Nỗi lo WTO : Chỉ có 5% số luật sư đủ khả năng

Nỗi lo WTO : Chỉ có 5% số luật sư đủ khả năng
PGS. TS. Phạm Hồng Hải (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư (LS) Hà Nội) đã khẳng định như vậy khi nói về thực lực của gần 1.100 LS đang tham gia hoạt động trong Đoàn LS Hà Nội hiện nay.
Nỗi lo WTO : Chỉ có 5% số luật sư đủ khả năng ảnh 1
Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Phạm Hồng Hải

Điều đáng nói là trong số này có tới 36 tiến sĩ, hơn 50 thạc sĩ được đào tạo bài bản cả ở trong và ngoài nước, song theo ông Hải thì chỉ có khoảng 5% của số đó hội thủ đủ 3 yếu tố điều kiện "cần và đủ" để có khả năng tham gia "sân chơi" mới này. Con số trên buộc người ta không thể không suy nghĩ trong khi thời điểm Việt Nam (VN) được chính thức kết nạp vào WTO đang chỉ tính từng giờ.

3 yếu tố điều kiện "cần và đủ" mà ông Hải nhắc đến bao gồm: trình độ ngoại ngữ (được đưa lên hàng đầu), tiếp đó là khả năng hiểu biết về Luật quốc tế (kiến thức, trình độ về các lĩnh vực pháp luật quốc tế và những vấn đề có liên quan), cuối cùng là kỹ năng hành nghề (kỹ năng soạn thảo, đàm phán, thỏa thuận trao đổi với các đối tác, phong cách, đạo đức LS...).

Thêm vào đó, trong số 5% ít ỏi này lại tập trung chủ yếu là giới LS trẻ, được đào tạo đầy đủ, có ý chí vươn lên, được "cọ xát" nhiều với các kiến thức pháp lý quốc tế... Đây chính là điểm "yếu" của những LS thuộc tầng "trung niên" ở VN.

Hạn chế về trình độ ngoại ngữ, khả năng tiếp thu nhanh nhạy và thậm chí ngay cả ý chí tự trao dồi nghiệp vụ cho bản thân... làm những LS này gặp không ít khó khăn, trở ngại. Bấy lâu nay, chính việc LS VN ít được "va đập" với thị trường pháp lý ở ngoài nước đã khiến giới LS nói chung khi tham gia vào các quan hệ thương mại quốc tế sẽ trở nên lúng túng và non kém về kinh nghiệm.

Đơn cử như trong tranh chấp thương mại quốc tế, khi cần thiết phải đưa ra 1 luật cứ chứng minh cho quan điểm của mình, LS VN chắc chắn sẽ khó khăn khi phải trích dẫn các án lệ, văn bản quy phạm hoặc như các thông lệ sở tại trước đây... bởi lẽ họ đâu có nhiều cơ hội được tiếp xúc, làm quen để có thể vận dụng tốt.

Ông Hải cho rằng, hiện tại giới LS VN còn chưa quen với những phương pháp làm việc đó, do "chính cơ chế tranh tụng ở VN khiến cho vị trí vai trò của LS còn rất mờ nhạt và chưa được coi trọng đúng mức, gây khó khăn cho hoạt động bào chữa của LS".

Vì vậy, các LS VN hình thành một tâm lý chung là ỷ lại, ỷ lại không cần tự nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề, ỷ lại việc sử dụng ngoại ngữ lâu nay ít được dùng đến... thậm chí ỷ lại ngay chính khi tự đưa ra lý lẽ, viện dẫn biện chứng của mình tại các phiên tòa.

Với cách thức này, nếu các LS VN không thay đổi quan niệm, không tự học hỏi vươn lên thì không chừng về sau sẽ có nhiều LS nước ngoài giỏi pháp luật VN, giỏi thuật ngữ pháp lý VN... hơn chính các LS VN(!).

Không phải là không có cách

LS trẻ Nguyễn Hồng Bách (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng: tới thời điểm này, trên thực tế các doanh nghiệp nước ngoài không có nhiều thông tin về hoạt động và khả năng của giới LS VN. Tuy nhiên, họ cũng không thể trực tiếp thuê LS nước ngoài tham gia vào các quan hệ thương mại tại VN do Luật quy định LS nước ngoài chưa được quyền tham gia tư vấn pháp luật VN.

Như vậy, trong thời gian đầu, sẽ vẫn tồn tại trình trạng như trước đây là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thuê LS VN thông qua đại diện các văn phòng, công ty Luật nước ngoài có thương hiệu tại VN. Nhu cầu trước mắt không nhiều nên bản thân các LS nước ngoài chưa cần mở nhiều văn phòng đại diện tại VN.

Ngược lại, bản thân các LS VN cũng chưa thể trực tiếp nhận được khách hàng là người nước ngoài mà hầu hết đều phải thông qua các văn phòng LS nước ngoài. Đây là cơ hội "kéo dãn" thời gian tự nâng cao trình độ, trau dồi ngoại ngữ, cập nhật thông tin... cho các LS VN cho dù trước đây bị bỏ lỡ khá lâu.

Theo LS Sesto E. Vecchi (Trưởng Chi nhánh Công ty Luật Russin & Vecchi của Mỹ tại VN), khi VN chính thức trở thành thành viên của WTO thì các giao dịch sẽ ngày càng đa dạng hơn, phức tạp hơn hướng tới những chuẩn mực quốc tế. Lúc ấy, vai trò của LS nước ngoài sẽ trở nên rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho những giao dịch này hoạt động theo "hành lang" chuẩn mực chung của quốc tế.

Còn đối với LS VN sẽ có điều kiện mở rộng tiếp xúc, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực hành luật, làm quen với những giao dịch có liên quan đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Dần dần, LS VN sẽ thích ứng với lĩnh vực tư vấn trên các khía cạnh của pháp luật quốc tế trong mối quan hệ với pháp luật VN. Giống như LS Phạm Hồng Hải, ông Sesto E. Vecchi cũng cho rằng: "Về độ thông minh, nhanh nhạy thì LS VN có đủ, nhưng bên cạnh đó vẫn gặp một số trở ngại về ngoại ngữ, khả năng diễn đạt thuyết phục...".

Bên cạnh đó, LS VN còn bị bó hẹp trong khuôn khổ pháp lý VN mà chưa nhìn nhận xa hơn với lĩnh vực pháp lý quốc tế nên chưa thể quen với 1 số khái niệm, thuật ngữ. Mà những khái niệm, thuật ngữ đó trong quan hệ thương mại quốc tế lại có rất nhiều nên LS VN cần phải có thời gian mới thích ứng được với lĩnh vực còn hết sức mới mẻ này.

Điển hình là trong tố tụng, các LS cần nâng cao kỹ năng thuyết trình, khả năng thuyết phục, nhiều lúc phải đóng vai vào những tình huống cụ thể... "Khá khó khăn đấy, nhưng tôi nghĩ là họ trẻ và khá năng động, chắc chắn họ có thể tiếp thu rất nhanh những kiến thức mà họ còn thiếu", ông Sesto E. Vecchi nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG