Nợ công: Ai quản?

Như trường hợp Vinashin, Chính phủ đã bỏ tiền bù đắp, chuyển nợ sang Vinalines, PVN. Ảnh: Nhật Minh.
Như trường hợp Vinashin, Chính phủ đã bỏ tiền bù đắp, chuyển nợ sang Vinalines, PVN. Ảnh: Nhật Minh.
TP - Thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), ngày 16/6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần thiết phải giao quản lý nợ công về một đầu mối. “Giao về đâu cũng được, có thể Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước, thậm chí Văn phòng Chính phủ. Nhưng kinh nghiệm tổng kết từ các nước phần lớn là giao Bộ Tài chính”, ông Dũng nói và cho rằng, nếu thấy bất cập mà không sửa là “quá dở”.

Nhiều đầu mối quản lý: Quá dở

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện chúng ta đang tồn tại bất cập trong quản lý nợ công khi cả ba bộ cùng quản. Ông Dũng lý giải, tại Ngân hàng Thế giới (WB) có 185 thành viên, trong đó ở 118 nước, bộ trưởng tài chính nắm vai trò thống đốc; 6 nước thống đốc ngân hàng trung ương nắm vai trò này, trong số này có Việt Nam và Lào; 61 nước còn lại do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thương mại và các bộ khác. “Mình đang hội nhập thì phải tính toán. Một mình một kiểu, rồi đến lúc cũng phải thay đổi, nhưng thay đổi vào thời điểm nào, lúc nào thì chúng ta phải dũng cảm”, ông Dũng nói.

Tương tự về quản lý ODA, hiện đang giao cho Bộ KH&ĐT. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chúng ta ký hiệp định khung ODA, nhưng lại đưa hết các điều kiện vay vào, từ thời hạn, lãi suất, kể cả ưu đãi thuế. Đến khi Bộ Tài chính đi thương thảo hiệp định chính thức thì “không tài nào thương thảo khác được”. Chính vì thế, khi xảy ra vấn đề gì rất khó quy trách nhiệm, nhất là trách nhiệm các bộ, ngành.

Từ bất cập đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần thiết phải giao quản lý nợ công về một đầu mối. “Giao về đâu cũng được, có thể Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước, thậm chí Văn phòng Chính phủ. Nhưng kinh nghiệm tổng kết từ các nước phần lớn là giao Bộ Tài chính”, ông Dũng cho hay, đồng thời nói thêm, nếu thấy bất cập mà không sửa là “quá dở”.

Đề nghị thu về một đầu mối quản lý nợ công, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng: “Không thể chối cãi là một đầu mối sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn ba đầu mối”. Bởi theo ông Hàm, điều này sẽ gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng với trách nhiệm cân đối nguồn và trách nhiệm trong thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, khi gộp bộ phận quản lý nợ công về một cơ quan sẽ giảm được biên chế, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức. Mặt khác, điều này còn góp phần tăng niềm tin, giảm phiền hà cho người cho vay.

Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu

Đồng ý với phạm vi nợ công như tờ trình nhưng ĐB Hoàng Quang Hàm không thống nhất với quy định không giám sát các khoản vay nợ không tính vào nợ công, vì khi rủi ro xảy ra thì nhà nước vẫn bị ảnh hưởng. “Cần có những chỉ tiêu, những quy định mang tính nguyên tắc để giám sát và giải pháp phù hợp để xử lý nợ tự vay, tự trả của DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế Nhà nước, nợ phát sinh để điều hành ngân sách”, ông Hàm đề nghị.

Cho rằng dự thảo chưa có sự đổi mới, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Khi các DNNN, đơn vị sự nghiệp công làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì nhà nước có giải cứu, có trả nợ thay không? Khoản nợ này gọi là nợ gì?

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đề nghị xem xét, tính toán kỹ các khoản nợ nhà nước không bảo lãnh với DNNN hoặc DN mà nhà nước giữ cổ phần chi phối. Đồng thời cần quy định rõ, nếu DN không có khả năng trả nợ thì trách nhiệm của nhà nước đến đâu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, chưa có DNNN nào phá sản, mà luôn được ưu ái sử dụng phương pháp “mềm” xử lý khi thua lỗ. Chẳng hạn như trường hợp Vinashin, Chính phủ đã bỏ tiền bù đắp, chuyển nợ sang Vinalines, PVN.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nợ công cũng làm tăng lãi suất như nợ xấu. Vì thế quản lý nợ công cần được đặt trong bối cảnh các luật có liên quan như: Ngân sách Nhà nước;  Đầu tư công; Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Ông Ngân cho rằng, nợ công cần phải công khai, cập nhật liên tục hàng tháng. “Cần giám sát chặt chẽ đối với các DNNN, giải thể các dự án thua lỗ, đắp chiếu trước tiên chứ không phải vội vàng cổ phần hóa DNNN đang làm ăn có lời”, ông Ngân đề nghị.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nợ công đang tăng quá nhanh, đã sát mức Quốc hội cho phép là 65%. Do đó cần giám sát DNNN đối với các khoản vay nợ và nguồn trả nợ để không ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Tuy nhiên điều quan trọng là phải quy trách nhiệm các cơ quan trong quản lý nợ công, tránh tình trạng cứ vay về nhưng không trả được. Trong đó cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu khi vay nhưng sử dụng không hiệu quả dẫn đến không có khả năng trả nợ.

MỚI - NÓNG