Nỗ lực tìm lại chính mình

Thuế là một trong các lĩnh vực được TPHCM lựa chọn cải cách toàn diện nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Thuế là một trong các lĩnh vực được TPHCM lựa chọn cải cách toàn diện nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
TP - Từ một địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM trong hai năm liên tiếp giảm sút và mới đây nhất (năm 2016) tiếp tục tụt hai bậc so với năm 2015 trên bảng xếp hạng của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ngày 11/4, làm việc với UBND TPHCM, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Minh cho biết báo cáo của VCCI vừa công bố, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 của TPHCM giảm hai bậc, từ hạng 6 (năm 2015) rớt xuống hạng 8.

Phí “bôi trơn”, nhũng nhiễu… còn nhiều

Có 5 chỉ số thành phần giảm điểm, gồm: Chỉ số minh bạch giảm từ 6,51 điểm xuống 6,50 điểm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN), TPHCM còn hạn chế trong việc công khai minh bạch các tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước. DN khó tiếp cận được các tài liệu về ngân sách. Sự gắn kết giữa DN và cơ quan nhà nước chưa chặt chẽ. Các DN cho rằng việc cần có “mối quan hệ” và biết cách “thương lượng” với cơ quan nhà nước là cần thiết và quan trọng trong hoạt động kinh doanh.

Trong năm 2016, chỉ số cạnh tranh bình đẳng của TPHCM giảm từ 4,28 điểm xuống 4,13 điểm. Các DN được khảo sát cho rằng TPHCM ưu đãi DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN Nhà nước nhiều hơn so với các DN khác.  Ngoài ra, tính năng động của chính quyền địa phương giảm từ 4,19 điểm xuống còn 4,17 điểm.

Ông Minh lưu ý chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp TPHCM luôn dẫn đầu trong các năm trước nhưng trong năm 2016 giảm điểm khá mạnh, từ 7 điểm năm 2015 xuống còn 6,82 điểm. Giảm mạnh nhất là chỉ số thiết chế pháp lý, từ 5,04 còn 4,25 điểm.

“Các DN đánh giá tỷ lệ các vụ kiện kinh tế được xét xử đúng thời gian và theo quy định của pháp luật giảm so với năm 2015. Thời gian thi hành án và các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ DN khởi kiện khi có tranh chấp cũng giảm”, ông Minh nói.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc đánh giá của VCCI chưa đúng với thực tế bởi theo công bố của Tập đoàn Jones Lang LaSalle tại diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, TPHCM đứng thứ 2 trong 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, vấn đề cần quan tâm không phải là việc đánh giá đúng – sai mà quan trọng là cần xác định cụ thể địa chỉ nào yếu kém để chấn chỉnh. “Có thể đánh giá chưa chính xác nhưng TPHCM phải xem xét với tinh thần cầu thị. Có nhiều việc mình làm chưa tốt. Đơn cử như quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, TPHCM đã phê duyệt xong, đã phủ kín nhưng DN, người dân vẫn phải đi xin, thậm chí là “chạy”. Trong tháng 4, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải công khai toàn bộ quy hoạch cho DN và người dân biết”, ông Tuyến yêu cầu.

Không để chính quyền thành nỗi ám ảnh của DN

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho rằng trên bảng xếp hạng tuy chỉ số về chi phí không chính thức (lót tay) tăng không cao nhưng với một đô thị đặc biệt như TPHCM cần kiểm soát chặt chẽ. Các sở ban ngành phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại và lắng nghe người dân, DN.

“DN, người dân cần gì thì mình phải giải quyết ngay, như vậy người ta mới an tâm. Mình cũng vận động DN nếu gặp vấn đề gì thì phải liên hệ với lãnh đạo để được giải quyết, thay vì bỏ tiền ra chạy chọt… làm hư hỏng cán bộ. Có như vậy mới xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh”, ông Tuyến nói.

Để cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, khôi phục vị thế dẫn đầu, lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng cần đẩy nhanh các dịch vụ công trực tuyến, mời gọi các DN tham gia làm dịch vụ hỗ trợ có thu phí. Hiện nay, quận 1 đang làm thí điểm. Thay vì trực tiếp làm, DN, người dân có thể nhờ dịch vụ, vừa giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, vừa hạn chế sự tiếp xúc giữa DN, người dân và cán bộ, góp phần hạn chế tiêu cực, nâng cao công khai, minh bạch.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết sắp tới TPHCM sẽ thành lập trung tâm khởi nghiệp hỗ trợ và hướng dẫn DN khởi nghiệp làm ăn. Ngay trong tháng 4, TPHCM sẽ xúc tiến việc liên kết, hợp tác với một tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp về xúc tiến đầu tư thành lập một trung tâm tư vấn để hỗ trợ các DN nước ngoài muốn đến thành phố đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư phải tự chạy thủ tục, là nguyên nhân phát sinh những chi phí “đen”.

“Giảm dần chi phí không chính thức bằng cách gây dựng lòng tin để DN tìm đến với chính quyền và luôn cảm thấy chính quyền là chỗ dựa, là nơi đáng tin cậy để phát triển làm ăn chứ không được để cơ quan chính quyền trở thành nỗi ám ảnh của DN”, ông Tuyến lưu ý.

Sắp có “PCI made in TPHCM”

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển xây dựng bảng khảo sát môi trường đầu tư đặc thù của TPHCM. Các chỉ tiêu đánh giá dựa trên cơ sở nền tảng như PCI và tập trung vào những hạn chế yếu kém. Mỗi năm, TPHCM sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá và công bố 2 lần (thay vì 1 lần/năm như PCI) để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những yếu tố cản trở môi trường đầu tư.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.