Những rủi ro từ thẻ rút tiền

Những rủi ro từ thẻ rút tiền
Thông báo của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam về việc đổi toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip để nâng cao độ an toàn cho người sử dụng thẻ tín dụng khiến nhiều người lo ngại về khả năng bảo mật của thẻ.
Những rủi ro từ thẻ rút tiền ảnh 1

Song bên cạnh đó, không ít rủi ro khi xài thẻ lại không xuất phát từ nguyên nhân là thẻ từ hay thẻ chip.

Ở một khu công nghiệp tại Bình Dương, nơi công nhân mới được trả lương qua thẻ ATM, cứ đến kỳ lương, họ ồ ạt ra các máy ATM. Một người tay cầm một nắm thẻ ATM đứng ra rút tiền cho cả nhóm. “Hương? số pin (mật mã thẻ) bao nhiêu? 040679 à? rút bao nhiêu? Rồi! cô Hoài, đọc số pin đi... ”. Cứ thế, rất vui. Hết số pin này đến số pin khác, cứ oang oang.

Kể lại câu chuyện này, bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thẻ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), vừa cười vừa thở dài. Những tiện ích mà thẻ mang lại rất nhiều song những rủi ro khi xài thẻ cũng không ít.

Người xài thẻ vô tư…

Rất nhiều người tỏ ra vô tư khi sử dụng thẻ, đó là nhận định chung của các ngân hàng cung cấp dịch vụ này.

Tính vô tư thể hiện qua việc họ chưa có thói quen đảm bảo an toàn cho thẻ của mình. Một dẫn chứng dễ thấy là việc giữ thẻ tránh bị hư hỏng. Các ông luôn để thẻ trong túi sau rồi... ngồi lên. Thẻ bị ẩm, nóng hay mốc, ướt, gãy là chuyện thường tình. Vì vậy chỉ mới vài tháng thẻ đã hư.

Bà Tú Anh cho biết tỷ lệ đổi thẻ ở Việt Nam luôn cao hơn nhiều nước khác, trong đó nam đổi thẻ cao hơn nữ gấp 2-3 lần. Do vậy, các ngân hàng ở Việt Nam thường quy định thời hạn hiệu lực của thẻ là một năm trong khi ở các nước là 3-5 năm.

Một đặc điểm khác là phần lớn người xài thẻ thường không đọc kỹ các hợp đồng, hóa đơn dẫn đến nhầm lẫn mất tiền. Họ đôi khi phạm những sai lầm không đáng như khi mua hàng trên mạng, do không hiểu nên vô tình bấm vào phím “yes” của dịch vụ revolving (quay vòng), thế là tháng nào người ta cũng gửi hàng đến và trừ tiền trong thẻ.

Ông Dương Quang Khánh, Trưởng phòng Dịch vụ thẻ của Ngân hàng Công thương Việt Nam (ICB), cũng đồng tình với ý kiến này. “Đa số khách sau khi cầm thẻ chỉ cần biết cách bấm máy rút tiền chứ không tìm hiểu kỹ về dịch vụ mình dùng. Một số khách hàng còn chưa đọc kỹ hợp đồng, xem sơ rồi ký cái rẹt là xong”, ông nhận xét.

“Ba năm trở lại đây, khi phát triển thẻ ATM (Connect 24) với hơn 700.000 khách hàng, chúng tôi mới hiểu ra rằng cần phải hướng dẫn cho khách hàng quản lý và sử dụng thẻ cẩn thận và chu đáo hơn”, bà Tú Anh nói.

Ngân hàng cũng chưa hết trách nhiệm

Hiện tại, Việt Nam có 1,5 triệu khách hàng dùng thẻ với 1.100 máy ATM. Khoảng 30 ngân hàng đang cung cấp dịch vụ thẻ tại Việt Nam và theo Hiệp hội thẻ, con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Việc mở rộng thị trường thẻ thời gian qua còn nhiều điểm bất cập. Hầu hết các ngân hàng đều thừa nhận họ chưa quan tâm đúng mức đến việc cảnh báo khách hàng về rủi ro thẻ. Tại các điểm giao dịch cũng như trên các trang web của ngân hàng, hầu như không có các hướng dẫn an toàn khi xài thẻ mà chỉ có hướng dẫn về cách sử dụng thẻ.

Lý giải điều này, bà Tú Anh cho rằng một phần do các ngân hàng chỉ lo phát triển thị phần mà thiếu quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cũng do thị trường thẻ còn nhỏ hẹp, doanh số thanh toán thấp và rủi ro chưa gây những ảnh hưởng lớn.

“Khi phát hành thẻ, nhân viên ngân hàng cũng hướng dẫn cho khách hàng cách sử dụng và bảo mật thẻ (thường là nói miệng). Tuy nhiên, khi thị trường thẻ còn mới hình thành thì việc quá nhấn mạnh đến rủi ro có thể khiến khách hàng không dám dùng thẻ”, ông Khánh lý giải.

Một chuyên viên phát triển dịch vụ thẻ của ICB cho rằng các chương trình phát triển thẻ của các ngân hàng hiện không xác định cụ thể những rủi ro có thể gây thiệt hại cho ngân hàng, không ước lượng được mức độ thiệt hại cho phép, do đó chưa đề xuất cụ thể các biện pháp giám sát và phòng chống rủi ro.

Bên cạnh đó, còn nhiều ngân hàng chưa có cán bộ chuyên trách về nghiệp vụ thẻ mà chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Hầu hết các ngân hàng chưa thành lập quỹ dự phòng rủi ro dịch vụ thẻ và cũng chưa hợp tác chặt chẽ để phòng chống rủi ro, chống gian lận thẻ.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các quy định của luật pháp về phòng chống rủi ro thẻ chưa cụ thể, trong Bộ luật Hình sư, tội phạm thẻ cũng được quy vào “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động thẻ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Peter Maher - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách quản lý rủi ro khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Thẻ quốc tế Visa - cho rằng các ngân hàng tại Việt Nam nên có chiến dịch hướng dẫn cho khách hàng.

“Ngay ở Anh, nơi người ta đã dùng thẻ nhiều năm, các ngân hàng vẫn thường xuyên có chiến dịch hướng dẫn người dân cách bảo mật thẻ. Tuy có những người không muốn làm việc này nhưng cảnh báo rủi ro không bao giờ thừa với công chúng”, ông nói.

MỚI - NÓNG