Đại hội cổ đông ngân hàng 2014:

“Nóng” chuyện thay tướng

Sau đại hội, nhiều ngân hàng hướng đến mục tiêu đạt lợi nhuận tốt
Sau đại hội, nhiều ngân hàng hướng đến mục tiêu đạt lợi nhuận tốt
TP - Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm 2014 sắp đi vào hồi kết. Nhìn lại những diễn biến đã qua, ngoài tâm điểm là câu chuyện mua bán sáp nhập giữa các nhà băng lớn nhỏ với nhau, còn nổi bật lên câu chuyện “thay” tướng lĩnh tại một số ngân hàng. Đây có thể xem như một bước “đệm” để giới ngân hàng chuẩn bị đón nhận những thay đổi từ áp lực tái cơ cấu nền kinh tế và hệ thống.

Làn sóng thay tướng lĩnh

Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, hàng loạt ngân hàng đã tiến hành thay “tướng” cho các vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, về cơ bản các “tướng lĩnh” mới này đều là những gương mặt quen trong giới tài chính ngân hàng.

Đơn cử: tại ĐHCĐ, Ngân hàng Sacombank đã thông qua đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Phạm Hữu Phú, thay vào vị trí của ông Phú là ông Kiều Hữu Dũng. Dù đứng ở vị trí mới, song ông Dũng lại không xa lạ gì ở Sacombank khi đang là Phó Chủ tịch HĐQT (thành viên HĐQT độc lập) của nhà băng này.

Về phía ông Phạm Hữu Phú, sau 2 năm làm nhiệm vụ đặc biệt tại Sacombank khi là người đại diện phần vốn của Ngân hàng Eximbank trong đợt chuyển giao quyền lực vào năm 2012. Trở về với Eximbank, ông Phú trúng cử vào “ghế nóng” là Phó Chủ tịch HĐQT đồng thời kiêm thêm vị trí Tổng giám đốc Eximbank thay cho ông Nguyễn Quốc Hương từ nhiệm. Cũng tại Eximbank, ông Lê Hùng Dũng đã đến tuổi nghỉ hưu và không còn là đại diện phần vốn của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), nhưng ông Dũng vẫn được đề bạt và tiếp tục là Chủ tịch HĐQT.

Một trong những sự thay đổi nhân sự đáng chú ý trong làn sóng thay tướng lần này là sự ra đi của Chủ tịch HĐQT Vietinbank ông Phạm Huy Hùng do đến tuổi nghỉ hưu. Theo đó, những thủ lĩnh mới sẽ dẫn dắt Ngân hàng TMCP Công Thương VN – Vietinbank là ông Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1973, là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietinbank) giữ chức Chủ tịch HĐQT, và ông Lê Đức Thọ giữ chức Tổng giám đốc ngân hàng nhiệm kỳ 2014-2019. Với cả Vietinbank và giới ngân hàng, sự đổi ngôi này đều không quá bất ngờ bởi cả ông Nguyễn Văn Thắng và ông Lê Đức Thọ, đều vốn dĩ là những người “cứng” trưởng thành từ ngân hàng này đi lên.

Tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đã chấp thuận việc ông Phạm Văn Bự - Chủ tịch HĐQT ngân hàng thôi nhiệm và không tham gia HĐQT DongABank. Thay cho vị trí của ông Bự là một nhân vật khá quen thuộc trong giới tài chính là ông Cao Sỹ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Trước đó ông Cao Sỹ Kiêm từng tham gia vào HĐQT DongABank từ năm 2012 với vị trí thành viên độc lập.

Hiện tại nhiều ngân hàng khác cũng đã có sự thay đổi tương tự, chẳng hạn như tại KienLongBank, ông Trần Phát Minh rời ghế Chủ tịch HĐQT và thay vào đó là ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng). Ông Nguyễn Đoan Hùng- Phó chủ tịch UBCK tham gia vào HĐQT ở Techcombank. Ở NamABank, ông Nguyễn Quốc Toàn thay cho bà Nguyễn Thị Xuân Loan ở vị trí Chủ tịch HĐQT. Bên cạnh đó, những vị trí khác trong HĐQT và Ban điều hành của hàng loạt ngân hàng đều có sự thay đổi ít nhiều.

Lợi nhuận 2014: chỉ tiêu cao hay thấp?

Lợi nhuận 2013 của nhiều ngân hàng không mấy sáng sủa. Nhiều đơn vị nếu trích lập dự phòng đầy đủ sẽ bị thua lỗ, mất vốn. Kéo theo sau làn sóng thay đổi nhân sự vị trí chủ chốt là kế hoạch bức tranh lợi nhuận chỗ lạc quan nơi thì thận trọng.

“Nóng” chuyện thay tướng ảnh 1

Đầu năm 2014, Southernbank gây chú ý khi xin sáp nhập vào Sacombank với kế hoạch hoàn tất trong năm nay. Mặc dù được đánh giá là hoạt động kém hiệu quả trong năm qua khi quý cuối năm 2013 lỗ gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên trong kế hoạch kinh doanh năm mới, Southernbank lại gây chú ý lần nữa với lợi nhuận trước thuế dự kiến 360 tỷ đồng so với mức đạt được là 18 tỷ đồng năm 2013. Đây cũng là kết quả mà nhiều cổ đông của Phương Nam tỏ ra không hài lòng khi kế hoạch đầu năm là 560 tỷ đồng và cũng là năm tiếp theo họ không có cổ tức.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn tỏ ra lạc quan với kế hoạch lợi nhuận cao hơn năm trước. Đơn cử: Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 250 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với 2013; Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam – PVcomBank (được sáp nhập từ từ PVF và WesternBank) đặt mục tiêu lợi nhuận 129 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng chưa niêm yết khác như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đặt kế hoạch với mức tăng trưởng mạnh.

Ở những “ông lớn” mức lợi nhuận 2014 được dự tính như sau: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank là 5.500 tỷ đồng; Vietinbank kế hoạch là 7.280 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2014. BIDV kế hoạch là 6.000 tỷ đồng. Trong số những ngân hàng TMCP, Eximbank đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh với mức lợi nhuận trước thuế là 1.800 tỷ đồng, so với con số thực hiện năm 2013 là 828 tỷ đồng.

Trong báo cáo triển vọng năm 2014 của CTCK Vietcombank (VCBS), nhóm nghiên cứu cho rằng ngành Ngân hàng chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trong các ngành niêm yết sẽ có kết quả khả quan hơn trong 2014 so với 2013 nhờ tín dụng sẽ cải thiện, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12-14% có nhiều khả năng hoàn thành. Tuy nhiên bài toán nợ xấu, tái cấu trúc ngành, giảm sở hữu chéo sẽ là những vấn đề tiếp tục cần phải giải quyết đối với ngành Ngân hàng. VCBS cho rằng với việc Thông tư 02 có sự điều chỉnh phù hợp trước khi chính thức được áp dụng sẽ làm giảm áp lực gia tăng nợ xấu so với dự tính ban đầu.

Trong những năm gần đây các vị trí chủ chốt của các ngân hàng được liên tục thay đổi. Những người nắm giữ cương vị mới hầu hết đều là người quen thuộc trong giới tài chính. Trước khi về bến đỗ mới họ đều đã kinh qua các vị trí tương tự ở những ngân hàng khác hoặc gia tăng kinh nghiệm. Trước áp lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, việc thay đổi nhân sự cấp cao càng được đẩy mạnh hơn trong mùa đại hội thường niên 2014 này. Theo các cổ đông, những người điều hành mới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn mới.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.