Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007

Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007
Đánh đập người tình, tăng lương bạn gái, tiêu xài hoang phí, thuê côn đồ trả thù riêng, giao dịch nội gián… là nguyên nhân khiến nhiều sếp gần như tiêu tan sự nghiệp. 2007 được coi là năm xảy ra nhiều sự cố với các CEO thế giới nhất.
Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007 ảnh 1

Ông Kim Seung Youn - Ảnh : joongangdaily.

Hình ảnh các ông chủ giàu có của xứ sở kim chi uy nghiêm song liên kết chặt chẽ với giới xã hội đen và có lúc lũng đoạn cả chính trường không chỉ có trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc.

Bằng chứng là trong vài năm gần đây, ông chủ của các chaebol, những người đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên diện mạo kinh tế Hàn Quốc trong vài thập kỷ qua, liên tục "có vấn đề" khi luật pháp soi đến họ. 

Sau chủ tịch lừng danh một thời của hãng Daewoo, trong năm qua nổi lên 3 cái tên, gồm Chung Mong-koo, chủ tịch Hyundai; Lee Kun-hee, chủ tịch Samsung và Kim Seung Youn, chủ tịch Hanwha.

Người "mở màn"cho năm 2007 là chủ tịch hãng xe lớn nhất nước này Hyundai, Chung Mong-koo, với 3 năm tù giam vì tội biển thủ và một số tội danh khác. Trước đó, ông này còn bị đề nghị 6 năm tù giam, nhưng được giảm án vì có đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước này và tích cực làm từ thiện.

Chung Mong-koo đã lập một quỹ riêng từ các khoản thu từ các công ty con. Theo cáo buộc của tòa án, ông này chi 74 triệu USD cho các mục đích cá nhân, trong đó dành một phần để trả cho các nhà vận động để giành được sự ủng hộ của chính phủ. Ông Chung cũng bị buộc tội gây nhiều thiệt hại tài chính cho các công ty con với nhiều hợp đồng được cho là làm lợi cho bản thân và con trai là Chung Eui-sun, giám đốc hãng xe lớn thứ hai Hàn Quốc Kia Motors.

Sau ông Chung, đến lượt chủ tịch tập đoàn đa ngành Hanwha, ông Kim Seung Youn phải nhận 18 tháng tù giam. Người giàu thứ 16 Hàn Quốc trở thành "bố già mafia" chính hiệu khi cho người bắt cóc và tự tay đánh đánh đập những người đã đánh nhau với quý tử của ông. 

Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007 ảnh 2

Ông Lee Kun-hee - Ảnh: timeinc.

Theo cảnh sát, cậu ấm nhà họ Kim cãi lộn và đánh nhau với một số người tại quán bar và về nhà với 13 vết khâu trên mặt. Ông bố đại gia nổi giận, liền cùng các vệ sĩ lôi những kẻ đã đánh con trai lên ôtô và đưa đến một công trường vắng để đánh cho hả giận.

Những nạn nhân kể lại, chính ông Kim cầm một thanh sắt lớn để đánh họ. Về sau, ông chủ tập đoàn lớn thứ 10 Hàn Quốc khai tại tòa rằng, các vệ sĩ của ông đã quá tay dù đã được lệnh ngừng lại. 

Samsung cũng như chủ tịch hãng này Lee Kun-hee trải qua năm 2007 với đầy sóng gió. Chỉ sau khi cựu Trưởng ban pháp lý của tập đoàn này là Kim Yong Cheol lên truyền hình công khai tố cáo, các sai phạm tại hãng này mới được đưa ra ánh sáng.

Hiện giới bảo vệ pháp luật Hàn Quốc đang điều tra những vụ hối lộ và lập quỹ đen của hãng.

Bản thân chủ tịch Lee Kun-hee, người nổi danh với triết lý kinh doanh "Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn" cũng bị buộc tội lập quỹ đen. Vụ việc chưa đi đến hồi kết, song đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ông Lee và Samsung.

2. CEO BP 'ngã ngựa' vì scandal đồng tính

Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007 ảnh 3

Lord John Browne - Ảnh: news

Dù đã có kế hoạch nghỉ hưu sớm, song đến khi vụ scandal bùng lên, CEO hãng dầu hàng đầu thế giới BP John Browne vẫn phải đệ đơn từ chức, kết thúc sự nghiệp lừng lẫy trong cay đắng. Ông này mất khoảng 15 triệu USD do phải rời nhiệm sở trước thời hạn. 

Tờ The Mail on Sunday đã khui ra sự thật về đời tư của vị tổng giám đốc gần 60 tuổi này, cho thấy ông có quan hệ đồng tính với một người có tên Jeff Chevalier và sử dụng tài chính và cả nhân lực của BP để giúp anh này thành lập công ty riêng.

Vị CEO từng được Nữ hoàng Anh phong tước Quận công này còn bị buộc tội nói dối tòa án về mối quan hệ của ông với Chevalier. Khi được hỏi về việc công tư lẫn lộn, Lord Browne đã nói rằng ông và Chevalier chỉ là người quen biết chứ không hề có quan hệ đặc biệt. 

Lord John Browne gia nhập BP năm 1966 từ vị trí một người học việc và chính thức đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong tập đoàn này từ năm 1998. Cùng năm đó, Browne được Nữ hoàng Anh phong tước Quận công.

Ông cũng là người giúp BP đảm bảo nguồn cung ổn định và tạo hình ảnh tốt đẹp trong mắt người tiêu dùng khi cam kết hãng này sẽ cắt giảm 10% lượng khí thải vào năm 2010. Browne có công lớn trong việc mở rộng hoạt động của BP tại Mỹ, sáp nhập BP với Amoco, thâu tóm Arco và Castrol.

3. Giám đốc điều hành Ford nói đùa chuyện cứu Tổng thống Bush

Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007 ảnh 4

Giám đốc điều hành của Ford - Alan Mulally - Ảnh:. Reuters.

Hãng xe hàng đầu thế giới Ford đã phải chính thức xin lỗi về việc giám đốc điều hành hãng này là Alan Mulally nói đùa chuyện đã cứu mạng Tổng thống Mỹ Bush.

Trong một buổi trò chuyện với báo chí, ông Mulally đã kể lại chuyện ông kịp thời ngăn ông Bush cắm phích điện vào bình chứa hydro của một chiếc xe hybrid. Ông này kể lại sinh động tới mức miêu tả ông đã túm tay ông Bush để kéo lại như thế nào, vi phạm các nguyên tắc bảo vệ ra sao để "cứu" vị tổng thống. 

Ngay sau đó, một loạt tờ báo đã tăng tải vụ "cứu giá" này của ông Mulally. Hãng xe hàng đầu thế giới sau đó cho biết ông Mulally không ngờ câu chuyện của mình lại trở nên nghiêm trọng như vậy và tỏ ra hết sức bối rối.

"Tôi chỉ nói đùa về sự kiện trên. Nó sẽ không bao giờ xảy ra nếu tôi biết sự việc lại nghiêm trọng đến vậy", ông Mulally sau đó cho biết.

4. Nhiều đại gia 'bóc lịch' vì lừa đảo cổ phiếu

Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007 ảnh 5

Ông Joseph Nacchio -Ảnh: msnbcmedia4.

Đình đám nhất trong số này là Joseph Nacchio, cựu CEO của hãng viễn thông khổng lồ Qwest Communications International Inc. với án tù 6 năm vì tội trục lợi thông tin nội bộ để mua bán cổ phiếu trị giá 52 triệu USD. Ông này sau đó đã phải bồi thường 52 triệu USD cùng một khoản phạt 19 triệu USD.

Theo cáo buộc của tòa án, Nacchio đã bán phá giá lượng cổ phiếu trị giá 101 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2001 vì biết trước Qwest sẽ lâm vào khó khăn tài chính. Trong khi đó, tình hình tài chính thật sự của công ty hoàn toàn bị bưng bít với các nhà đầu tư.

Ngay trước khi Nacchio ra hầu tòa, thần tượng một thời của giới trẻ xứ Nhật Takafumi Horie, Chủ tịch tập đoàn Livedoor cũng nhận hơn 2 năm tù giam vì tội làm sai lệch giá trị công ty và lừa đảo nhà đầu tư.

Công ty của Takafumi Horie đã thổi phồng báo cáo tài chính, đánh lừa giới đầu tư. Khi sự việc vỡ lở, các nhà đầu tư đua nhau bán tháo, gây ra một cuộc hỗn loạn trên thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á.

Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007 ảnh 6

Dennis Michael Nouri - Ảnh: ceosmac.

Cơ quan điều tra của Nhật cũng phát hiện Horie định nâng khống lợi nhuận dự báo từ 3 lên 5 tỷ yen để "đánh bóng" cổ phiếu hãng này. Đến khi bị tuyên án tù giam, Horie vẫn một mực kêu bị hãm hại.

Dennis Michael Nouri, CEO Smart Online chịu cảnh tương tự khi ông này và người anh Reeza Eric Nouri cùng 4 nhà môi giới chứng khoán bị bắt vì tham gia vào kế hoạch thổi phồng giá cổ phiếu.

Theo tòa án, những người này đã tìm cách nâng giá cổ phiếu của Smart Online trước khi công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq. Vị CEO cùng các đồng phạm đối mặt với án tù 5 năm cho tội âm mưu và 20 năm tù cho tội gian lận chứng khoán.

Đến cuối năm, vận hạn lại đến với Conrad Black, cựu CEO hãng truyền thông hàng đầu Canada Hollinger, người từng được Nữ hoàng Anh phong tước Quận công. Ông này bị cáo buộc lừa đảo các cổ đông hàng triệu USD và có thể phải ngồi tù ít nhất 24 năm.

Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007 ảnh 7

Conrad Black, cựu CEO hãng truyền thông Hollinger - Ảnh: lawyersweekly.

Ông chủ 63 tuổi nổi tiếng tài năng, kiêu hãnh và sành điệu một thời này bị cáo buộc làm các cổ đông thiệt hại khoảng 6 triệu USD khi bán tháo một số tờ báo do hãng sở hữu. Black cũng bị buộc tội hủy tài liệu của Hollinger để tránh việc cơ quan điều tra tìm ra bằng chứng phạm tội.

Dưới sự điều hành của Black, Hollinger từng là người khổng lồ trong ngành truyền thông thế giới. Theo các công tố viên, ông này khó tránh được việc phải ngồi tù, do là chủ mưu của vụ bán tháo tài sản của Hollinger, qua đó ông ta và các đồng phạm bỏ túi hàng triệu USD, đồng thời phạm tội ngăn cản quá trình điều tra. 

5. Sự nghiệp tiêu tan vì đánh người tình

Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007 ảnh 8

Chris Albrecht, cựu Giám đốc điều hành kênh truyền hình HBO (bên trái) - Ảnh: filmmagic.

Sự nghiệp huy hoàng của Chris Albrecht, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành kênh truyền hình trả tiền danh tiếng ở Mỹ - HBO chấm hết khi cảnh sát phát hiện ông hành hung người tình.

Theo mô tả của cảnh sát Las Vegas, Albrecht đã tóm cổ bạn gái bằng hai tay và lôi cô tới bãi đỗ xe dành cho người phục vụ bên ngoài sòng bạc MGM Grand. Hành động của vị lãnh đạo cao cấp HBO thô bạo đến nỗi để lại nhiều vết hằn đỏ trên cổ người tình. Cảnh sát thậm chí phải rất nỗ lực mới giải thoát được cho cô.

Trước đây Albrecht cũng đã dính phải bê bối tương tự. Năm 1991, Albrecht khi ấy đã lập gia đình thế nhưng lại có quan hệ tình cảm với cô Sasha Emerson - đồng nghiệp và cũng đã có chồng.

Chuyện tình sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Albrecht không hành hung cô ngay tại phòng làm việc ở Century City khi cô này thông báo đã hẹn hò với một người khác. Để danh tiếng của HBO không bị vấy bẩn bởi vụ bê bối trên, tập đoàn phải chi ít nhất 400.000 USD bồi thường danh dự cho Sasha Emerson. Vụ việc cũng khiến cuộc hôn nhân thứ nhất của Emerson chấm dứt. Và để tránh búa rìu dư luận, cô đã rời HBO ngay sau đó.

Những người nắm rõ vụ này tiết lộ, ban lãnh đạo HBO đã giữ kín chuyện này trong suốt 16 năm qua và dự tính sẽ "sống để bụng chết đem theo" nếu như không có vụ bê bối lần này. Chris Albrecht trước đây là chủ của hộp đêm New York City. Ông bắt đầu làm cho HBO từ năm 1985 trên cương vị phó chủ tịch cao cấp. Đến năm 2002 ông trở thành giám đốc điều hành của hãng này.

Albrecht được đánh giá là có công lớn đối với sự phát triển của HBO. Chính ông đã góp phần đưa HBO trở thành một kênh truyền hình hàng đầu thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Albrecht, HBO không chỉ kiếm được nhiều tiền hơn mà còn sản xuất ra nhiều chương trình để lại dấu ấn mãi mãi trong nền văn hóa Mỹ.

6. Mất chức vì tăng lương cho bồ

Những chuyện tai tiếng của CEO thế giới 2007 ảnh 9
Ông Paul Wolfowitz - Ảnh: smh.

Cuối tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định thay Chủ tịch mới, kế nhiệm ông Wolfowitz - người trước đó bị nghi "dính" tới sự cố tăng lương cho người tình.

Ông Paul Wolfowitz chính thức nhậm chức Chủ tịch WB vào cuối năm 2005 sau khi giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Trong thời gian làm việc tại WB, tình cảm giữa Paul Wolfowitz và bà Shara Riza nảy nở và bà Riza đã phải chuyển công tác sang Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi mối quan hệ này được công khai.

Cả hai người đều đã ly dị. Bà Riza làm việc tại WB trong 8 năm và là cố vấn truyền thông cấp cao trong ban Trung Đông. Hiện, bà vẫn trong danh sách trả lương của WB.

Từ tháng 9 năm ngoái, bà Riza đã chuyển sang Quỹ Vì tương lai - một tổ chức phi chính phủ quốc tế giúp trợ cấp cho người dân tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Theo Ban nhân sự WB, trước khi được cử sang Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Riza đã được đề cử vào một chức vụ quan trọng thường phải cạnh tranh và xem xét kỹ mới phê chuẩn.

Bà Riza đã được tăng lương nhiều hơn gấp đôi so với quy định. Chính vì vậy, họ nghi ngờ chủ tịch đã ưu ái cho người tình của mình và làm thiệt thòi cho các nhân viên khác.

Theo Hồng Anh - Ngọc Châu
 VnExpress

MỚI - NÓNG