Nợ xấu dồn toa cửa thi hành án

Dù hai ngành Ngân hàng và Tư pháp đã bắt tay nhau nhưng xem ra nhiều vụ “nợ xấu” vẫn dồn toa chưa xử lý được. Ảnh: Trần Việt.
Dù hai ngành Ngân hàng và Tư pháp đã bắt tay nhau nhưng xem ra nhiều vụ “nợ xấu” vẫn dồn toa chưa xử lý được. Ảnh: Trần Việt.
TP - Chiếm đa số trong các khoản vay và dính đến nợ xấu của các ngân hàng đều có tài sản thế chấp (hay còn gọi là tài sản bảo đảm). Tuy nhiên, việc xử lý không dễ nếu gặp phải khách nợ chây ỳ… Chưa kể, nhiều vụ việc đang “dồn toa” tại cửa tòa hay thi hành án.

Ngân hàng thay công an, thám tử

Giữa năm 2014, liên Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ký ban hành Thông tư liên tịch số 16 (204/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN), hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm. Thông tư này được Cty Quản lý tài sản (VAMC) và ngân hàng kỳ vọng giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, ngay lập tức VAMC cũng như giới ngân hàng khá sớm thất vọng, vì quy định về việc bắt buộc thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) không được đề cập đến trong văn bản này.

Theo VAMC và các ngân hàng, trên thực tế, một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất trong quá trình xử lý nợ xấu là xử lý, thu hồi  TSBĐ. Thống kê của NHNN chi nhánh Hà Nội cho thấy, tổng nợ xấu mà 13 ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính (tại Hà Nội được NHNN giao xử lý hoàn thành trước 30/9/2015, trừ GPBank) là: 30.778 tỷ đồng. Đại diện NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, năm 2014 tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản chiếm tỷ lệ tới 91%. Cũng do khâu xử lý TSBĐ bị vướng mắc, tốc độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng bị “chặn” lại. Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội Phạm Thị Hằng đơn cử: Hiện có 70% khoản vay thế chấp bằng BĐS, nhưng rất khó xử lý. “Dù trong hợp đồng giữa ngân hàng với khách hàng đã được công chứng có điều kiện (ngân hàng) toàn quyền xử lý tài sản (khi khách hàng không trả được nợ). Nhưng thực tế, ngân hàng không thể thực hiện thu giữ TSBĐ do đa phần khách hàng bỏ trốn hoặc không có mặt tại địa điểm có TSBĐ”- bà Hằng nói. 

Trưởng phòng thu hồi nợ Vietcombank Chu Châu Hạnh nói: “Dù hồ sơ dày cả trăm trang, cam kết ký rõ ràng, nhưng nhiều khi chúng tôi buộc phải làm nghiệp vụ thay cả cơ quan điều tra. Để khởi kiện khách hàng chây ỳ hằng năm không  trả nợ, chúng tôi phải gửi đơn đến tòa và phải ghi rõ địa chỉ của khách quỵt nợ để có căn cứ gửi trát gọi tới. Nhưng khách như chim trời, cá nước, cứ vài tháng thay một địa chỉ. Cán bộ ngân hàng kiêm nghiệp vụ công an, thám tử đi tìm chỗ ở”.

Những điểm “nghẽn”

Theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án dân sự, Cơ quan Thi hành án (THA) phải có kế hoạch cưỡng chế. Dù Thông tư 16 ra đời nhằm gỡ vướng cho ngân hàng trong xử lý TSBĐ, nhưng ngay trong phần hướng dẫn thu hồi lại thiếu vắng công an tham gia. “Nếu chính quyền địa phương và công an không phối hợp, việc cưỡng chế không thể thực hiện được. Điều đó gây khó cho chúng tôi và hình ảnh ngân hàng bị xấu” - đại diện Phòng xử lý nợ một NHTM cổ phần chia sẻ. Theo vị này, cán bộ ngân hàng thu nợ nhiều khi là phụ nữ, mời công an đến chứng kiến thì họ chỉ đứng từ xa.

Liên quan đến điểm “tắc nghẽn” xử lý TSBĐ trong THA, một đại diện Sacombank chi nhánh Vĩnh Long chỉ ra: Thực chất những món nợ chuyển qua THA đều chưa xử lý được, do vướng những quy định liên quan. Ví dụ nhiều trường hợp tới THA định giá lần thứ 16 vẫn chưa bán tài sản được. Một số trường hợp người phải THA rất hợp tác với ngân hàng muốn làm nhanh và đề xuất biên độ giảm giá 10%, nhưng cơ quan THA  chỉ cho biên độ giảm giá 5%. Do vậy dù có giảm đến 10 lần vẫn chưa bán được mảnh đất. Trước bất cập đó, vị này kiến nghị: “Đối với những trường hợp phải THA, nhất là những trường hợp không hợp tác. Ví dụ khi đến kê biên có đầy đủ thành phần, nhưng chủ nhà khóa cửa không cho vào, cần có biện pháp chế tài để buộc bên phải THA thực hiện. Trường hợp giữa bên THA và bị THA  thống nhất thỏa thuận được biên độ giảm giá, nên chấp nhận theo tỷ lệ đó để đẩy nhanh tiến độ hơn”.

Trong cuộc họp với Tổng cục THA mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết: 6 tháng đầu năm 2015, VAMC đã thu hồi được 6.450 tỷ đồng qua mua nợ từ các tổ chức tín dụng; xử lý thu hồi nợ xấu (của các tổ chức tín dụng) thông qua thi hành án (THA) dân sự. “VAMC đạt được kết quả, phần lớn là do công tác tổ chức THA thời gian qua có sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của Tổng cục THA dân sự. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vụ việc còn tồn đọng”- ông Hùng đề xuất.

Trước thực tế xử lý nợ xấu vướng các vấn đề pháp lý, Giám đốc NHNN Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương, đề xuất: Chính phủ, sớm chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 163/CP về giao dịch bảo đảm theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công an, UBND nơi tiến hành thu giữ TSBĐ trong việc phối hợp với các tổ chức tín dụng và VAMC thu giữ TSBĐ để giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý hơn.

Báo cáo khảo sát của Bộ Tư pháp cho biết, tính đến hết ngày 30/9/2014, tổng số vụ phải thi hành án cho tổ chức tín dụng là 13.571, nhưng mới chỉ giải quyết xong 713 vụ. Tổng số tiền còn phải thi hành án là 34.800 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG