Nóng trả nợ

Nóng trả nợ
TP - Nỗi lo trả nợ công đang nóng bỏng châu Âu, rung rinh cả Nhật, Mỹ. Việt Nam không thể không lo âu, vì như một nhà kinh tế đã tiên lượng, nợ công đã cao sát ngưỡng cho phép mà khả năng trả nợ lại hạn hẹp.

Khả năng trả nợ phụ thuộc hai yếu tố chính: Thặng dư ngân sách và việc sử dụng vốn vay có hiệu quả. Ngân sách nhiều năm nay thâm hụt, ngày một lớn. Theo Bộ KH-ĐT, năm 2009 nếu tính hết các khoản chi, nước ta thâm hụt ngân sách có thể trên 10% GDP - “tỷ lệ quá cao, rủi ro lớn trong trả nợ”. Còn hiệu quả sử dụng vốn vay, hệ số ICOR tăng liên tục nhiều năm, năm 2009 lên đến 8 (các nước trong vùng chỉ 3 – 4), cho thấy nước ta sử dụng vốn vay hiệu quả chưa như mong muốn.

Một con số do Bộ Tài chính công bố, hiện nước ta có khoảng 5.000 dự án công chậm tiến độ. Chuyên gia tài chính trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam Martin Rama nói: Đó là tình hình chung với các dự án ở Việt Nam. Điều này thì người dân cũng dễ dàng nhìn thấy, nhiều công trình dang dở, kéo dài đã quá mốc hứa hẹn hoàn thành mà vẫn khó đoán thời điểm hoàn thành. Theo đó, vốn đầu tư cũng tăng lên rất lớn.

Vay nợ công của nước ta, Tiền Phong hôm 15-5 cho biết, theo Bộ Tài chính, nợ công năm 2009 đã đến 41,7% GDP và dự báo năm nay còn tăng nữa. Có nhà nghiên cứu còn nêu con số: Nợ công của nước ta khoảng 25 tỷ USD nước ngoài, 25 tỷ USD trong nước, tức là tổng cộng đã hơn 50% GDP. Thế giới coi nợ công cỡ 50% GDP là đã gặp khó khăn về tài chính. Và nước ta còn vay rất nhiều vào những năm tới khi giới thiệu nhiều dự án quy mô nhỏ, đường sắt cao tốc Bắc - Nam hơn 56 tỷ USD, nhà máy điện hạt nhân hơn 10 tỷ USD… Việc sử dụng vốn nhiều nơi lại tùy tiện.

Khả năng trả nợ công với tình hình vay và sử dụng vốn như thế, không thể không lo lắng. Đối chiếu với nhiều nước phát triển đang tìm nhiều cách giảm thâm thủng ngân sách, nước ta càng lấy đó làm nỗi lo thường trực.

Thủ tướng mới của Anh khẳng định ngày 13-5, sẽ cắt giảm 9 tỷ USD trong tài khóa 2010 để hạ mức thâm hụt ngân sách 11,5% hiện nay. Bồ Đào Nha giảm 5% lương công chức, tăng các loại thuế để hạ mức thâm hụt ngân sách 9,4% năm 2009 xuống 4,6% cuối năm 2011. Pháp thực hiện “chính sách khắc khổ” để giảm 10% chi phí hoạt động của nhà nước.

Tây Ban Nha có “nỗ lực khác thường” để giảm chi tiêu 50 tỷ euro. Phần Lan, Đan Mạch cũng sẽ cắt giảm ngân sách “đau đớn nhất” trong lịch sử hiện đại. Rumani thâm hụt ngân sách chỉ chiếm 7,2% GDP, nợ công 30% GDP, nhưng đầu tháng 5 tuyên bố giảm 25% lương công chức, 15% lương hưu trí và trợ cấp thất nghiệp.

Khả năng trả nợ công liên quan mật thiết đến an ninh tài chính quốc gia. Nước ta sẽ thực hiện những biện pháp gì để hạ độ nóng trả nợ công? Câu hỏi đó luôn hối thúc những nhà quản lý cũng như những nhà hoạch định chiến lược tìm câu trả lời.

MỚI - NÓNG