Những tỷ phú vườn trầm

Những tỷ phú vườn trầm
Bấy lâu, người ta mới chỉ biết đến bưởi Phúc Trạch của đất Hương Khê (Hà Tĩnh). Nay ở địa phương này đang có một “đặc sản” khác có thể mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Đó là cây dó trầm.
Những tỷ phú vườn trầm ảnh 1
Khu vườn trầm dó lưu niên của ông Thái Bình Phương

Từ bao đời Phúc Trạch có một thứ  cây sống thủy chung với bưởi đó là cây dó bầu. Cả xã có khoảng 10.000 cây dó trầm, tương đương gần 200 ha. Một thời dân Huế ra mua mỗi cây trầm cổ thụ giá bằng hai con bò. Dân  ở đây trúng đậm nên đã biết trồng thêm vườn dó để chờ đợi.

Gần đây phong trào trồng dó trầm trong Nam ngoài Bắc rộ lên. Dân Phúc Trạch nhiều nhà xoay sang việc kinh doanh cây giống. Vợ chồng Lê Đức Thọ - Võ Thị Nga có 2.500 m2 vườn ươm luôn dẫn đầu trong xã. Năm 2000, gia đình thiết kế trồng 100 gốc bưởi, khoảng giữa ươm 2,5 vạn dó bầu cho thu hoạch trên 20 triệu đồng…

Năm 2004, nguồn thu từ 20 vạn giống trầm được khoảng 200 triệu. Năm 2005, vợ chồng anh ươm hơn 40 vạn, luống nào cũng xanh tốt. Đầu tháng 8, ông Lâm ở Viện cây trồng trung ương vào lấy 50 vạn mầm giống từ vườn của anh Thọ và các nhà xung quanh với giá 500đ/1 mầm, thành tiền là 250 triệu đồng. Số còn lại khoảng 30 vạn cây anh Thọ sẽ xuất dần từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau chắc thu lãi không dưới 250 triệu đồng.

Gia đình này còn có 2 ha trồng tập trung và khoảng 2000 cây phân tán tương đương với 3 ha từ 4 -7 tuổi đã mua để tạo trầm gửi trong vườn những người khác. Hiện tại vốn liếng của gia đình Thọ - Nga lên tới 2 tỷ đồng.

Sau anh Thọ còn các chủ vườn trầm có giá trị bạc tỷ như Nguyễn Văn Nam, Hà Tuấn Dũng, Thái Bình Phương, Thái Nhung …

Nguồn thu từ cây dó trầm của xã năm 2004 là 8,5 tỷ đồng. Dự kiến năm 2005 là 14,5 tỷ đồng.

Say tìm trầm… được vợ trẻ

Những tỷ phú vườn trầm ảnh 2
Lọ tinh dầu trầm và bột hương từ cây dó được ông Liên tinh chế từ Thái Lan mang về

Mải theo nghề trồng dó tạo trầm nên anh Thọ… quên cả việc lấy vợ. Anh Thọ kể: Kinh nghiệm bước đầu bắt cây dó sớm thành trầm là nhờ việc chống kẻ trộm. Những kẻ xấu lợi dụng đêm về lẻn vào vườn leo lên ngọn cột dây, cưa gốc đợi lúc có đoàn tàu chạy qua giật đổ để người nhà không nghe tiếng cây ngã, rồi cưa bỏ ngọn mang đi.

Nhà ai có dó trầm là phải đóng đinh sắt một đoạn dài quanh phần gốc để chống cưa trộm. Từ những vết đinh ấy đã kích thích cho nhựa tụ lại thành trầm. Từ đó mới nghĩ ra cách khoan lỗ trên thân cây tạo trầm.

Bí quyết thứ hai là khi khai thác gặp những cây nhiều trầm, phát hiện ra có một loài ký sinh sống trong ruột. Chúng làm cho nhựa dó biến thành trầm nhanh, nhiều hơn. Anh Thọ bắt những con nhộng, làm tổ cho sống trong những cây dó khác.

Sau 2 - 3 năm lượng trầm ở những cây ấy tăng gấp đôi. Kinh nghiệm này anh đã áp dụng vào một cây tại nhà bà Thái Thị Kim, có cô con gái khá xinh là Võ Thị Nga kém anh gần 20 tuổi.

Từ ngày “chú Thọ” về cho nhộng làm tổ trong cây trầm, cũng là lúc Nga có cảm tình với “chú Thọ”. Khi khai thác cây dó này nhìn điểm nào trên thân cũng thấy vết trầm. Phục tài “chú”, Nga… tự nguyện lấy “Thọ” làm chồng. Cây trầm cao khoảng 4m ấy hiện giờ được trưng bày tại nhà, dựng bên cái cột sát bàn thờ. Nhiều người đến mua trả giá 50 triệu đồng nhưng anh Thọ quyết không bán.

Người tìm ra bí quyết mới

Năm 1998, có chủ trương đóng cửa rừng, ông Đặng Hữu Liên là Giám đốc Lâm trường Hà Đông có đội quân hàng trăm người làm nghề khai thác gỗ thất nghiệp. Chợt nhớ về những năm 80, đất Hương Khê cung cấp cho ngành ngoại thương hàng chục tấn trầm xuất khẩu.

Ông Liên nghĩ đến kế hoạch nhân giống trồng thành rừng. Sau nhiều năm nghiên cứu, biết được trong hàng chục loại dó chỉ có cây dó bầu cho trữ lượng trầm cao nhất. Loại dó này có mật độ rất dày ở Hương Khê, chỉ có đất Phúc Trạch mới nhân được giống. Ông đã hoạch định một chương trình phát triển cây dó trầm trên quy mô lớn.

Đến nay, đơn vị ông đã có trên 60 ha rừng trồng tập trung. Ông Liên tranh thủ sang Lào và Thái Lan học hỏi, biết được một nhà kinh doanh trầm của Thái có bí quyết chiết xuất hương liệu bằng cách cho xay thân dó bầu trộn với một loại “men” đặc biệt rồi tinh lọc.

Đầu năm 2005, ông lấy 3 cây độ 6 tuổi cưa lấy mấy khúc khoảng 100kg chở sang Thái làm thử, kết quả được 50cc tinh dầu. Cứ tính theo giá thành rẻ nhất 1 lít = 5000 USD thì 100kg nguyên liệu dó cho giá trị là 250 USD, tương đương 3,75 triệu đồng.

Từ kết quả này, ông Liên đã cử hai công nhân qua Thái Lan học nghề và liên kết với một doanh nhân đưa bí quyết vào Việt Nam. Nguồn nguyên liệu, rừng trồng của dân hiện có khoảng 2.500 ha.

Biết đất Hương Khê có ưu thế phát triển cây trầm hương, ngày 11/9/2002 Bộ NN & PTNT ra quyết định cho Hà Tĩnh triển khai dự án trồng 5000 ha cây dó trầm. Kế hoạch nay đã thực hiện được khoảng 1/3. Hiện tại trên địa bàn  Hương Khê có khoảng 4000 ha nguyên liệu, trong đó có 500 ha đến tuổi khai thác.

Đơn vị ông Liên đang tiến hành xây dựng một xưởng chế biến với công suất 25 ha rừng/ năm. Theo tính toán mỗi ha cho khoảng 60 tấn nguyên liệu, chiết xuất được từ 20-25 lít tinh dầu nhân với 5000 USD/ lít cho giá trị khoảng gần 2 tỷ đồng. Nếu nguyên liệu tại chỗ có đủ cho chục xưởng sản xuất hoạt động quanh năm, thì việc nâng nguồn thu lên hàng trăm tỷ đồng mỗi năm không phải là chuyện xa xôi.

Cây trầm dó gắn liền với đời sống nhân loại từ dược phẩm, mỹ phẩm và tâm linh. Nhu cầu của cả thế giới rất lớn. Ngoài tinh dầu trầm, một tấn bột phế thải của trầm dó dùng để làm hương cũng bán được 20 triệu đồng. Trong khi đó một tấn gỗ băm dăm xuất ở cảng Vũng Áng giá chỉ 1 triệu đồng. Khi ta có xưởng chế biến thì nguồn phụ thu này cũng đem lại giá trị không nhỏ.

Hương Khê có tiềm năng phát triển khoảng 10.000 ha trầm dó, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động trẻ khắp toàn tỉnh. Rồi đây hàng trăm nhà sẽ trở thành tỷ phú vườn trầm sẽ là hiện thực, đâu phải là mơ.  

 Võ Minh Châu

Người xưa đặt cho vùng đất này cái tên là Phúc Trạch, hiểu theo nghĩa nôm na là vườn đưa lại phúc cho chủ. Lại còn có tên là Hương Phúc gợi lên ý nghĩa Phúc lộc từ hương thơm. Phải chăng cổ nhân đã thấy được giá trị lớn lao của phúc lộc trời cho từ hai loại cây vàng.

Đáng tiếc một thời giao lưu hàng hoá chưa phát triển, bưởi Phúc Trạch thơm ngon nhưng cũng chỉ luẩn quẩn trong vùng. Lại thêm một cách làm khá cực đoan là hô hào phá vườn tạp, cây gió cũng bị vạ lây, còn trơ lại cây bưởi, mất thế cân bằng sinh thái.

Bưởi Phúc Trạch cũng ít ra hoa kết trái, phải tốn nhiều công đi tìm lý do. Sai là sửa. Người dân địa phương đã nhận thức được điều đó, tạo dựng lại những khu vườn đa dạng sinh học có bưởi Phúc Trạch có dó trầm và các loại cây tro, tre sống nương nhờ vào nhau cho hiệu quả kinh tế rất cao.

MỚI - NÓNG