Nỗ lực cải cách của hệ thống kho bạc

Nỗ lực cải cách của hệ thống kho bạc
Thống nhất quy trình kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh đã được Kho bạc Nhà nước chuẩn bị từ năm 2019 và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020.

Khách hàng hài lòng với mô hình giao dịch viên chuyên sâu, tra kết quả nhanh gọn.

Hiện nay, mô hình giao dịch viên chuyên sâu đã được khách hàng là các đơn vị sử dụng ngân sách đón nhận và phản hồi tốt. Quy trình nghiệp vụ mới này tỏ ra an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ.

Mở rộng mô hình giao dịch viên chuyên sâu

Với mục tiêu sắp xếp tinh gọn đầu mối quản lý và nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), tạo điều kiện thuận lợi để tin học hóa, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến; KBNN triển khai mô hình giao dịch viên chuyên sâu đối với mô hình cấp tỉnh.

Theo đó phòng kiểm soát chi thực hiện kiểm soát thanh toán đối với chi đầu tư, chi ban quản lý dự án của các dự án đầu tư; phòng kế toán nhà nước thực hiện toàn bộ việc kiểm soát chi thường xuyên. Mỗi khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ được giao dịch viên phòng kiểm soát chi/kế toán nhà nước thuộc KBNN tỉnh thực hiện tất cả các khâu của quy trình kiểm soát, thanh toán từ tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát chi, hạch toán kế toán, thanh toán, trả kết quả cho đơn vị giao dịch.

Để đảm bảo việc triển khai mô hình cấp tỉnh được thuận lợi, đáp ứng đúng mục tiêu, yêu cầu và lộ trình đề ra, công tác chuẩn bị tổ chức triển khai thống nhất quy trình kiểm soát chi NSNN thuộc KBNN cấp tỉnh đã được KBNN chuẩn bị từ năm 2019 và đưa vào nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Theo đó, KBNN đã hoàn thiện cơ chế chính sách với định hướng cải cách tin học hóa đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Cụ thể, KBNN đã xây dựng dự thảo nghị định quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, rà soát các thủ tục hành chính theo hướng cải cách, đơn giản hóa và phù hợp với cơ chế chính sách mới, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch với KBNN.

Đồng thời, quy trình phân định rõ trách nhiệm của KBNN và đơn vị sử dụng ngân sách trong từng khâu kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN; thực hiện chỉnh sửa các mẫu biểu cho phù hợp với định hướng cải cách tin học hóa đẩy mạnh triển khai DVCTT như mẫu bảng thanh toán tiền lương, bảng kê chứng từ thanh toán... Theo đó, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định các thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN; KBNN trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua KBNN.

Trên cơ sở mô hình cấp tỉnh đã được lãnh đạo KBNN phê duyệt và ý kiến tham gia của các KBNN địa phương, ngay từ đầu năm 2019, KBNN đã nghiên cứu cải cách quy trình nghiệp vụ kiểm soát chi NSNN theo hướng chuyên sâu áp dụng mô hình Giao dịch viên để thống nhất với mô hình cấp huyện đã thực hiện từ tháng 6/2018 (chỉ có 3 công chức tham gia vào quy trình). Giao dịch viên phòng kiểm soát chi, phòng kế toán nhà nước thuộc KBNN tỉnh thực hiện tất cả các khâu của quy trình kiểm soát thanh toán từ tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát cam kết chi, kiểm soát chi, hạch toán kế toán, thanh toán... trả kết quả cho đơn vị giao dịch.

Việc thực hiện như trên đã đáp ứng yêu cầu đơn giản hoá quy trình, giảm bớt các bước trung gian, các đầu mối thực hiện, không phải thực hiện bàn giao, luân chuyển chứng từ giữa phòng kiểm soát chi và phòng kế toán nhà nước. Theo đó, giảm thời gian kiểm soát chi, giảm tải cho hệ thống TABMIS khi giảm được lượng người trong 1 dây/luồng/cây xử lý của một bút toán phù hợp với việc áp dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công điện tử tiến tới hình thành quy trình kiểm soát chi điện tử. 
Trung tuần tháng 6 vừa qua, KBNN đã ban hành quy trình thí điểm giao dịch và luân chuyển hồ sơ, chứng từ các khoản chi NSNN tại KBNN cấp tỉnh kèm theo Quyết định số 3077/QĐ-KBNN của Tổng giám đốc KBNN. Quy trình triển khai thí điểm được KBNN Hải Phòng và KBNN Thái Nguyên đánh giá hoạt động ổn định, phân định rõ trách nhiệm các công chức tham gia phê duyệt hồ sơ chứng từ, không có nhiều lỗi phát sinh, các vướng mắc được đội hỗ trợ của KBNN giải quyết kịp thời. Sau thời gian triển khai thí điểm, KBNN hoàn thiện quy trình và ban hành quyết định để KBNN tỉnh, thành phố triển khai mô hình cấp tỉnh từ ngày 1/7/2020.

Việc thực hiện mô hình giao dịch này, công chức kho bạc có điều kiện tập trung cho công việc, thực hiện nghiệp vụ chuyên sâu. Chỉ trong tuần đầu thí điểm, kết quả tại KBNN Thái Nguyên đã chứng minh hiệu quả. Tại đây, đã tiếp nhận, xử lý thành công hơn 2.600 chứng từ và thanh toán gần 1.200 tỷ đồng. Quy trình thí điểm vận hành ổn định, vướng mắc phát sinh được giải quyết kịp thời. Đến thời điểm này, sau 1 tháng triển khai trên diện rộng, tại nhiều kho bạc cấp tỉnh đã nhận được sự đồng thuận từ khách hàng.

Chuẩn hóa dữ liệu thông tin cho tất cả các tỉnh

Để thực hiện tốt công tác này, KBNN đã thực hiện nâng cấp các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống DVCTT đáp ứng mô hình cấp tỉnh. Theo đó, KBNN đã nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống TABMIS để đáp ứng yêu cầu quản lý mới (như sửa các chức danh trên biểu mẫu báo cáo, liệt kê chứng từ...); tạo lại cây phê duyệt trên hệ thống... Đồng thời, KBNN chỉnh sửa, thiết lập luồng trên hệ thống DVCTT đối với các đơn vị đăng ký sử dụng dịch vụ công mới trên cơ sở phiên bản nâng cấp tại KBNN huyện đáp ứng theo mô hình đề xuất tại KBNN cấp tỉnh. Trong quá trình triển khai thí điểm tại KBNN Thái Nguyên, KBNN ghi nhận và khắc phục một số lỗi trên hệ thống DVCTT trong phiên bản nâng cấp ngày 20/6/2020 và tiếp tục chỉnh sửa để cập nhật trong phiên bản ngày 1/7/2020.

Để triển khai thống nhất quy trình mới này,  KBNN đã tổ chức tập huấn quy trình xử lý, luân chuyển hồ sơ, chứng từ các khoản chi ngân sách nhà nước tại KBNN cấp tỉnh và hỗ trợ các đơn vị KBNN thực hiện chuyển đổi số liệu. Trên cơ sở nhận được file thu thập thông tin đã đối chiếu rà soát và phản hồi lại đơn vị để phối hợp với KBNN các tỉnh thực hiện chuẩn hóa file dữ liệu. Đến thời điểm 18h ngày 29/6/2020, KBNN đã hoàn thành chuẩn hóa dữ liệu thông tin với tất cả các tỉnh (trừ 2 KBNN đã triển khai thí điểm và đang vận hành chương trình không cần chuyển đổi dữ liệu). 

Theo Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Việt Hồng, sau khi triển khai thí điểm tại KBNN Thái Nguyên, KBNN Hải Phòng, hai đơn vị đã vận hành ổn định theo mô hình mới, do đó, KBNN tổ chức hội nghị tập huấn để thực hiện trên toàn hệ thống từ 1/7/2020. Lãnh đạo KBNN đã yêu cầu đơn vị của KBNN hoàn thiện quy trình chính thức xử lý, luân chuyển hồ sơ, chứng từ các khoản chi ngân sách tại kho bạc cấp tỉnh (thay cho quy trình thí điểm) và sớm trình lãnh đạo KBNN ký ban hành. 

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đội hỗ trợ của KBNN trung ương sẽ hỗ trợ kịp thời kho bạc các tỉnh; nhanh chóng xử lý các lỗi phát sinh để bảo đảm chương trình vận hành ổn định, tiện ích, thao tác đơn giản; hoàn thiện tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng liên quan.

Trên cơ sở đó, KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai quy trình nghiệp vụ mới an toàn, hiệu quả theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, các đơn vị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị về chủ trương điều chuyển nhiệm vụ giữa phòng kế toán nhà nước và phòng kiểm soát chi nhằm bảo đảm đoàn kết, thống nhất, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.