Những người kiến tạo tuyến Quốc lộ 1A trên biển

Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu một dự án trọng điểm.
Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu một dự án trọng điểm.
TP - Khó ai hình dung nổi, năm 2014, Cục Hàng hải Việt Nam làm được những việc tưởng chừng không thể: Hình thành tuyến vận tải Bắc Nam trên biển; đảm bảo tiến độ, chất lượng 2 dự án trọng điểm và cứu nạn hàng hải có hiệu quả cao.

Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Hàng hải Nguyễn Nhật về những việc trên.

Quốc lộ 1A trên biển

Tuyến vận tải ven biển Bắc Nam (còn được gọi là QL1A trên biển-PV) đã hoạt động một thời gian, hiệu quả của nó ra sao, thưa ông?

Tính đến hết tháng 12/2014, tổng số hàng hóa thông qua cảng biển do tàu cấp VR-SB (tàu được chạy cách bờ hoặc nơi trú ẩn 12 không quá 12 hải lý) chuyên chở trên tuyến Quảng Ninh-Thừa Thiên Huế gần 700 nghìn tấn (tương đương với gần 23.000 lượt ô tô); tổng số lượt tàu ra vào bến, cảng biển gần 500 lượt (thuộc khu vực cảng biển do cảng vụ Hàng hải quản lý và cảng đường thủy nội địa).

Chưa kể, số tàu cấp VR-SB đang hoạt động đã tăng nhanh chóng. Hiện nay có 350 tàu cấp VR-SB, trong đó 270 tàu đang hoạt động (trọng tải từ 500 đến 5.000 tấn trong đó có 2 tàu container) trên các tuyến ven biển. Số lượng tàu này đang tăng lên một cách nhanh chóng, hiện đang tiếp tục thẩm định hồ sơ để chuyển đổi 80 tàu để đưa vào hoạt động chính thức.

Tuyến từ Quảng Bình - Bình Thuận và từ Bình Thuận - Kiên Giang tuy mới hoạt động được 2 tháng; số lượng hàng hóa vận chuyển chưa nhiều nhưng đã góp phần thiết thực để thúc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, góp phần giảm tải cho đường bộ tại khu vực miền Nam và miền Trung.

Xét về hiệu quả kinh tế, có thể thấy rằng tuyến vận tải biển Bắc Nam đã vận chuyển được khối lượng hàng hoá lớn với cự ly vận chuyển dưới 500km, đa dạng loại hàng hoá (hàng rời, container, hàng bao kiện); nâng cao hiệu quả khai thác các tàu SB và tàu biển hoạt động trên tuyến ven biển (472 tàu hạn chế 3) và hoạt động của các cảng biển. Tuyến vận tải này cũng giảm tải cho đường bộ; giảm tai nạn giao thông; giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ nguồn thu phí, lệ phí. Trong khi đó, cước phí vận chuyển thấp, chỉ bằng khoảng 1/4-1/5 so với cước phí vận chuyển bằng đường bộ; bên cạnh đó tận dụng được năng lực đội tàu vận tải thủy nội địa (hiện nay đang dư thừa); phát triển đội tàu ven biển góp phần cơ cấu lại đội tàu, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tới đây, vận tải đường biển sẽ san sẻ cho đường bộ thế nào, thưa ông?

Việt Nam có tuyến bờ biển dài chạy dọc theo chiều dài từ Bắc đến Nam; cả nước có 44 cảng biển (219 bến cảng) với khoảng 45.000m dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế đạt 470-500 triệu tấn hàng/năm. Chưa kể các hệ thống các cảng thủy nội địa. Tuy nhiên, tỷ lệ thị phần vận tải hàng hóa bằng đường biển hiện nay trong tổng sản lượng vận tải của tất cả các phương thức vận tải mới đạt gần 19%; vận chuyển hành khách gần như không đáng kể. Tỷ trọng này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vận tải biển, trong khi vận tải bằng đường bộ hiện vẫn ở mức cao (chiếm 74% sản lượng vận tải).

Do vậy, trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện cơ chế pháp lý giải quyết một số bất cập phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với tuyến vận tải ven biển, giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Hai dự án “khủng” đảm bảo tiến độ, chất lượng

Hai dự án lớn Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) sẽ thay đổi thế nào trong năm 2015, thưa ông?

Đây là hai dự án trọng điểm quốc gia có tầm quan trọng giải quyết lượng hàng thông qua bằng đường biển của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế-xã hội của vùng, miền.

Trong các kết quả đạt được năm 2014, hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển Hoàng Sa có ý nghĩa sâu sắc nhất.

Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), được thực hiện theo hình thức đầu tư Công-Tư (PPP), trong giai đoạn khởi động xây dựng 2 bến container khả năng tiếp nhận được tàu trọng tải lớn tới 50.000DWT đầy tải và tàu 100.000DWT giảm tải. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực, nhằm thông qua lượng hàng tăng trưởng, giải quyết khối lượng hàng quá tải của khu vực phía Bắc.

Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là một dự án trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu xây dựng luồng tàu biển có độ sâu cho tàu biển trọng tải 10.000DWT đầy tải và tàu 20.000DWT chở non tải ra vào các cảng trên sông Hậu; vận chuyển hàng hóa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng 21,0 ~ 22,0 triệu tấn/năm (hàng xuất nhập khẩu) và hàng container 450.000 ~ 500.000 TEU/năm cho giai đoạn đến 2020. Đây sẽ là cửa ra cho hàng hóa xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và được được chuyển tải qua khu vực cảng TP HCM.

Trong năm 2014, Cục Hàng hải đã hoàn thành khối lượng công việc, thủ tục rất lớn. Đến nay, Dự án cảng Lạch Huyện triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, gói thầu số 6 (xây dựng đê chắn sóng, tôn tạo, xử lý nền, tường chắn đất, bến công vụ, đường sau cảng và hạ tầng điện nước), gói thầu số 10 (xây dựng đê chắn sóng, chắn cát) đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu, dự kiến bắt đầu thi công trong quý I/2015. Dự án Luồng sông Hậu đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu xây lắp chính; 2 gói thầu xây lắp còn lại (xây dựng bến phà kênh Tắt và lắp đặt phao tiêu báo hiệu) sẽ lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công trong quý I/2015 phấn đấu đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Cứu nạn ở Hoàng Sa

Thời gian gần đây, người ta nhắc nhiều tới những con tàu cứu hộ hàng hải SAR. Hẳn đó là những con tàu quả cảm?

Thời tiết, khí hậu những năm gần đây ngày càng diễn biến phức tạp; siêu bão với sức gió cấp 16-17; gió mùa cấp 8-9 (tương đương cấp bão) không còn xa lạ trên biển. Hàng triệu ngư dân, thủy thủ thường xuyên hoạt động trên biển với mục tiêu khai thác nguồn lợi của biển cả, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho tàu cá, tàu biển mở rộng phạm vi hoạt động trên biển càng làm cho mật độ phương tiện hoạt động trên biển gia tăng. Những năm trước đây công tác cứu nạn tại khu vực Hoàng Sa, hầu hết chúng ta đều phải nhờ nước bạn hỗ trợ.

Thực tiễn là như vậy, mục tiêu xuyên suốt là phải giảm bằng được số người chết, mất tích, bị thương trên biển; trong khi hệ thống cứu nạn hàng hải của chúng ta với 7 con tàu cứu nạn nhỏ bé, khả năng hoạt động trong điều kiện sóng gió không quá cấp 7-8.

Mang theo những trăn trở này, chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo cấp trên các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển và được ủng hộ. Các cơ quan, đơn vị của Cục Hàng hải đã bắt tay ngay vào nghiên cứu điều kiện khí tượng, thủy văn, hải đồ chi tiết khu vực Hoàng Sa; hoán cải phương tiện cứu nạn, đào tạo nguồn nhân lực để phù hợp với hoạt động cứu nạn trên biển trong tình hình mới.

Ngày 30/5/2014, Bộ trưởng GTVT đã ký quyết định phê duyệt Đề án nâng cao năng lực phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển; trong đó tập trung ưu tiên để tạo đột phá trong hoạt động của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam. Trong các kết quả đạt được năm 2014, hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển Hoàng Sa có ý nghĩa sâu sắc nhất.

Với những cố gắng, nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể viên chức, thuyền viên Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam; năm 2014, cứu được tất cả các vụ việc bà con báo nạn tại khu vực Hoàng Sa, hạn chế thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản nhân dân do tai nạn trên biển gây ra.

Số người chết, mất tích, bị thương trên biển liên tục giảm sâu trong những năm gần đây. Đây là niềm vui, niềm tự hào lớn lao nhất đối với những người làm công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong sự nghiệp phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc. 

Cám ơn ông!

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG