sách và được báo chí nêu tên cùng với những lời khen ngợi của cơ quan thuế.

Nhân vật ở vị trí nộp thuế cao nhất làm việc tại một DN dược phẩm Thụy Sĩ, đã nộp khoản thuế tương đương 181.000 USD tại một thành phố nơi công nhân làm việc tại nhà máy chỉ kiếm được khoảng 45 USD/tháng.

Hơi xấu hổ nhưng không bối rối, anh Tuấn Kiệt, đã từng được đào tạo tại Pháp, không cho thứ hạng của anh là điều gì ghê gớm. Anh chỉ ra rằng danh sách chỉ gồm những người làm công cho DN nước ngoài, không phải là những doanh nhân Việt Nam, với những khoản lương lớn.

Mặc dù vậy, anh coi đây là một đòn bẩy nghề nghiệp, bởi những nhà săn lùng nhân lực cho các công ty sẽ biết anh đòi hỏi mức lương cao. "Giàu có không còn là vấn đề ở VN hiện nay. Nhiều người mong muốn được như vậy", anh nói.

Ở nhiều quốc gia, việc công khai danh sách những người giàu nhất là một tập quán hằng năm của cộng đồng DN tạo ra được xúc cảm tự hào cũng như ghen tị của những người có tên trong danh sách cũng như bên ngoài xã hội.

Nhưng ở VN, đề cập về những cá nhân giàu có vẫn là một đề tài nhạy cảm.

Theo Tạp chí Time

Những nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ tiền vào nền kinh tế năng động VN, nền kinh tế có mức tăng trưởng 8,2% năm 2006 và 83 triệu dân đang mong đợi một tương lai tươi sáng...

Những quan niệm xã hội về sự phô trương giàu có và thành công đang thay đổi, đặc biệt là trong số những thanh niên trẻ hơn 24 tuổi chiếm đến hơn nửa dân số VN.

Những nhà bán lẻ hàng hóa của thương hiệu cao cấp đang ganh đua nhau để giành khách hàng - những người mãi cho đến gần đây vẫn thích giấu tiền đi hoặc lặng lẽ đầu tư vào bất động sản hơn là khoe khoang về tiền bạc. Khi VN gia nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới - VN đã gia nhập WTO - xu hướng này dường như mạnh thêm vì nhiều người VN tham gia vào tầng lớp những người giàu.

Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Công ty sản xuất vi mạch Intel (Intel đang xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỉ USD tại VN) cho biết: "VN là quốc gia đã chuyển từ việc đánh giá thấp doanh nhân và DN tư nhân sang tôn vinh họ. Việc tôn vinh những doanh nhân thành đạt đã trở thành văn hóa ở đây".

Không ở đâu lại có tốc độ thay đổi rõ ràng như ở TP.HCM, đầu tàu thương mại của VN. Khi TTCK mở cửa cách đây 7 năm chỉ có một vài chứng khoán được giao dịch. Giá trị giao dịch thật nhỏ bé và những nhà đầu tư phàn nàn về tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước chậm chạp của chính phủ.

Năm ngoái, 76 công ty mới đã được niêm yết trên TTCK, giá trị giao dịch mỗi ngày tăng lên đến 50 triệu USD, chỉ số chứng khoán tăng đến 144%. Tốc độ này vẫn tiếp tục trong năm nay, biến VN trở thành TTCK nóng nhất thế giới.

Những chao đảo ở nước láng giềng Trung Quốc gần đây và hệ lụy là đợt bán tháo chứng khoán trên thế giới đã không tạo một gợn sóng nào vì những nhà đầu tư bình thường cũng háo hức gia nhập vào làn sóng đầu tư chứng khoán.

VN cho biết sẽ duy trì vai trò chủ chốt của nhà nước trong những khu vực kinh tế chiến lược như dầu khí, vận tải biển, viễn thông...

Theo ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM thì hơn một thập kỷ qua, đóng góp của DN nhà nước cho tổng sản phẩm quốc dân đã giảm từ 45% xuống còn 35%, trong khi khu vực kinh tế tư nhân mở rộng.

Ông Thân Trọng Phúc nhận xét: "Tàu đã rời ga. Những nhà lãnh đạo đã cam kết cải cách và VN đã gia nhập WTO".

Theo Như Nguyễn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG