Những bí mật mở cửa biển, khơi thông luồng đón tàu lớn

Tương lai cảng quốc tế Hải Phòng sẽ đón những chuyến tàu trọng tải tới 100.000 tấn
Tương lai cảng quốc tế Hải Phòng sẽ đón những chuyến tàu trọng tải tới 100.000 tấn
TP - Có 2 công trình cảng và luồng biển sẽ ghi dấu ấn quan trọng với ngành hàng hải, khi hoàn thành nó sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước: Cảng Lạch Huyện (cửa ngõ quốc tế Hải Phòng) và Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

Nhiều người ví chủ đầu tư như người tham gia mở cửa biển kết nối những chân trời.

Dự án lớn chưa từng có

Dự báo năm 2020, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển tại miền Bắc sẽ lên từ 150 - 170 triệu tấn/năm. Con số này vượt quá tổng năng lực bốc dỡ hàng hóa qua khu vực phí Bắc của nhóm cảng số I, với 2 cảng lớn nhất là Hải Phòng và Quảng Ninh (chỉ khoảng 75 triệu tấn/năm; năm 2013 nhóm cảng đã quá tải khi tổng lượng hàng vượt công suốt thiết kế).

Việc đầu tư cảng biển mới chưa bao giờ cấp thiết hơn để hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới. Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) là đơn vị đứng ra cáng đáng những phần việc quan trọng nhất của Dự án cảng Lạch Huyện - cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Để có được quyết định phê duyệt dự án là cả một chặng đường gian nan gần 4 năm khảo sát, thiết kế với nhiều ý kiến phản biện. Trên cương vị là chủ đầu tư, Cục Hàng hải đã tiếp nhận ý kiến, nhiều hội thảo được tổ chức để lắng nghe đóng góp của các nhà nghiên cứu, chuyên gia. Từ đó lựa chọn những phương án đầu tư, xây dựng tối ưu nhất.

Sau nhiều nỗ lực, ngày 14/4/2013, tại huyện Cát Hải (TP Hải Phòng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bấm nút khởi công xây dựng cảng Lạnh Huyện. Với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng (vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách), dự án này sau khi hoàn thành được xem là cảng biển lớn nhất Việt Nam; nâng cao năng lực thông thương hàng hóa với thế giới. Theo kế hoạch, năm 2017 cảng sẽ đưa vào khai thác. Khi đó, Cảng Lạch Huyện sẽ giúp chuyển những chuyển hàng xuất-nhập khẩu khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường Âu-Mỹ.

Những bí mật mở cửa biển, khơi thông luồng đón tàu lớn ảnh 1

Công trường xây dựng cảng quốc tế Hải Phòng đang được thúc đẩy để kịp tiến độ, đảm bảo chất lượng

Muốn đạt được mục tiêu không phải chuyện dễ dàng. -Nguồn vốn đối ứng cho dự án rất lớn, trong khi ngân sách khó khăn. Điều kiện thi công lại ở đảo, trên biển nên việc cung cấp vật liệu, điều kiện ăn ở cho công nhân gặp nhiều trở ngại.

Do thời tiết, mỗi năm chỉ thi công được 8-9 tháng, như năm 2013 có tới 14 cơn bão phải dừng thi công, hư hỏng một số hạng mục, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải nói. Ngoài ra, thi công vẫn đảm bảo môi trường, an toàn hằng hải cho các tàu thuyền qua lại.

Nhưng khó khăn chưa bao giờ làm chùn bước người tiên phong. Chủ đầu tư đã tiến hành rà soát, cắt giảm những hạng mục không cần thiết để tiết kiệm chi phí; bám sát hiện trường chỉ đạo đơn vị thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng. “Đặc biệt là được Chính phủ ưu tiên ngân sách đối ứng”, ông Nhật nói.

Trong các gói thầu triển khai giai đoạn I của dự án, gói thầu số 6 (gồm toàn bộ hạng mục tường cừ chắn đất sau bến và một phần hạng mục tôn tạo, xử lý nền) tuy giá trị không lớn so với các gói thầu khác, nhưng là mắt xích tối quan trọng quyết định tiến độ của toàn bộ dự án.

Dù triển mới triển khai từ tháng 10/2013, nhưng nhờ nỗ lực, quyết tâm của chủ đầu tư cùng nhà thầu, tới hết năm đã hoàn thành được 17% khối lượng đặt ra. Dự kiến hết quý I/2014, toàn bộ các gói thầu còn lại của dự án sẽ đồng loạt triển khai.

Làm luồng biển thúc đẩy kinh tế vùng

Cục Hàng hải cũng đồng thời là chủ đầu tư dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (khởi công tháng 12/2009). Đây là cửa ngõ chính thông ra biển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế, xã hội cho cả vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, công trình còn phục vụ 3 cảng biển Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp với 20 bến cảng đã quy hoạch, và tuyến quá cảnh đi Campuchia.

Mỗi năm có nhiều nghìn lượt tàu hàng (khoảng 4-5 triệu tấn hàng) cùng hàng chục nghìn hành khách qua lại cửa Định An và các cảng biển nằm trong luồng sông Hậu. Mấy ai biết, tuy quan trọng như vậy, nhưng cửa sông này mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực, do bồi lắng khiến tàu lớn không thể vào. 80% số hàng hóa xuất nhập khẩu còn lại phải vận chuyển lên các cảng TP HCM và những cảng lân cận, theo đường bộ và đường thủy nội địa (đường xa, tốn kém) để vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước vấn đề này, Chính phủ đã cho phép Cục Hàng hải nghiên cứu, đầu tư dự án xây dựng luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, với hạng mục đào một tuyến kênh Tắt mới thông ra biển; xây dựng cửa biển mới tránh bồi lắng đáp ứng tàu có tải trọng đến 20 nghìn tấn.

Để được vậy, phải nạo vét, mở rộng 40km luồng tàu trên sông Hậu (trong đó đào mới 9km kênh Tắt thông ra biển), xây dựng 2,4km đê biển chắn sóng cùng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác… với tổng vốn đầu tư giao giai đoạn I là 6.626 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, đầu năm 2011 dự án phải tạm dừng thi công (mới giải ngân được 926 tỷ đồng). “Hiện, Quốc hội và Chính phủ đã cho phép dùng vốn trái phiếu để tái khởi động dự án. Tuy nhiên, sau thời gian tạm dừng, một số hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp.

Nguồn cung vật liệu để triển khai dự án (sắt thép, xi măng) cũng khó khăn do phải vận chuyển từ TP.HCM, Vũng Tàu”, ông Nguyễn Nhật nói. Hiện, Cục Hàng hải đang rà soát lại toàn bộ dự án (tổng mức đầu tư, từng hạng mục) để kịp tái khởi động vào tháng 3/2014. “Kế hoạch, năm 2016 dự án sẽ được đưa vào vận hành, khai thác”, ông Nhật tin tưởng.

Khi hoàn thành, luồng tàu biển này giúp vận chuyển cơ bản hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển (khoảng 21-22 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2010-2020); giảm chi phí vận tải tiếp chuyển, góp phần làm tăng tính cạnh tranh đối với hàng hoá xuất khẩu; đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, xã hội và tiến trình hội nhập kinh tế của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được chia thành 2 Hợp phần. Hợp phần A: Xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho cảng trong các giai đoạn (luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng, đê chắn cát, đường ngoài cảng, tôn tạo xử lý nền đất yếu...). Tổng mức đầu tư hợp phần này lên tới 18.627,7, bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản và đối ứng từ ngân sách. Hợp phần B sẽ đầu tư 2 bến, chiều dài 750m, trang thiết bị khai thác, xếp dỡ, cho tàu container trọng tải đến 100.000 DWT. Tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG