Những kỳ tích của Sông Đà 10

Những kỳ tích của Sông Đà 10
TP - Công ty Công trình ngầm (tiền thân của Công ty Cổ phần Sông Đà 10 ngày nay) đã quy tụ hơn 4.000 người với những dàn máy móc, thiết bị khổng lồ do Liên Xô (cũ) trợ giúp để chọc những mũi khoan đầu tiên vào lòng núi đá sông Đà.
Những kỳ tích của Sông Đà 10 ảnh 1
Sông Đà 10 có mặt trên các công trình khắp mọi miền đất nước

Hơn 1.200 ngày đêm, ngày đêm ròng rã, họ đã đào khoét 15km đường hầm để lắp đặt trọn vẹn hàng chục vạn tấn thiết bị, máy móc của 8 tổ máy phát điện tổng công suất 1.920 MW (công suất lớn nhất Đông Dương hiện nay).

Không thể nói hết những gian khó, nhọc nhằn, hiểm nguy trong những năm tháng thi công của người thợ đường hầm. Điều kiện thiết bị thi công và kinh nghiệm đều thiếu, phần lớn công việc ban đầu phải lệ thuộc  vào sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô.

Thủy điện Hòa Bình hoàn thành, thợ đường hầm Sông Đà lớn mạnh và trưởng thành. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể Công ty, Đội khoan số 1 và 6 cá nhân ngay trước ngày khánh thành Nhà máy.

Bằng những kinh nghiệm qua thử thách và học hỏi được ở Thủy điện Hòa Bình, những người thợ Sông Đà mang theo hành trang đến xây dựng các công trình mới tại Thủy điện Yaly, Thủy điện Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Cần Đơn, Sê San… trên vùng đất Tây Nguyên và miền Trung.

Thời gian này, công ty được đổi tên thành: Công ty Sông Đà 10, đến năm 2005 cổ phần hóa tên mới hiện nay là Công ty Cổ phần Sông Đà 10.

Khi làm Thủy điện Yaly, Công ty Sông Đà 10 đã thực thi hơn 12km đào hầm trong núi với điều kiện khắc nghiệt hơn Hòa Bình. Địa bàn thi công giữa 2 vùng giáp ranh của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Núi rừng, khe suối hiểm trở, các chất độc thời kỳ chiến tranh chống Mỹ còn vương vãi đã gây không ít khó khăn.

Tại Yaly có 3 đường ống dẫn dài 148m phải khoan theo hướng xiên 76 độ từ đỉnh núi xuống lòng đất nơi đặt các tổ máy. Sông Đà 10 phải tìm mua máy khoan đặc chủng từ nước ngoài để hoàn thành nhiệm vụ.

Tại công trình này những người thợ Sông Đà đã có bước tiến vượt bậc. Ở Hòa Bình có đến 900 chuyên gia nước ngoài tư vấn và hướng dẫn, còn ở Yaly thì chỉ có 60 người mà phần lớn là chuyên gia tư vấn và chuyên gia thiết bị, một tháng khoan đào ở Sông Đà với mức cao nhất cũng chỉ đạt 30m dài, ở Yaly công suất lên đến 159m dài/tháng.

Còn hiện nay, với máy móc thiết bị hiện đại cộng với trình độ tay nghề cao của thợ đường hầm Sông Đà đã đạt đến mức 250m/tháng.

Những kỳ tích của Sông Đà 10 ảnh 2
Thi công hầm Thủy điện Cửa Đạt (Thanh Hóa)

Kỹ sư Vũ Văn Tính, Tổng GĐ Công ty CP Sông Đà 10 nhớ lại: Sau khi hoàn thành an toàn, thắng lợi việc thông hầm ở Aròong 1 và Aròong 2 trên tuyến đường Hồ Chí Minh đầy phức tạp và hiểm nguy, Công ty Sông Đà 10 là đồng thầu với một số công ty nước ngoài nhận thi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân.

Đây là công trình phức hợp, địa chất không bình thường nên đã gặp không ít trở ngại. Sau khởi công hơn 1 tháng, khi cửa hầm mở được một đoạn ngắn thì sự cố lớn xảy ra.

Nhiều mạch nước ngầm phun chảy, vữa, bê tông đặc chủng không thể hàn, bịt được; thiết bị thi công có nguy cơ bị xâm hại, nhà đầu tư và tổng thầu phải chạy tìm đối tác nước ngoài tới xử lý với giá hàng triệu USD và phải mất từ 3 - 5 tháng mới có thể khắc phục được.

Nhiều đối tác nước ngoài ký hợp đồng nhưng không xử lý được sự cố đã lặng lẽ ra đi…

Sau khi quan sát và nghiên cứu, Giám đốc Vũ Văn Tính cùng những người thợ Sông Đà 10 nhận khắc phục sự cố trên. Các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc là tư vấn của dự án tỏ ý ngờ vực. Nhà đầu tư cũng e ngại, băn khoăn.

Bằng kinh nghiệm vốn có, tìm các giải pháp thi công từng giai đoạn, chia từng khúc nhỏ, trước hết là khoan phun lấp đầy  ở khu vực sạt lở, đào hầm dẫn trước, đào đến đâu thì chống vỉ, rải lưới thép rồi phun vẩy, lấp từng đoạn ngắn đến đó, làm đến đâu, theo dõi, thẩm định và rút kinh nghiệm đến đó, sau 2 tháng miệt mài, liên tục, Sông Đà 10 đã xử lý thành công, vượt trước thời gian hàng tháng, tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng trước sự kính nể thán phục của chuyên gia các nước trên công trình và chủ đầu tư.

Ông Trần Ngọc Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Sông Đà 10 có thế mạnh về công nghệ đào hầm có thâm niên từ 26 năm qua. Đây là một loại hình công nghệ lao động đặc biệt lớn nhất cả nước và khu vực nên việc duy trì và phát huy ngành nghề truyền thống sẽ là công tác chủ đạo để giữ vững thương hiệu.

Đầu năm 2008 tới, Công ty đầu tư 120 tỷ trang bị thêm 7 dây chuyền đồng bộ hiện đại hàng đầu thế phục vụ thi công trên công trình Thủy điện Sơn La, Thủy điện Cửa Đạt Thanh Hóa, và các dự án thủy điện tại Lào.

MỚI - NÓNG