Nông dân Khmer giúp nhau thoát nghèo

Nông dân Khmer giúp nhau thoát nghèo
TP - Xã Thanh Sơn (Trà Cú, Trà Vinh) có hơn 700 gia đình dân tộc Khmer. Nhiều hộ đã giúp nhau thoát nghèo.

Anh Kim Siên ở ấp Sóc Chà, lập gia đình năm 1984, tài sản riêng chỉ có 4 công ruộng làm lúa cho năng suất thấp. Theo mùa vụ, người vợ tảo tần buôn bán rau cá ở chợ, anh Siên trồng rau. Tiết kiệm, mua thêm đất, đào mương nuôi cá, lên liếp trồng cây ăn trái.

Cá dưới ao, xoài, cam, bưởi trên liếp, heo, gà thả vườn, còn 2 vụ lúa và 1 vụ bắp lai thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm. Khi khá giả, anh Siên giới thiệu kinh nghiệm cho trên 100 người học tập, giúp 20 hộ trong xã sản xuất có hiệu quả.

Băng qua cánh đồng đất nứt nẻ còn trơ gốc rạ cháy khô dưới cái nắng hè nóng bức, tôi đến căn nhà tường nằm giữa cánh đồng mênh mông mà anh Thạch Sa Ron vừa xây xong. Gia đình anh Sa Ron lúc mới thành vợ chồng chỉ có 3 công ruộng, năng suất thấp, để trang trải cuộc sống hàng ngày, anh Sa Ron đi làm thợ mộc.

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của anh Siên, anh Sa Ron đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo mô hình VACR. Thu nhập hàng năm của anh hơn 30 triệu đồng. Năm ngoái, cất nhà xong anh mua 1 con bò cái về nuôi, nay đã thêm 1 con bê. Anh còn sang nhượng được 11 công đất.

Không chỉ anh Thạch Sa Ron mà nhiều láng giềng như anh Sét, anh Dết, Kim Đel, Val, Hùng, Trần Lan, chị Kim Thị Xinh… học kinh nghiệm nuôi cá, heo, trồng rau của anh Siên đã trở nên khá giả. Xã Thanh Sơn đã có 270 hộ thực hiện mô hình tiên tiến và  hơn 50% số hộ có thu nhập mỗi năm 30 triệu đồng trở lên.

Trước đây, tôi đến các ấp trong xã Thanh Sơn vào mùa mưa, xe hai bánh không thể lưu thông vì bùn lầy. Nay đường đi đã được bê tông hóa. Anh Kim Siên cùng bà con trong xã vừa góp tiền và công sức xây dựng chiếc cầu xi măng trị giá 25 triệu đồng. Anh Kim Siên vừa được Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng tặng một chiếc máy cày.

MỚI - NÓNG