Nuôi cá lồng sông Bứa (Phú Thọ):

Nông dân tự tìm lối thoát

TP - Dân nuôi cá lồng sông Bứa (Tam Nông, Phú Thọ) đang loay hoay tìm lối thoát cho nghề trước nguy cơ sa lầy trong nợ nần sau cơn lũ lịch sử hậu bão số 3. Trong khi đó, chính quyền và cơ quan chức năng lúng túng từ chỉ đạo đến thực thi.
Nông dân tự tìm lối thoát ảnh 1

Hàng chục hộ dân Quang Húc vẫn phải “đâm lao” với nghề cá lồng sông Bứa khi nợ nần chồng chất

Mưa và lũ lớn từ hậu hoàn lưu cơn bão số 3 đã tàn phá hoàn toàn 156 bè nuôi cá lồng trên sông Bứa đoạn chảy qua xã Quang Húc, huyện Tam Nông. Xã nghèo Quang Húc được xem đã gặp đại họa khi hơn 20 hộ dân bị “sa lầy” trong nợ nần vì thiên tai. Chỉ sau một đêm khi lũ tràn về, hộ bị thiệt hại ít nhất khoảng vài trăm triệu đồng, hộ nhiều nhất khoảng 10 tỷ đồng. Tiền (hầu hết được vay từ các ngân hàng để đầu tư nuôi cá) đã trôi theo lũ.

Sông Bứa vốn hiền hòa nhiều năm qua, bỗng dưng có lũ bất thường khiến người dân không kịp trở tay khi tất cả lồng bè vỡ tan và cá chết hết. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy có mặt ngay sáng hôm sau, thị sát hiện trường và chỉ đạo khắc phục thiệt hại. Mẫu cá chết được đưa đi phân tích. Sau hơn hai tuần, cơ quan khoa học của Sở TN&MT Phú Thọ mới có kết quả phân tích nhưng… không thể kết luận nguyên nhân cá chết. Đây cũng là điều bức xúc và bất an trong tâm lý người dân khi tiếp tục khôi phục làng nghề. 

“Hàng chục hộ đã theo anh Đăng dấy lên phong trào nuôi cá lồng, sổ đỏ, nhà cửa cắm ngân hàng hết rồi. Chả ai biết năm sau có lũ lớn nữa không, lũ về thì làm thế nào. Nhiều người cũng đã đi tìm hồ dự phòng chứa cá, ngân hàng thì chả biết có dám tiếp tục cho vay nữa không khi mà tài sản thế chấp của dân quá hạn chế…”. 

Nguyễn Quang Học 

người dân Tam Nông 

nuôi cá Lồng sông Bứa

“Chúng tôi chưa biết nên làm thế nào nếu năm tới lại bất ngờ xảy ra lũ lớn. Giờ bà con đã dựng lại bè, vay tiền đầu tư cá giống đưa xuống sông. Vẫn chưa có văn bản nào kết luận vì sao cá chết gửi về xã. Người thì nói cá bị sặc bùn, người khác lại nói cá nhiễm độc tố từ bùn tràn về do mấy cái đập ở thượng lưu bị vỡ. Chưa rõ thế nào”, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quang Húc, người cũng có bè cá bị thiệt hại (khoảng 1 tỷ đồng), nói.

Anh Nguyễn Minh Đăng (sinh năm 1989) là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư nửa tỷ đồng nuôi cá lồng sông Bứa cách đây ba năm. Năm ngoái có lãi 2 tỷ đồng, anh vay tiền mở rộng sản xuất với 56 lồng cá (gần 15 tỷ đồng) và đến đầu năm nay thì trắng tay hoàn toàn vì lũ. Dù ngân hàng đồng ý giãn nợ (3 tỷ đồng), các đối tác cung cấp thức ăn (khoảng 7 tỷ đồng) cũng chia sẻ khó khăn cho lui nợ cũ, tiếp tục bán chịu thức ăn cho cá, nhưng anh đã nhiều phần “chim sợ cành cong” với món nợ.

Quyết không bỏ nghề, anh Đăng đưa một nửa số lồng vào hồ trong đê, với toan tính nuôi lớn đến khi sắp vỗ thịt thì sẽ đưa ra sông, rồi sẽ bán vội trước mùa lũ năm sau (tháng 7) khi mà diêu hồng, lăng mới chỉ đạt 2-2,5kg (nếu nuôi thêm vài tháng nữa sẽ đạt 5-6kg/con). “Phải tự cứu mình trước khi đợi chính quyền. Tôi không còn cách nào để trả nợ và phát triển sản xuất”, anh Đăng ngậm ngùi.

Không chỉ nguy cơ thiên tai, ngay cả tính chất pháp lý trong “Dự án nuôi cá lồng sông Bứa” của huyện Tam Nông được tỉnh Phú Thọ phê duyệt cũng chưa tính hết khi bắt đầu có tranh chấp diện tích mặt nước giữa các hộ dân.

Ông Bùi Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện, cho biết đã kiến nghị lên UBND tỉnh và một số sở chức năng khẩn trương xem xét, có biện pháp và chỉ đạo cụ thể để tiếp sức bền vững cho một làng nghề mới ở vùng sơn cước này. Hiện tại tỉnh đã chỉ đạo tạm khoanh lại số lồng bè vì lo rằng mật độ dày đặc, còn nguyên nhân cá chết vừa qua “có lẽ là do sặc bùn!”. Một lãnh đạo khác của huyện này kết luận: Việc đề phòng, cảnh giác còn chủ quan, chưa lường hết diễn biến phức tạp của bão lũ, khi lũ lớn xảy ra thì còn lúng túng trong việc huy động lực lượng, sơ tán các lồng cá; phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu hộ còn thiếu dẫn đến thiệt hại về kinh tế.

“Lũ lớn dồn về, cứ vài phút, nước đã dâng đến 15cm, bè mảng vỡ trôi bị cơn hồng thủy đập phá kinh hoàng, đến chạy lấy người còn mong cho kịp, nói chi cứu của”, một người dân kể lại với PV Tiền Phong…

Chủ tịch xã Nguyễn Văn Đông vừa lo lắng cho dân, cho chính gia đình ông khi cũng đổ tiền nuôi cá chỉ còn biết làm theo khuyến cáo của huyện, của tỉnh với tâm lý vừa lúng túng, vừa hy vọng cho vùng đất khó đổi đời bằng nghề cá lồng trên đất quê hương.

MỚI - NÓNG