Những câu hỏi sau 'cơn điên' BMC

Những câu hỏi sau 'cơn điên' BMC
TP - Sau một thời gian dài “làm mưa làm gió” đưa dư luận từ ngạc nhiên đến “phẫn nộ”, nhóm cổ phiếu tăng phi mã và bất thường gồm BMC, TCT, SGH, LBM và HAX đang trở về với vị trí thực của nó. Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra với sự kiện này...
Những câu hỏi sau 'cơn điên' BMC ảnh 1

Ngày 15/6/2007, tất cả 5 cổ phiếu trên đều giảm kịch sàn và khối lượng dư bán khá lớn, đảo ngược 180 độ so với tuần trước, trong đó BMC đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp.

Riêng cổ phiếu HAX (của Cty cổ phần Hàng Xanh) tăng không kém các “ông anh” vốn lọt ngoài “tầm ngắm” các cơ quan quản lý, sau khi vọt qua lên đến 106.000 đồng cũng theo chân 4 loại cổ phiếu trên giảm kịch sàn còn 101.000 đồng và cũng chỉ giao dịch thành được 2.717 cổ phiếu.

Trên khắp các sàn tại TP HCM, nhiều nhà đầu tư đặt lệnh bán tháo các cổ phiếu trên. Chị Vũ Thu Bình (sàn ACBS TPHCM) than thở:

“Tôi nghe mấy người bạn khẳng định TCT sẽ lên hơn 500.000 đồng/cổ phiếu, SGH ít nhất cũng 250.000 đồng/cổ phiếu còn LBM 100.000 đồng/cổ phiếu chỉ còn là thời gian nên đã đổ gần tỷ bạc vào 3 cổ phiếu này. Hôm qua và hôm nay đặt lệnh bán hết với giá sàn mà vẫn không bán được, xuống kiểu này hai phiên nữa là tôi lỗ cả trăm triệu”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới Cty chứng khoán ACBS cho biết: “Tình hình giao dịch 5 loại cổ phiếu này ngược hẳn với đầu tuần, các nhà đầu tư sở hữu các loại cổ phiếu ấy đặt lệnh từ rất sớm nhưng rất ít người bán được. Theo tôi những người mua vào cuối kỳ của lúc cao giá nhất sẽ lỗ nặng”.

Cơ quan quản lý - Sao không kịp thời lên tiếng?

Nhà phân tích chứng khoán Nguyễn Nam Hùng bức xúc: “Trách những nhà đầu tư một thì phải trách TTGDCK TPHCM (HoSTC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mười. Báo chí, nhà đầu tư đã lên tiếng về những hiện tượng điên rồ này từ hai tháng nay, vậy mà đến bây giờ họ mới vào cuộc”.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cũng cho rằng “lẽ ra UBCKNN phải có những động thái cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư, ổn định thị trường từ lâu chứ để 5,6 loại cổ phiếu có dấu hiệu làm giá rồi mới lên tiếng khi chuyện đã rồi”.

Từ trước đến nay, mỗi khi cổ phiếu nào tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp,  HoSTC chỉ đề nghị Cty đó giải trình và nội dụng cũng chỉ vỏn vẹn vài lý do đại loại như “do cung cầu của thị trường...”.

Lãnh đạo BMC thừa nhận “giải trình mãi thì cũng chỉ có lý do này nên chúng tôi cũng không biết giải trình cái gì nữa”.

Đây không hẳn là biện hộ vì với tỷ lệ %  cổ phiếu nắm giữ, nhiều công ty không thể quyết định hay làm giá cổ phiếu nổi như đồn đại. Muốn nắm rõ, chính các cơ quan quản lý phải truy từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, tài khoản cá nhân, tổ chức... có dấu hiệu bất thường.

Giám đốc một Cty chứng khoán khẳng định: “Nếu quyết tâm làm sớm từ khi mới tăng khoảng 10 phiên liên tiếp, tôi tin HoSTC hay UBCKNN sẽ tìm ra nguyên nhân và ngăn chặn kịp thời”.

Từ cuối năm 2005, cảnh báo về những hiện tượng lũng đoạn thị trường chỉ được UBCKNN ghi nhận và rồi chìm dần vào quên lãng. Cơ quan này không đủ sức làm rõ hay không “quyết tâm”?

Nhà đầu tư Lê Minh (Việt kiều Mỹ- sàn SSI TPHCM) đặt câu hỏi: “Tại sao chưa vụ nào trắng đen rõ ràng? Với quy mô hiện nay mà cơ quan quản lý còn lúng túng như vậy thì làm sao quản nổi hàng ngàn loại cổ phiếu OTC hay tổ chức niêm yết ngày càng nhiều?”.

Nhìn vào cách giải quyết những sự cố, sai phạm của các Cty chứng  khoán, tổ chức niêm yết và nhất là vụ VF1 vừa qua của UBCKNN thì nhà đầu tư lo ngại những vụ việc tương tự tiếp theo là hoàn toàn có cơ sở.

Theo nguồn tin của chúng tôi thì báo cáo của HoSTC và Trung tâm lưu ký chứng khoán TPHCM cũng chỉ xoay quanh những con số, lý do tăng giá bất thường không có gì mới.

Nếu UBCKNN không có những nguồn riêng và lại công bố các thông tin “hòa cả làng” thì chắc chắn những “cơn điên BMC” sẽ tái diễn. Dư luận đã từng thất vọng với vụ VF1, còn với BMC, TCT, SGH, LBM? Đó là câu hỏi mà thị trường chứng khoán Việt Nam cần câu trả lời thấu đáo nhất trong thời điểm này từ UBCKNN.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.