Những kẽ hở cho tham nhũng

Chậm công bố danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng (ảnh minh họa). Ảnh: Như Ý
Chậm công bố danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng (ảnh minh họa). Ảnh: Như Ý
TP - Dư luận đang sốt ruột vì danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện chậm được các bộ, ngành thống kê và báo cáo. Theo các chuyên gia, việc chậm trễ có một phần nguyên nhân từ lợi ích nhóm, xin - cho và tiêu cực từ chính những giấy phép con mang lại. Đó là những kẽ hở cho tham nhũng.

Dư địa cho Nhũng nhiễu

Chia sẻ với PV Tiền Phong, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng cho biết, “giấy phép con” đi kèm các thủ tục kinh doanh rất nhiêu khê.

Doanh nghiệp (DN) làm một dự án phải xin ý kiến vài bộ, như Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương…

“Mỗi bộ đều dành cho mình một quyền gì đó, khiến DN phải đi hết bộ này tới bộ khác để xin”, ông nói. Ông dẫn chứng, số căn hộ trong dự án phải xin phép Bộ Xây dựng, trong khi tỉnh có thể tự quyết được. “Có rất nhiều loại giấy như vậy dù không có ý nghĩa, chỉ mất thời gian, tiền bạc của DN, bị cán bộ nhũng nhiễu, hạch sách”, ông nói. 

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay sẽ có danh mục ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, khi Quốc hội, Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã có văn bản yêu cầu và đề nghị các bộ ngành thống kê ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện, các bộ ngành vẫn làm rất chậm (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ đã báo cáo). 

Vì vậy, ngày 19/8, Chính phủ phải tổ chức riêng cuộc họp với các bộ, ngành thảo luận và cho ý kiến về việc này. Ngay sau đó, Bộ KH&ĐT đã thành lập nhóm rà soát và xây dựng danh mục những ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện. 

TS Lê Đăng Doanh, thành viên nhóm rà soát đặc biệt của Bộ KH&ĐT cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến các bộ ngành chậm trễ, như khâu rà soát phải cẩn trọng nên mất thời gian. “Cũng có thể đây (giấy phép “con” - PV) là nguồn thu lợi không chính thức của một số cán bộ nhân viên, nên họ tìm cách gây chậm trễ hoặc không trả lời”, ông Doanh nói. 

Ông dẫn chứng năm 2001, Thủ tướng cũng từng có văn bản yêu cầu các bộ ngành công bố ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện, nhưng không đơn vị nào trả lời. Khi hỏi, mỗi đơn vị trả lời một kiểu, thậm chí nói không có. Tuy nhiên, khi điều tra thực tế từ DN đã phát hiện rất nhiều giấy phép con tại các bộ ngành. “Rõ ràng có sự chậm trễ cố ý trong công bố ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện”, ông Doanh nói.

GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng KH&ĐT, nói: “Các bộ ngành không muốn công bố vì đó là lợi ích của họ. Từ trước tới nay giấy phép con vẫn là nơi dễ có quyền nhất, thậm chí dễ xảy ra tiêu cực, xin - cho. Giờ bỏ giấy phép con là ảnh hưởng tới lợi ích của người ta, nên không ai muốn bỏ”, GS Mại nói. 

Như Thông tư 20 của Bộ KH&CN (có hiệu lực từ 1/9 tới đây), quy định máy móc, thiết bị cũ nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng đạt ít nhất 80%. “Thế nào là 80% chất lượng, ai đo, lấy gì đo được? Quy định thế cán bộ kiểm định thích cho bao nhiêu cũng được. 

Có lần một DN Nhật Bản kể, khi nhập máy về, cơ quan Việt Nam đánh giá chất lượng máy chỉ được 60%, sau đấy đưa phong bì thì lên 70%, hôm sau đưa thêm phong bì lại lên 80%. Đấy là những kẽ hở cho tham nhũng”, GS Mại nói. Thay vào đó, theo ông Mại, có thể quy định rõ các điều kiện về khí thải, tiêu chuẩn lao động, tiết kiệm năng lượng… nếu đạt sẽ cho nhập. Sẽ chẳng ai dám nhập máy cũ.

Cách chức người chậm trễ?

“Các bộ ngành không muốn công bố vì đó là lợi ích của họ. Từ xưa tới nay giấy phép con vẫn là nơi dễ có quyền nhất, thậm chí dễ xảy ra tiêu cực, xin-cho”. 

GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng KH&ĐT
Để xử lý việc chậm trễ của các bộ ngành, GS Nguyễn Mại cho rằng, Thủ tướng cần đưa ra mốc thời hạn, nếu đơn vị nào không thực hiện sẽ cách chức người đứng đầu. Khi cách chức một hai người sẽ chẳng bộ ngành nào dám không công bố. 

“Cách tiếp cận như vậy là hiện đại nhất trong điều hành của một nền hành chính quốc gia. Hiện chúng ta vẫn là giơ cao đánh khẽ, biết bao nhiêu chỉ thị, văn bản, quy trách nhiệm, nhưng mấy người bị mất chức vì thiếu tinh thần trách nhiệm?”, nguyên thứ trưởng Nguyễn Mại nói.

Để loại bỏ giấy phép con, theo GS Nguyễn Mại, cần thay đổi tư duy quản lý, cách tiếp cận. Hiện, cơ quan quản lý thường yêu cầu điều kiện ngay khi đăng ký kinh doanh và phải có đủ giấy phép mới được làm. Như kinh doanh xăng dầu, DN phải xin phép phòng cháy chữa cháy ngay khi xin cấp phép, còn làm hay không tùy DN, ít khi kiểm tra (nếu kiểm tra cũng đa phần có báo trước). 

Nếu xảy ra cháy nổ, lúc đấy mới tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm. Trong khi ở các nước như Đức, Pháp… chỉ đặt ra các tiêu chí từng ngành nghề, DN theo đó để thực hiện không cần phải xin giấy phép con. Tuy nhiên, nếu kiểm tra, anh không làm đúng sẽ phạt rất nặng.

Chiều 28/8, trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, sau khi Quốc hội chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng họp (ngày 19/8), các bộ ngành đã gửi danh sách ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện về Bộ KH&ĐT.

“Chúng tôi đang rà soát, thống nhất và loại bỏ những quy định không hợp lý, mục tiêu làm sao tốt nhất có thể”, Bộ trưởng Vinh nói.

Trong trường hợp các bộ ngành không báo cáo, Bộ trưởng Vinh khẳng định: “Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành không thể không gửi được. Ngoài ra, nếu không có danh sách (ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện - PV) sẽ không thể tổng hợp để đưa vào luật. Trong khi luật không thể không có danh sách này. Việc chậm triển khai của các bộ ngành sẽ là làm chậm cho cơ quan soạn thảo”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.