Nông dân khó vay vốn: Ngân hàng Nhà nước nói gì?

TP - Trao đổi với Tiền Phong chiều 9/4, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, liên quan đến trường hợp hai nông dân tại Long An và Bắc Giang “kêu khó” về không vay được vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng cử cán bộ xem xét làm rõ. Tới đây, NHNN sẽ mời các ngân hàng thương mại có liên quan tới làm việc, tiếp tục xem xét tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Theo đại diện NHNN, cái khó hiện nay là các hồ sơ vay của các nông dân này qua thẩm định không thể đáp ứng những quy định của ngân hàng trong cho vay tín dụng. “Không phải các ngân hàng không cố gắng tạo điều kiện nhưng nếu không đủ không đáp ứng điều kiện tín dụng mà cán bộ ngân hàng cố tình cho vay, sau này thành nợ xấu, ngân hàng mất vốn, ai sẽ chịu trách nhiệm”, vị này nói.

Liên quan đến câu chuyện vốn cho tín dụng nông nghiệp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, hiện, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế. Riêng tốc độ tăng trưởng vốn cho vay lĩnh vực tam nông đạt khoảng 20% (tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 7%).

Cụ thể, cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, dư nợ đến nay đã đạt 36.000 tỷ đồng với gần 6.400 khách hàng vay, trong đó chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng.Một số chương trình tín dụng lớn về cho vay phát triển thuỷ sản, đánh bắt xa bờ cũng đã được các ngân hàng vào cuộc tích cực, với khoảng 10.700 tỷ đồng đã được triển khai ở Chương trình 67.

Liên quan đến lãi suất, Phó Thống đốc Tú cho biết, lãi suất cho vay nông nghiệp đến nay đã giảm hơn 1 nửa so với đầu năm 2013, từ 14% xuống về dưới 6,5%. Đây là điều tích cực nhằm giảm lãi suất cho vay, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, hộ nông dân.

Liên quan đến việc người dân gặp khó không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, lý do theo đại diện NHNN  là bởi tính minh bạch thông tin. “Chính vì thông tin không minh bạch rõ ràng nên các ngân hàng không thể cho vay, bởi rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

MỚI - NÓNG