Nước mặn, hàng ngàn bè cá khốn đốn

Nước mặn, hàng ngàn bè cá khốn đốn
TP - Một cán bộ ở Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, hàng ngàn bè nuôi cá ở khu vực cồn Thới Sơn (huyện Châu Thành) và cồn Tân Long (TP Mỹ Tho) không có chỗ di dời để tránh nước mặn.

Ngành thủy sản Tiền Giang chỉ có thể khuyến cáo các chủ bè phải quan sát, nếu thấy độ mặn lên quá cao thì thu hoạch cá bán chạy nước.

Sáng 19/4, ông Dương Văn Tươi, 55 tuổi, ngụ tại ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, cho biết, ông có 12 bè nuôi cá trên sông Tiền, không thể canh nước mặn nổi.

Ông bị mất gần hai tấn cá. Cứ ngủ một đêm sáng ra lại thấy cá chết nổi trên mặt nước. Ông đang nuôi cá diêu hồng, loài cá rất khỏe, nhưng nuôi tại cù lao Thới Sơn phải hứng chịu bốn nguồn nước (nước bợ, nước mặn, nước phèn, nước mưa trên nguồn đổ về). Gần đây, cá bè còn chịu ảnh hưởng của nước thải từ khu công nghiệp.

Anh Nguyễn Tấn Tài, 38 tuổi, ngụ tại 46 đường Bắc, phường Tân Long (TP Mỹ Tho) có bảy bè cá. Chiều 18/4, anh vừa bán 3,5 tấn cá với giá 22.000đồng/kg. Cá có giá nhưng niềm vui không trọn vì, nửa tháng trước, nước mặn làm chết hơn một tấn cá. Đầu tháng Tư năm nay, nước mặn về đo được từ 1 – 1,1 gam muối/lít nước nên lượng cá bè nuôi chết rất lớn.

Mỗi khi nước mặn lên, người nuôi cá bè phải di dời. Năm nay số lượng bè cá quá nhiều, khoảng 1.200 bè, không biết di dời đi đâu để không làm cản trở giao thông thủy, cộng với chi phí di dời ngày càng cao. Ông Dương Văn Tươi cho biết, mười ngày trước, 200 bè cá được di dời. Riêng ông không thể di dời vì không lo nổi chi phí từ 3 đến 5 triệu đồng cho mỗi một bè đến vùng nước ngọt ở huyện Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang).

Cảng vụ Tiền Giang vừa họp với các hộ nuôi cá bè, tính toán sắp xếp bè cá cho ổn định nhưng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, chính quyền khuyến khích nuôi cá bè, bây giờ số lượng bè cá quá lớn, chính quyền tìm cách hạn chế, không cấp phép cho bè mới. Các đơn vị bảo hiểm cũng không bán cho cá nuôi bè.

MỚI - NÓNG