Những nẻo đường gỗ lậu

Những nẻo đường gỗ lậu
TP - Từ thị trấn Mẹt chúng tôi nhằm hướng khu rừng đặc dụng quốc gia Hữu Liên (thuộc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Tầm trưa chúng tôi tới thôn Tân Hương (xã Nhật Tiến).
Những nẻo đường gỗ lậu ảnh 1
Thớt nghiến vận chuyển công khai                           Ảnh: N.Đ.B

Đây chính là nơi lâm tặc vận chuyển gỗ lậu từ xã Hữu Liên (Hữu Lũng) thậm chí từ Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) về  tập kết tại thị trấn Mẹt, sau đó chuyển về xuôi.

Những con đường “chảy máu” gỗ

Ở thôn Tân Hương còn có một con đường khác vận chuyển lâm sản về xuôi tiêu thụ cũng rất dễ dàng. Đó là đường vòng qua Thiện Kỵ xuống Yên Thế (Bắc Giang). Bất ngờ một đoàn xe Minsk chở thớt ầm ào rú rít phóng qua. Tôi đếm được 4 xe, mỗi xe chở 8 cục thớt nghiến.

Bám theo đoàn xe, tôi giơ máy ảnh bấm thì bất chợt có một tiếng rít ghê người. Một chiếc Minsk đã cận kề chúng tôi kèm theo là tiếng quát từ một gương mặt hầm hố: “Cất ngay máy ảnh đi”. Rồi chiếc xe Minsk biến mất theo làn bụi đỏ. Cả nhóm lâm tặc phi về hướng cầu 10 thị trấn Mẹt.

Lại có tiếng rít lên của một đám Minsk khác. Lần này không phải chở thớt nghiến mà toàn là xe chở những tấm gỗ dài tầm 3 mét, choán hết cả đường.

Tôi thấy nhiều phụ nữ và trẻ em đạp xe chở gỗ, con tiện lầm lũi đi trên đường rất nhanh. Mồ hôi tràn trên mặt, ánh nhìn luôn căng thẳng dò xét. Họ sợ kiểm lâm bắt được.

Ông Bùi Văn T - Chủ quán nước ven đường ở thôn Tân Hương - ngao ngán nhìn dân chạy gỗ lậu ngày đêm chạy qua trước mặt nói: “Gỗ lậu nhiều nhất được vận chuyển trên đường Hòa Bình, Hữu Liên.

Nhưng gần đây rát bỏng không kém là tuyến đường Phổng - Tân Lập - Thiện Kỵ. Từ ngày đường Phổng được đầu tư nâng cấp, mở thông đèo Thạp, con đường trở thành điểm nóng về vận chuyển gỗ lậu qua Bắc Giang”.

“Tổng kho” Tềnh Chè

Chúng tôi vượt đèo Bén sang huyện Văn Quan. Tuyến đường 1B nối từ Thái Nguyên với các huyện của Lạng Sơn: Bắc Sơn - Bình Gia - Văn Quan về thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc). Tuyến đường này đang là điểm nóng vận chuyển, buôn bán thớt nghiến để bán sang bên kia biên giới.

Một trong những địa điểm mà dân chạy thớt nghiến chọn làm “đại bản doanh” để tập kết thớt nghiến là khu vực xóm Tềnh Chè (xã Hồng Phong, Cao Lộc).

Từ địa điểm này đến nơi lâm tặc khai thác gỗ khoảng trên 100 km và phải đi qua nhiều huyện trong tỉnh, nên đám “cửu vạn” phải chia thành từng khu vực để tập kết gỗ.

Tầm trưa hoặc chập tối và đêm khuya, từng đàn xe Minsk chở thớt phóng bạt mạng trên đường. Chỉ có khác là những người chở thớt nghiến nơi đây được gọi là “cửu vạn” và có tính chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với đám chở gỗ lậu ở Hữu Lũng.

Khi đã chung thân với “cai thớt”, nhóm “cửu vạn” bỏ tiền chung nhau mua bộ đàm liên lạc, báo tin trên đường. Đ - một “cửu vạn” ở xã Bình Trung (Văn Quan) nhà nằm kề cạnh “tổng kho” Tềnh Chè cho biết: Con đường này dân buôn gỗ, thớt thỏa sức hoành hành.

Mỗi chuyến Đ đi được 8 cục to, mỗi cục quy ra được 4 chiếc thớt nghiến và bán cho chủ thớt ở thị trấn Đồng Đăng. Có chuyến được trên 200.000 đồng nhưng thỉnh thoảng bị kiểm lâm bắt thì mất cả hàng lẫn xe.

Đ cho biết, ở xóm anh có nhiều người tham gia vận chuyển gỗ lậu. Có nhiều tổ- đội khác nhau nhưng hoạt động rất chặt chẽ khi vận chuyển thớt trên đường.

Các ngả đường từ 3 huyện phía tây nam của tỉnh Lạng Sơn như: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, lâm tặc đều cắt cử các chốt chỉ huy bằng máy bộ đàm, khoảng 50 mét lại có một chốt cầm bộ đàm nấp trong bụi rậm hoặc hiên nhà ép trên sườn đồi, sườn núi.

Khi hàng thoát thì tập kết tại 4 địa điểm ở xã Tềnh Chè, Hồng Phong trước khi được điều chuyển đi biên giới.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo thống kê của Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn thì 6 tháng đầu năm 2006, toàn lực lượng đã bắt giữ được 6.714 chiếc thớt nghiến, 22 ô tô, 2 công nông, 244 xe máy và 19 xe đạp vi phạm lâm luật.

Tuy nhiên con số thớt nghiến, gỗ quý bị lâm tặc triệt hạ, vận chuyển trót lọt ngày đêm chắc còn gấp nhiều lần…

Giải thích về tình trạng thớt nghiến, gỗ lậu không triệt để ngăn chặn được, ông Đoàn Văn Tinh - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Hữu Lũng - cho rằng: Lực lượng kiểm lâm mỏng, đi đâu cũng bị theo dõi nên việc bắt gỗ lậu rất nan giải.

Còn cấp ủy, chính quyền địa phương cho rằng, lực lượng chức năng rất khó bắt được bọn buôn lậu gỗ, trừ những đợt ra quân rầm rộ. Đối với chính quyền xã, vì những người “tăng bo”, vận chuyển gỗ lậu là người bản địa, thậm chí họ hàng nên nhiều khi rất “khó ăn, khó nói” (?!).

Chủ tịch UBND xã Hồng Phong (Cao Lộc) Hoàng Văn Vựng băn khoăn: “Xã Hồng Phong có tới 10 thôn có người tham gia vận chuyển, chứa chấp thớt nghiến.

Công bằng mà nói, chỉ bằng con đường độc đạo 1B từ Bắc Sơn về Đồng Đăng có rất nhiều lực lượng chống buôn lậu gỗ. Huyện nào cũng có lực lượng kiểm lâm có chức năng kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Có dạo kiểm lâm đặt chốt cố định ở Gốc Đa (thuộc huyện Văn Quan) thế nhưng thớt vẫn lọt. Thật là khó hiểu…”.

MỚI - NÓNG