Những cạm bẫy chết người trên sàn vàng

Những cạm bẫy chết người trên sàn vàng
Họ là những nhà đầu tư chân chính, nhưng giờ lại lâm vào hoàn cảnh hết sức bi đát bởi chính thị trường sàn vàng mà họ đã tham gia.

>> Nhà đầu tư "đứt tay" vì vàng

Những cạm bẫy chết người trên sàn vàng ảnh 1
Sàn giao dịch vàng ACB vào thời điểm mới khai trương.

Như nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Đó là cuộc chơi không sòng phẳng, vì chủ nhà như là chủ sòng bạc, vừa chơi, vừa chia bài và khi cần thiết thì "nghỉ giải lao"...

Từ đối tác thành... con nợ

Có hàng chục trường hợp nhà đầu tư "chết" trên sàn vàng tương tự nhau, mà chúng tôi thu thập được trong quá trình điều tra.

Hãy xem các nhà đầu tư "chết" như thế nào (?).

Đầu năm 2008, chị N.T.K.T (ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) ký hợp đồng với Ngân hàng Á Châu (ACB) chi nhánh Văn Lang để kinh doanh trên sàn vàng của ACB.

Theo hợp đồng, để được cấp tín dụng, chị T phải ký quỹ tối thiểu bằng 7% tổng trị giá tiền vàng mà chị T đặt lệnh mua - bán qua sàn ACB.

Ngoài ra, nếu tỉ lệ ký quỹ xuống mức 5% thì chị T phải trả bớt nợ vay hoặc bổ sung tiền ký quỹ để bảo đảm rằng tiền ký quỹ ít nhất phải là 7% hoặc phải thanh toán khoản vay trước hạn. Nếu như tỉ lệ vay dưới 4%, phía ACB có quyền xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản của chị T để thu hồi nợ...

Để tham gia giao dịch, chị T đã ký quỹ 1,05 tỉ đồng. Ngày 25/2, chị T đặt lệnh mua 900 lượng vàng giá 19,14 triệu đồng/lượng, nhưng nhân viên của ACB thông báo rằng lệnh không khớp vì... máy bị treo.

Đến 7 giờ 30 phút sáng ngày 19/3/2008, nhân viên ACB thông báo cho chị T biết rằng tỉ lệ ký quỹ đã xuống dưới 4% và yêu cầu chị T nộp thêm tiền để duy trì tài khoản.

Tuy nhiên, do không còn khả năng nên chị T yêu cầu ACB xử lý tài sản theo quy định của hợp đồng. Thời điểm này vàng cầm ở giá 18,85 triệu đồng/lượng, vì vậy chị T đinh ninh rằng nếu bị xử lý ở tỉ lệ 4%, ít ra chị T cũng còn hàng trăm triệu đồng ký quỹ.

Tuy nhiên, mãi sáng hôm sau (20/3), ACB mới bán số vàng này và giá vàng chỉ còn 17,7 - 17,8 triệu đồng/lượng. Và với giá này, chị T không những mất hết tiền ký quỹ còn lại, mà còn bị thiếu nợ lại ACB trên 360 triệu đồng(!).

Đến bi kịch của tỉ phú

Một trường hợp cá biệt khác mà giới đầu tư vàng ai cũng biết đến là trường hợp của ông T.T.N (ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM).

Ông N là một người am hiểu về chứng khoán trong và ngoài nước và là người thu được nhiều thành công khi thị trường cổ phiếu sôi động. Khi hương vị chiến thắng tại sàn chứng khoán còn chưa phai, tháng 12/2007, ông N trở thành một trong những người tham gia sàn vàng ACB đầu tiên, nhưng rồi cũng lâm vào hoàn cảnh bi đát...

Sau khi ký kết hợp đồng và làm thủ tục ký quỹ theo quy định, 8 giờ sáng ngày 24/12/2007, ông N đặt lệnh bán 3.000 lượng vàng giá 15,69 triệu đồng/lượng tại sàn giao dịch vàng Sài Gòn của ACB.

Nhân viên ACB là bà Nguyễn Thị Ngọc Hồng đã nhận lệnh bán cho ông N, nên sau đó ông N gọi điện thoại hỏi bà Hồng xem lệnh đã khớp chưa thì được bà Hồng trả lời rằng "lệnh đã khớp được 150 lượng, giá 15,69 triệu đồng/lượng, còn lại 2.850 lượng chưa khớp".

Ông N liền đặt tiếp lệnh bán 2.850 lượng vàng chưa khớp nói trên, nhưng lúc này giá rớt xuống chỉ còn 15,66 triệu đồng/lượng.

Đến 9 giờ sáng cùng ngày, ông N gọi điện thoại hỏi bà Hồng lệnh này đã khớp chưa thì được bà Hồng trả lời rằng lệnh bán 2.850 lượng lần sau đã khớp với giá 15,66 triệu đồng/lượng.

Đến 17h, ông N bất ngờ nhận được điện thoại của bà Hồng thông báo là sáng nay bà đã... nhầm khi thông báo lệnh cho ông N. Thực ra, lúc đầu lệnh đặt của ông N đã "khớp 2.850 lượng với giá 15,69 triệu đồng và còn lại 150 lượng chưa khớp". Nhưng bà Hồng lại báo... ngược lại.

Đến 7h50 hôm sau (25/12/2007), ông N nhận được điện thoại của bà Hồng nói rằng bà sẽ đặt lệnh mua 2.700 lượng vàng trên sàn để khắc phục sự nhầm lẫn hôm qua.

Ông N nói với bà Hồng là ông N cũng đặt lệnh mua 3.000 lượng SJC với cùng 1 giá mà bà Hồng đặt lệnh mua bất kể giá nào.

Ý định của ông N là nếu ngân hàng mua được 2.700 lượng giá nào thì 3.000 lượng của ông N cũng sẽ được khớp theo giá đó. Và đầu giờ giao dịch ngày 25.12 tài khoản giao dịch vàng của ông N đã đặt mua 5.700 lượng SJC giá 15,63 triệu đồng/lượng.

Đến khoảng 8 giờ 15 sáng, bà Hồng gọi điện thoại cho ông N và đề nghị làm việc với bà Đặng Thu Hà (Giám đốc Phòng ngân quỹ) để tìm cách giải quyết "sự cố" bán âm 2.700 lượng vàng nói trên.

Khi gặp gỡ, bà Hà trấn an ông N rằng, cá nhân bà Hồng sẽ phải chịu trách nhiệm, vì vậy bà Hà đề nghị ông N giúp bằng cách giải quyết với tư cách cá nhân để bà Hồng và những người có liên quan không phải báo cáo việc này với cấp trên và giúp cho bà Hồng không bị kỷ luật...

Đến đầu giờ chiều ngày 25/12, khi ông N đến ACB để giải quyết tiếp vụ việc, bà Hà cho biết là lệnh mua trên sàn 2.700 lượng của ACB từ buổi sáng đến giờ vẫn không khớp được do giá đã lên cao hơn so với giá mà ngân hàng đã bán nhầm của ông N.

Do vậy, theo bà Hà, chỉ còn cách giải quyết là ACB bán ngoài sàn 2.700 lượng theo giá 15.660.000 đồng/lượng và rút tiền mặt từ tài khoản của ông N để thanh toán cho số vàng trên.

ACB đã làm thủ tục xuất hoá đơn bán vàng, nhưng đến khi bà Hà nộp vàng vào tài khoản và rút tiền để thanh toán thì phát hiện tài khoản của ông N không còn tiền.

Ông N hết sức hoang mang vì không hiểu ACB quản lý tài khoản như thế nào, vì trong ngày 24/12, tài khoản của ông N bán ra 5.700 lượng vàng, trong khi tiền không hề rút ra khỏi tài khoản, rồi tiếp đó, ngày 25/12, ông N lại nộp vào thêm 70 lượng nữa.

Vậy mà đến ngày 25/12, khi ông chỉ mới đặt mua lại 3.000 lượng vàng mà tài khoản ông N lại không còn tiền (?). Đến đây, theo ông N, ACB lại gây thiệt hại cho ông thêm một lần nữa.

Cho đến nay, ACB vẫn chưa giải quyết thấu đáo để bảo vệ quyền lợi cho ông N, mặc dù phía ACB thừa nhận rằng nhân viên ACB đã có lỗi khiến cho ông N bán nhầm 2.700 lượng vàng(?!).

Theo Trần Quang
Lao động

MỚI - NÓNG