Những bất ổn ở vùng “rốn” trầm

Những bất ổn ở vùng “rốn” trầm
TP - Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh được biết đến là cái nôi của cây trầm, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, còn nhiều điều bất ổn, ngay tại "rốn" trầm này: Chất lượng giống cây không ai kiểm soát, đầu ra cho sản phẩm chưa định hình…
Những bất ổn ở vùng “rốn” trầm ảnh 1

Kiểm tra vết tạo trầm hương trên thân cây dó bầu. Ảnh: Phan Nam

Ông Đặng Hữu Liên -  GĐ Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu - người có kinh nghiệm nhiều năm về trầm cho biết: Hương Khê được mệnh danh là “rốn” trầm của VN. Thời kỳ đỉnh điểm (1984-1990), có lúc cả huyện khai thác được 80 tấn trầm các loại.

Ngày đó, trầm được đưa vào TP Hồ Chí Minh, rồi xuất khẩu sang Đài Loan. Đến thập niên 90, hầu như cây dó bầu (sau đây viết tắt là cây dó) trong rừng tự nhiên bị hủy diệt.

Cây nhỏ bằng bắp tay cũng bị người dân khai thác bán cho dân thu mua nguyên liệu làm nhang. Trước nguồn lợi từ cây dó, người dân đã mang về trồng trong vườn và tại các trang trại.

Khi chúng tôi tới xã Phúc Trạch, hầu như gia đình nào cũng có vài chục đến hàng nghìn cây dó với nhiều độ tuổi khác nhau. Theo giá thị trường hiện tại, một cây dó (6-7 tuổi) có khả năng cho trầm giá từ 7-10 triệu đồng. Cây càng nhiều tuổi càng được giá.

Do giá trị kinh tế cao nên nhiều gia đình ở Hương Khê coi cây dó là “của để dành”. Anh Lê Văn Ba (xã Phúc Trạch) cho biết: “Gia đình anh hiện có 50 cây dó trên 10 tuổi. Nhiều người đến hỏi mua, nhưng anh đợi khi nào con vào đại học mới bán”.

Ở Phúc Trạch, dân kinh doanh trầm thường nhắc đến Trần Văn Vinh. Trước đây, anh Vinh chuyên thu mua trầm tự nhiên nhưng đã khá nhanh nhạy khi chuyển sang kinh doanh cây dó.

Không chỉ là một trong những người đầu tiên đưa cây dó về trồng trong vườn, anh Vinh còn đi thu mua cây dó của dân rồi gửi lại, tiến hành cấy thuốc, đợi khi có trầm mới thu hoạch.

Kinh nghiệm nhiều nhưng vẫn không tránh khỏi rủi ro. Trong đợt cấy trầm mới đây, 5 cây dó trên 7 tuổi của anh Vinh đã chết ngay sau khi cấy thuốc không lâu, khiến anh bị lỗ 20 triệu đồng.

Lối ra nào cho cây dó?

Dân gian có câu, “đầu xuôi đuôi mới lọt” - điều này rất đúng với cây dó. Nếu như đầu vào - cây giống không có khả năng cho trầm thì có trồng đến cả trăm năm cũng chỉ để… làm củi.

Những tác dụng của trầm

Trong y học, dược liệu: trầm có thể chữa bệnh thần kinh; trầm cảm; sa sút trí tuệ; an thần; tăng sức khỏe; làm thuốc giải nhiệt, đau bụng; chữa một số bệnh về tim mạch, hen suyễn.

Trong công nghiệp hương liệu, mỹ phẩm: dùng làm chất định hương, giữ nước hoa thơm lâu. Bên cạnh đó, gỗ dó còn được dùng làm đồ mỹ nghệ, trang sức, sử dụng trong một số nghi lễ tôn giáo. Thị trường tiêu thụ lớn nhất hiện nay là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Pháp, các nước Trung Đông.

Không chỉ ở Hương Khê mà nhiều vùng có cây dó hiện nay nguồn thu của chủ vườn không phải là trầm mà chủ yếu từ việc kinh doanh cây giống. Giá 1 cây giống (có chiều cao 40 cm) được bán khoảng 1.000 đồng.

Vì thế, chủ vườn có cây dó “cao tuổi” cũng chẳng vội vã bán cây mà để… thu hoạch quả. Đã có hàng triệu cây dó được nhân giống bán tại Hương Khê và nhiều địa phương khác trong cả nước, nhưng mấy ai biết được những cây giống đó thuộc loại nào, liệu có cho trầm hay không?

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đến xã Hương Thủy chụp ảnh cây dó mà theo lời đồn đại đã có trên trăm năm tuổi (đường kính rộng tới 1,5 m) nhưng lại không có khả năng cho trầm, một chủ trang trại khuyên: “Chụp ảnh bây giờ chắc là không được..”.

Chúng tôi thắc mắc thì nghe giải thích: “Cây dó đó đúng là không có khả năng cho trầm, vì nếu có trầm thì nó không thể tồn tại đến ngày nay trước cuộc săn lùng của các thương lái”.

Được biết, sở dĩ chủ nhân của cây dó này không muốn nhiều người đến là vì mỗi năm cây dó này cho khoảng 3 tạ quả, tính giá thị trường được trên 40 triệu đồng. Vì lợi ích trước mắt, người ta có thể che giấu, nhưng hậu quả đối với hàng vạn cây dó được nhân giống từ số quả đó sẽ ra sao?

Hiện, cây dó không chỉ phổ biến ở Khánh Hòa, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình mà đã lan tới các tỉnh phía Bắc (Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Ninh Bình...).

Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm này đã có gần 3.000 ha diện tích trồng dó. Sau 10 năm chăm bẵm, thật khó tưởng tượng người dân sẽ thế nào khi hàng nghìn cây dó - niềm hy vọng lớn bỗng bay theo... gió, nếu số cây dó đó không có trầm.

Do đó, việc xác định loài cây dó ở Hương Khê, Hương Sơn là việc quan trọng phải làm ngay. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định cây chưa có trầm thì cây con của nó cũng sẽ không có trầm. Bởi vậy, theo ông Liên, để chắc ăn, người dân chỉ nên thu mua quả của những cây nào đã có trầm để ươm giống.

Chúng ta từng có bài học từ kiểu làm kinh tế theo phong trào đối với cây xoài, cây quýt, nay rất dễ sẽ lại xảy ra với cây dó. Một loạt vấn đề đặt ra với cây dó: Kiểm soát nguồn giống; phương pháp tạo trầm (hiện vẫn chưa có giải pháp tối ưu); công nghệ chế biến sau thu hoạch…

Nhiều người gọi cây dó là cây cho vàng, nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay và cả tương lai gần, “đãi vàng” từ dó không dễ như người ta vẫn tưởng.

MỚI - NÓNG