Những người dẫn đầu xu thế nhân sự tiêu chuẩn 4.0

Nhân lực CNTT hiện nay có chất lượng đầu vào cao và tăng dần, chất lượng đào tạo được nâng lên, nhưng năng suất lao động chưa cao do hạn chế về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và thực hành. Đào tạo nhân sự đạt chuẩn quốc tế đang trở thành xu hướng được các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam triển khai và đầu tư mạnh.

Tập đoàn VNPT đang trở thành một trong những doanh nghiệp đặt ra nhiều mục tiêu cho quá trình xây dựng chuẩn nhân sự mới thời 4.0 của mình. Hai trong số hàng chục ngàn nhân viên của tập đoàn này đang trở thành những người dẫn đầu xu thế, đó là anh Nguyễn Ngọc Linh – người vừa đạt chứng chỉ về eTOM và chị Thảo – nữ chuyên viên duy nhất của VNPT hiện tại giành được chứng chỉ JNCIE.

Nguyễn Ngọc Linh: Đưa khung quy trình eTOM về phổ cập ở VNPT

Khung quy trình nghiệp vụ eTOM là bộ khung bao gồm khối chức năng và các quy trình nghiệp vụ chung từ phát triển, triển khai, vận hành sản phẩm trong hệ thống các công ty, tập đoàn viễn thông trên thế giới. Khi có được bộ khung này ở các cấp, một công ty viễn thông sẽ có khả năng thúc đẩy năng lực vận hành bộ máy thích nghi nhanh chóng với những thay đổi về công nghệ. eTOM đặc biệt có giá trị trong xu hướng hiện đại hóa công nghệ đang vượt xa khả năng của con người vận hành hệ thống hiện nay. Anh Nguyễn Ngọc Linh đã đạt chứng chỉ về eTOM với điểm số cao 9/10, và trở thành người sẽ phổ biến khung quy trình này tới bộ máy nhân sự của VNPT Net.

Những người dẫn đầu xu thế nhân sự tiêu chuẩn 4.0 ảnh 1
 

Nói về chứng chỉ này, anh Nguyễn Ngọc Linh cho biết, VNPT đã là thành viên của TMForum, đã sử dụng eTOM của TMForum vào công việc của VNPT từ vài năm nay và đạt được những kết quả cần thiết. Theo anh Linh, khi VNPT có một số lượng nhân viên đáng kế có hiểu biết về eTOM thì hiệu quả sử dụng eTOM trong công việc sẽ cao hơn rất nhiều.

Để đạt được chứng chỉ này với điểm số cao (9/10), anh Linh chia sẻ: "Tôi bắt đầu biết về eTOM từ năm 2002 – 2003, nhưng chỉ có cơ hội được liên tục nghiên cứu tài liệu của TMForum và áp dụng cho công việc, thông qua việc lãnh đạo VNPT đã có chỉ đạo áp dụng eTOM vào cải tiến công việc của VNPT. Năm 2017, tôi đã tham gia vào việc biên soạn quy định về Khung eTOM của VNPT, nhưng quy định này mới chỉ bao quát đến các quy trình cấp độ 2 và mới nêu ra phương pháp quản lý quy trình. Theo tôi biết, chưa có đơn vị nào trong Tập đoàn triển khai tiếp xuống các quy trình cấp độ thấp hơn theo đúng chuẩn". Được biết, năm 2018, được Lãnh đạo Ban KTM chấp nhận đề xuất về việc tổ chức triển khai Khung eTOM tại đơn vị từ cấp 3 trở đi, anh Linh đã vận dụng toàn bộ hiểu biết của mình để xây dựng bộ tài liệu quản lý, hướng dẫn và trình bày tại các buổi đào tạo nội bộ về eTOM.

Nhận thức rõ yêu cầu của Lãnh đạo Ban về việc triển khai sâu rộng tiêu chuẩn eTOM, anh Linh cũng đã chủ động nghiên cứu, lựa chọn nội dung cần nhất và đăng ký theo học trên mạng. Nếu không có sự ủng hộ của Lãnh đạo Ban thì tôi rất khó quyết tâm học, do tâm lý ỷ lại vào những hiểu biết và kết quả tự nghiên cứu của bản thân. "Đối với những đối tượng mới như eTOM, tôi đã có cách tiếp cận bằng biện pháp tổng hợp: tự nghiên cứu, tìm tòi cách áp dụng vào thực tiễn, truyền đạt kiến thức cho đồng nghiệp" - anh Ngọc Linh chia sẻ.

Ngoài ra, anh Linh cũng khẳng định việc học lấy chứng chỉ eTOM không phải là học để bắt tay vào công việc mà là để kiểm chứng những hiểu biết của bản thân về eTOM, những nội dung đã áp dụng vào công việc và những nội dung trình bày với đồng nghiệp.

Để đạt được kết quả này, anh Linh cho biết cá nhân và doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn cả về công sức và chi phí do nội dung mà TMForum đưa ra rất nhiều. Chọn lựa được nội dung cần tiếp thu là cần thiết để tiết kiệm. Bên cạnh đó, để áp dụng được kiến thức vào thực tiễn lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm và hiểu biết sâu về thực tiễn của đơn vị. Và vấn đề nữa là phải truyền đạt được tối đa nội dung cần thiết cho đồng nghiệp, để có nhiều người cùng triển khai công việc.

Với tài liệu, kiến thức và kinh nghiệm của bước đi đầu tiên với eTOM, anh Linh đã thực hiện được công việc chính của của mình trong thời gian vừa qua là công tác đào tạo, phổ biến cho nhân viên Ban Khai thác mạng. Bên cạnh đó, anh Linh chủ động đề xuất xây dựng hệ thống quản lý quy trình theo chuẩn của TMForum cho đơn vị và tham gia tổ chức triển khai. Kết quả của những việc anh đã làm được đơn vị đánh giá tốt qua 3 sáng kiến được công nhận.

Chia sẻ thêm về dự định sắp tới, anh Nguyễn Ngọc Linh cho biết, kiến thức về eTOM và việc áp dụng vào công việc của tôi và đơn vị mới là những bước đầu tiên cần cho quá trình mà đơn vị triển khai áp dụng các công cụ quản trị mới vào sản xuất theo chiến lược VNPT 4.0. Để có thể triển khai tiếp công việc này, tôi và các đồng nghiệp còn phải tiếp tục có được những chứng chỉ khác của TMForum, ở những nội dung khác và ở những cấp độ cao hơn. Và bên cạnh đó là đưa kiến thức mới áp dụng vào luôn côngviệc.

Trần Phương Thảo: Người phụ nữ tiên phong nhận chứng chỉ JNCIE

Chứng chỉ JNCIE công nhận năng lực nhân viên có thể đáp ứng với công việc vận hành các giao thức, phương thức triển khai, áp dụng các công nghệ trong một hệ thống mạng rộng lớn. Do áp lực công việc, thường chứng chỉ này chỉ nam giới chinh phục, và ở VNPT hiện nay chỉ mới có 7 người đạt được. Việc chị Trần Phương Thảo - chuyên viên Ban Khai thác mạng trở thành nữ chuyên viên đầu tiên có JNCIE cho thấy sự nỗ lực không chỉ cá nhân chị mà sự đầu tư nâng cao chất lượng nhân sự tại VNPT được mở rộng và sâu sát hơn với thực tế nhu cầu ở tất cả các phòng, ban chuyên môn của mình.

Những người dẫn đầu xu thế nhân sự tiêu chuẩn 4.0 ảnh 2
 

Được biết, công việc hiện tại của chị Thảo tại Ban Khai thác mạng là vận hành, khai thác mạng băng rộng; mạng truyền tải IP, chứng chỉ JNCIE-SP giúp chị thêm tự tin khi đề xuất, triển khai các giải pháp tối ưu mạng, tư vấn giải pháp cho đối tác, khách hàng. VNPT là tập đoàn lớn trong lĩnh vực Viễn thông và CNTT, được lãnh đạo tín nhiệm giao cho quản lý hệ thống mạng Core của VNPT, việc có được chứng chỉ này đã giúp chị Thảo hoàn thiện hơn các kỹ năng của bản thân trong xử lý công việc hàng ngày.  "Tôi mong muốn với thành tích đạt được có thể khẳng định trình độ đội ngũ kỹ thuật của một trong những nhà cung cấp mạng lớn nhất Việt Nam như VNPT nói chung và Ban KTM nói riêng" - chị Thảo nhất mạnh.

Ở VNPT, việc đào tạo nhân lực rất được coi trọng, ngoài việc đào tạo nội bộ thì việc học và thi chứng chỉ quốc tế, tham gia các diễn đàn công nghệ cũng được khuyến khích, hỗ trợ. Chính vì thế, những nhân sự như Nguyễn Ngọc Linh và Thảo đang ngày càng nhiều hơn, thích nghi một cách nhanh chóng hơn nữa với những yêu cầu nhân sự thời 4.0.

MỚI - NÓNG