Nữ tướng ở ngoài, nội trợ ở nhà

Bà Mai Kiều Liên (phải) cùng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao quà cho trẻ em nghèo huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đầu năm 2012 Ảnh: Đại Dương
Bà Mai Kiều Liên (phải) cùng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao quà cho trẻ em nghèo huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đầu năm 2012 Ảnh: Đại Dương
TP - Chủ tịch kiêm TGĐ Cty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk- VNM) là nữ doanh nhân đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vừa được tạp chí Forbes tôn vinh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Nhân ngày 8-3, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên (ảnh) có cuộc trò chuyện với Tiền Phong.

> Trò chuyện với nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Không theo xu hướng đám đông

Nữ tướng ở ngoài, nội trợ ở nhà ảnh 1

Thưa bà, yếu tố nào mang lại thành công của VNM cũng như cá nhân bà?

Yếu tố hàng đầu là chúng tôi làm việc hết sức mình. Thêm một yếu tố hết sức quan trọng là sự sáng tạo. Tức là không theo lối mòn, không theo xu hướng đám đông.

Nhiều khi mình đi ngược lại xu thế, nhưng vẫn làm khi thấy chắc chắn là mình làm đúng và hiệu quả. Tôi vẫn thường nói nói với các anh em quản lý ở VNM về trường hợp Steve Jobs của Apple. Chính vì sáng tạo nên ông ta mới thành công như ngày hôm nay.

Bà có thể chia sẻ về một số sáng tạo điển hình của VNM?

Ví dụ, năm 1988 khi Nhà nước bắt đầu chính sách mở cửa và giao quyền tự chủ cho các nhà máy thì xu hướng mọi người muốn tách ra.

Nhưng chúng tôi phản đối vì lúc đó vốn cực kỳ yếu, thay vì chia nhỏ ra, chúng tôi quyết định vốn năm nay tập trung cho anh này phát triển, năm sau đưa cho anh khác... nghĩa là vốn phải tập trung.

Đến bây giờ, sau mấy chục năm, chúng tôi vẫn thấy rất đúng. Nếu ngày đó đi theo xu hướng đám đông, hạch toán độc lập thì bây giờ mình tiêu rồi.

Ví dụ thứ hai, khi mở cửa, xu hướng thời đó là liên doanh, các tập đoàn nước ngoài cũng đến VNM đề nghị liên doanh nhưng chúng tôi dứt khoát không.

Điều kiện liên doanh lúc đó tương đối ngặt nghèo, bao giờ người ta cũng 70% và mình chỉ có 30% thôi. Thế thì mình còn gì nữa? Chúng tôi cười và bảo: “Chúng tôi xin được làm đối thủ cạnh tranh”. Nhờ có cạnh tranh thì mới có VNM ngày nay.

Bà Mai Kiều Liên (phải) cùng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao quà cho trẻ em nghèo huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đầu năm 2012 Ảnh: Đại Dương
Bà Mai Kiều Liên (phải) cùng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao quà cho trẻ em nghèo huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đầu năm 2012.  Ảnh: Đại Dương.

Có bao giờ bà và VNM phải trả giá?

Cũng có lúc. Cách đây chưa lâu, mọi người bảo bây giờ VNM có tiền, trừ ra khoản dự kiến đầu tư mở rộng theo kế hoạch 5 năm rồi thì nên mở rộng ra các ngành hàng thực phẩm khác.

Trên thế giới cũng ít tập đoàn nào chỉ làm một mình sữa, nên mình nghĩ cũng có thể mình trở thành tập đoàn thực phẩm, ngoài sữa ra còn có các ngành hàng thực phẩm khác.

Sau 2 năm đầu tư vào nhà máy sản xuất cà phê, thấy không có triển vọng thì tôi bán. Về tài chính mình vẫn có lời, nhưng nó cũng thể hiện là mình suy nghĩ chưa tới.

Tôi xem đó là một bài học mà mọi người nói “tất cả phải trở về với giá trị cốt lõi”, có nghĩa là nên tập trung vào chuyên sâu.

Ở nhà là nội trợ

Được bầu chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, bà cảm thấy mình có những quyền lực gì?

Tôi cảm thấy mình chả có quyền lực gì hết (cười). Tôi chỉ có mỗi quyền lực là làm sao lãnh đạo để VNM phát triển.

Trong lãnh đạo điều hành, bà chia sẻ quyền lực đó cho cấp dưới như thế nào?

Ở VNM, dưới tôi có các giám đốc điều hành, phụ trách từng mảng theo phân công và những người đó chịu trách nhiệm trước tôi về mảng đó. Dưới nữa có hàng ngũ giám đốc, anh em chia sẻ, ủy quyền cho nhau để thực hiện.

Nhưng tôi vẫn là người chịu trách nhiệm chính. Ủy quyền gì đi nữa nhưng khi có việc gì thì mình vẫn là người chịu trách nhiệm.

Đứng đầu DN trong rất nhiều năm và cũng nắm trong tay nhiều quyền lực, nhưng có lúc nào đó bà gặp khó khăn mà bà cảm thấy bất lực, mệt mỏi và chán nản muốn buông xuôi?

Tôi giữ chức TGĐ đến tháng 12 năm nay là đúng 20 năm. Tôi có đặc điểm càng khó thì lại càng cố làm cho bằng được chứ không buông xuôi, vì như vậy sẽ không có VNM như ngày nay.

Ở cơ quan bà là lãnh đạo, về nhà bà có áp dụng điều đó?

Không! Về nhà tôi là nội trợ (cười). Không thể đem cái ở cơ quan về nhà được. Tôi không có người giúp việc nhà, về một cái là mọi người lao vào việc nhà.

Vì tôi và chồng là bạn học cho nên dễ dàng cùng nhau chia sẻ, cùng nhau bàn, cùng nhau làm. Ông xã tôi có thể nấu cơm rất thoải mái, tôi có thể lau nhà rất vui vẻ.

Nhân 8-3, bà có thể chia sẻ một chút về gia đình?

Gia đình tôi rất bình thường, chúng tôi là bạn học từ thời phổ thông. Khi tôi sang Nga học thì ông xã ở Ba Lan.

Giờ có 2 con, một làm bác sĩ nội trú bên Mỹ, vừa rồi trúng học bổng sau tiến sỹ chuyên về tim mạch nhi. Còn một con gái chuyên về tài chính, ra trường đi làm 4 - 5 năm nay.

Forbes xác định “quyền lực” là tổng hợp của nhiều yếu tố như ý tưởng, năng lực, khả năng lãnh đạo, khả năng sinh lợi và nhân bản...

Doanh nhân “quyền lực” là người nắm vai trò quan trọng trong môi trường kinh doanh, họ hoặc là nhà sáng lập, hoặc người điều hành, “cầm cân nảy mực” trong một doanh nghiệp làm ăn có lãi, với doanh thu hằng năm tối thiểu 100 triệu USD.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNM Mai Kiều Liên (58 tuổi) được xem là người sáng lập và đưa thương hiệu VNM tới khắp châu Á.

Trước đó, VNM được Forbes ghi tên vào danh sách 200 công ty châu Á trị giá dưới 1 tỷ USD có tầm ảnh hưởng nhất vào năm 2010, ở vị trí thứ 31.

Bà Mai Kiều Liên sinh tại Pháp, học tập tại Nga. Trở về Việt Nam năm 1976, bà gia nhập Công ty Cà phê và Sữa miền Nam (tiền thân của VNM ngày nay).

Sau khi cổ phần hóa công ty vào năm 2003, bà trở thành Chủ tịch. Bà đặt mục tiêu đưa VNM lọt vào TOP 50 doanh nghiệp kinh doanh sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.

Đại Dương thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.