Nửa tỷ USD dự trữ thanh khoản cho 3 ngân hàng yếu kém

Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định tiền để xử lý các ngân hàng không lấy từ ngân sách. Ảnh: Kỳ Anh
Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định tiền để xử lý các ngân hàng không lấy từ ngân sách. Ảnh: Kỳ Anh
11.000 tỷ đồng là số tiền mà 3 nhà băng là OceanBank, GPBank và CB có sẵn để chi trả cho khách hàng khi cần, cũng như phục vụ việc mở rộng kinh doanh.

Thông tin trên được ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tiết lộ tại Hội thảo 3 năm nhìn lại quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu diễn ra chiều 5/10. 

Theo đại diện cơ quan thanh tra giám sát, sau khi được mua lại với giá 0 đồng, cả 3 ngân hàng đã bắt đầu có dự trữ thanh khoản trở lại và hoạt động tốt. 

Cụ thể, tại Ngân hàng Đại dương (OceanBank), nguồn dự trữ thanh khoản sẵn có theo ông Nghĩa là 7.000 tỷ đồng, tại Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) là 3.000 tỷ đồng còn tại Ngân hàng Xây dựng (CB) là 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền sẵn có tại 3 ngân hàng là khoảng 11.000 tỷ đồng, tương đương khoảng nửa tỷ USD.

"Đây là lượng sẵn sàng chi trả cho người dân và mở rộng theo phương án kinh doanh mới", ông Nghĩa cho biết.

Cũng tại hội thảo này, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ về nguồn tiền để xử lý 3 nhà băng yếu kém này. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết toàn bộ nguồn lực để xử lý, phục hồi các ngân hàng này đều không lấy từ ngân sách, mà chủ yếu từ 4 nguồn chính:

Đầu tiên là nguồn vốn do chính các nhà băng này huy động từ người dân và các tổ chức kinh tế. "Sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận 3 đơn vị này, dòng tiền gửi mới đã xuất hiện trở lại, chặn đứng mọi việc rút tiền hàng loạt, thanh khoản dự trữ trở lại", ông Nghĩa cho hay. Đây cũng là nguồn vốn mà theo vị lãnh đạo này là quan trọng và căn cơ nhất, hỗ trợ việc xử lý các nhà băng 0 đồng.

Nguồn thứ hai đến từ các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, tham gia điều hành 3 nhà băng 0 đồng. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, đây là nguồn lực về con người bởi Ngân hàng Nhà nước không sử dụng tiền của các ngân hàng thương mại này mà chỉ lấy nhân lực.

Nguồn vốn thứ ba được lấy từ số thu xử lý tài sản không sinh lời và nợ xấu của 3 ngân hàng. Cuối cùng là nguồn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước. "Trường hợp xấu nhất khi các nhà băng phá sản, Ngân hàng Nhà nước vẫn được trả nợ trước các nghĩa vụ khác. Các khoản cho vay đặc biệt hay tái cấp vốn này đều dựa trên cơ sở luật pháp là có vay có trả", ông Nghĩa khẳng định.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.