Những bất lợi khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường

Những bất lợi khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường
Cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chấp nhận “bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm” (không muộn hơn ngày 31/12/2018).
Những bất lợi khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường ảnh 1

VN đã từng phải chịu nhiều thiệt hại về xuất khẩu do các sản phẩm là cá da trơn, xe đạp và da giầy khi bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Ảnh : V.H

Vấn đề đặt ra ở đây là trong 12 năm đó, nước ta sẽ chịu những ảnh hưởng bất lợi gì và nỗ lực như thế nào để nhanh chóng ra khỏi nền kinh tế phi thị trường.

Trong Báo cáo về việc gia nhập WTO của Việt Nam, Ban Công tác đánh giá: Việt Nam đã liên tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Nhưng một số thành viên WTO còn cho rằng sẽ gặp khó khăn đặc thù trong việc xác định chi phí và giá cả hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam đối với các cuộc điều tra chống bán phá giá hay áp dụng các biện pháp đối kháng.

Trong trường hợp đó nước nhập khẩu có thể cho rằng việc sử dụng chi phí và giá cả tại Việt Nam là không hợp lý. Như vậy, Việt Nam phải chấp nhận các quy chế cho một nền kinh tế phi thị trường khi áp dụng Hiệp định Chống bán phá giá cùng Hiệp định về Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng của WTO.

Tuy nhiên, trong 12 năm này, nếu chúng ta chứng minh được với đối tác nào là kinh tế Việt Nam đã hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, thì đối tác đó sẽ ngừng áp dụng chế độ “phi thị trường” đối với nước ta.

Nguyên tắc của WTO là mọi đối tác khi tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế phải là những thực thể kinh tế độc lập và các quyết định đưa ra cũng phải độc lập với ý muốn của nhà nước và chỉ dựa trên những lợi ích về kinh tế (có thể hiểu đó là nền kinh tế thị trường).

Còn nếu bị coi là nền kinh tế phi thị trường thì WTO sẽ có những quy chế giám sát đặc biệt và rất phức tạp cho các thành viên đó. Ví dụ như Trung Quốc đã gia nhập WTO từ năm 2001 cũng “bị coi là nền kinh tế phi thị trường” trong 15 năm.

Như vậy, theo quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO, quốc gia nhập khẩu có thể sử dụng giá tại Trung Quốc hoặc chi phí sản xuất được điều tra có thể áp dụng phương pháp tính mà không dựa trên sự so sánh với mức giá hay chi phí tại Trung Quốc.

Nếu các nhà sản xuất đang bị điều tra chứng minh được rằng cơ chế thị trường đang được áp dụng trong ngành mình thì giá cả và chi phí tại Trung Quốc sẽ được áp dụng.

Nhưng, ngược lại cơ quan điều tra sẽ sử dụng cách tính không dựa trên các mức giá và chi phí trong nước, thì sẽ bất lợi cho Trung Quốc và làm hạn chế tốc độ xuất khẩu của nước này.

Tương tự như vậy, những quy tắc của Hiệp định về Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng cũng sẽ được áp dụng, khi xác định mức trợ cấp cho một doanh nghiệp cụ thể không được coi là những điều kiện phù hợp. Những điều khoản này sẽ hết hiệu lực sau 15 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO và đối với Việt Nam là sau 12 năm.

Thủ tục giải quyết những trường hợp xác định việc bán phá giá và các biện pháp đối kháng là rất phức tạp mà các quốc gia nhập khẩu có thể so sánh giá xuất khẩu của nước xuất khẩu có nền kinh tế phi thị trường với giá của một nước thứ 3 hoặc tự xác định mức giá khi đưa ra quyết định về mức độ của việc bán phá giá.

Trong trường hợp này nước xuất khẩu sẽ phải chịu thiệt thòi vì nhiều lợi thế so sánh của mình sẽ không được xem xét khi điều tra và sẽ bị áp dụng các mức thuế chống bán phá giá mà lẽ ra có thể tránh được nếu được coi là một nước có nền kinh tế thị trường.

Để được công nhận là một nền kinh tế thị trường thì Nhà nước ta còn rất nhiều công việc phải làm, nhất là việc cải cách môi trường, thể chế tương thích với các tiêu chí của nền kinh tế thị trường như: Nâng cao chất lượng của các đạo luật; vai trò của các doanh nghiệp nhà nước và quan hệ với Chính phủ; sự chuyển đổi của đồng tiền…

Thực tế cho thấy, nước ta đã từng phải chịu nhiều thiệt hại về xuất khẩu do các sản phẩm là cá da trơn, xe đạp và da giầy khi bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, làm cho kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm này giảm đáng kể.

Thời hạn 12 năm đối với nước ta sẽ được rút ngắn hơn và các điều khoản đặc biệt nêu trên sẽ chấm dứt khi Việt Nam xây dựng được nền kinh tế thị trường theo những tiêu chí của nước nhập khẩu.

MỚI - NÓNG