Nông sản ế là lỗi chỉ đạo chạy theo số lượng

"Giải cứu" su hào, củ cải cho nông dân Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
"Giải cứu" su hào, củ cải cho nông dân Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Chính phủ làm gì để nông sản không tồn đọng, mất giá, không phải giải cứu?” là câu hỏi nổi cộm nhất trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân hôm qua, 9/4. Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam cho rằng, trả lời được câu hỏi “đầu ra cho nông sản” sẽ giải quyết được hầu hết các vấn đề hóc búa của tam nông. Tuy nhiên, cần một sự thay đổi quyết liệt của Chính phủ, trước hết là tư duy, tầm nhìn chiến lược.

Tư duy quản lý nhà nước không tiến xa bao nhiêu

Ông đánh giá thế nào trước đề nghị khẩn thiết của nông dân về việc Chính phủ cần có hành động cụ thể giúp họ tiêu thụ nông sản hiệu quả, được giá, không còn phải “giải cứu” liên tục ?

“Giải cứu” là vấn đề bình thường vì bản chất của nông sản là vậy. Các nước phát triển cũng có những vụ cà chua, hay sữa bò phải giải cứu. Nhưng nếu phải giải cứu liên tục, quy mô lớn là có vấn đề.

Hàng chục năm qua, chúng ta đã tập trung hô hào sản xuất mà không lo khâu tiêu thụ. Gần đây, chúng ta cũng có một số mô hình khuyến khích sản xuất theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu dùng nhưng chưa đủ để thay đổi bản chất vấn đề.

Về tư duy chỉ đạo của nhà nước, dù có ai đó phật ý nhưng cũng đến lúc phải nói thẳng ra rằng, người nông dân không nhanh nhạy, còn tư duy quản lý nhà nước cũng không tiến xa hơn bao nhiêu. Trong 30 năm qua, kể từ thời kỳ Đổi mới, chúng ta vẫn chủ yếu điều hành sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch, mà không theo tín hiệu thị trường. Vì thế, để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, việc quan trọng nhất của Chính phủ là thay đổi tư duy điều hành từ đốc thúc trồng trọt, chăn nuôi cho đủ số lượng sang hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường; chuyển từ việc sản xuất kế hoạch sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Tất nhiên, đó phải là một tín hiệu thị trường có tổ chức, định hướng.

Vậy các biện pháp tổ chức, định hướng cụ thể mà nhà nước nên làm là gì, thưa ông?

Có rất nhiều việc để làm. Phương án phổ biến nhất mà các nước đang làm là tổ chức đơn vị, hợp tác xã thu mua ở địa bàn sản xuất; xây dựng chợ đầu mối, tạo điều kiện cho nông dân đấu giá, bán nông sản tại chợ đầu mối. Thứ hai, phải tổ chức cho nông dân nuôi trồng rải vụ (trải dài mùa vụ sản xuất, không tập trung một thời điểm - PV), chọn giống có thời gian chín trên cành dài ngày.

Đi kèm với đó là phát triển khâu bảo quản, chế biến. Nhiều người cho rằng, quy hoạch sản xuất tại Việt Nam không rõ ràng nên khó để nhà nước hỗ trợ bảo quản, chế biến, phát triển thị trường. Nhưng thực tế không phải vậy, người ta có thể biết ngay thanh long trồng ở đâu; vải, nhãn tập trung chỗ nào… Tuy nhiên, bên cạnh tổ chức quy mô lớn phải có các khu vực hỗ trợ vừa và nhỏ để tiến sát được với nông dân.

Nông sản ế là lỗi chỉ đạo chạy theo số lượng ảnh 1 Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam.

Danh hiệu hay thị trường?

Khi nông sản rớt giá, các nước thường bỏ tiền mua nông sản cho nông dân với giá có lãi, đây có phải là cách hỗ trợ đúng đắn, thưa ông?

Theo tôi nên hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất. Thay vì mua giá cao cho nông sản hãy hỗ trợ tiền mua giống, xây chợ cho nông dân vào bán nông sản mà không phải đóng phí.

Còn về điều tiết giá, nhà nước có thể lập quỹ bình ổn giá cho nông sản. Khi giá gạo cao, mỗi tấn thu 5.000 đến 10.000 đồng, khi giá xuống lại hỗ trợ ngược lại. Xăng dầu đã lập quỹ bình ổn giá thì gạo, cà phê, hạt tiêu cũng có thể bình ổn được.

Có ý kiến cho rằng, các chương trình hỗ trợ của nhà nước đối với tam nông dàn trải mà không tạo ra động lực, ý kiến của ông ra sao về vấn đề này?

Người ta vẫn nói câu “giúp ai đó hãy cho cần câu, đừng cho xâu cá”. Những đối tượng không có cá không thể tiếp tục tồn tại thì cho cá, còn lại phải tập trung cho cần câu. Nhìn lại các chương trình lớn cho tam nông như: Nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… thì số tiền cho tam nông không lớn. Nhưng đúng là có việc đầu tư chưa đúng, gãi chưa đúng chỗ ngứa. Chẳng hạn, nhiều nơi, bà con nói, họ không cần danh hiệu nông thôn mới mà chỉ cần con đường cho họ đi bán nông sản. Với sản xuất cũng vậy, lâu nay chúng ta quan niệm “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”, nhưng nền nông nghiệp thế giới đã thay đổi, giống quyết định toàn bộ các yếu tố phân bón, nước…

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, với người nông dân, thị trường đầu ra cho nông sản vẫn quan trọng nhất. Mỗi người nông dân không thể nắm được tín hiệu thị trường mà cần vai trò của Chính phủ dẫn dắt, tổ chức. Khi đầu ra đã rõ ràng, ổn định, nông dân sẽ quay lại tổ chức sản xuất hợp lý, tăng năng suất và chất lượng, từ đó đời sống của họ được nâng lên.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG