Nước mắt… thanh hao

Nước mắt… thanh hao
TP - Thanh hao hoa vàng - một loại dược liệu dùng chiết xuất chất Artemisinin chữa bệnh sốt rét - mấy năm trước đã mang no ấm về cho nhiều hộ dân của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng năm nay, giá rớt thảm hại...

Người dân lâm cảnh khốn khó. Các nhà máy đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng trong những năm tới, khi mà người dân không mặn mà với thanh hao nữa… 

Thề độc với cây thanh hao

Chị Ngô Thị Vấn ở thôn Bá Hương (Bá Hiến, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tay run run lật đống thanh hao hoa vàng trên hiên nhà đã bắt đầu mốc meo.

Lúc đó bà hàng gạo đầu ngõ lọc cọc đạp xe vào: “Cho xin tiền gạo đi, Vấn ơi!”. Kéo bà hàng gạo lại góc nhà, chị Vấn van vỉ: “Khách đang mua thanh hao. Chiều nay có tiền tôi trả ngay!”.

Nói rồi, chị kéo bà bán gạo xuống sân, nhanh nhảu dắt chiếc xe đạp cũ kỹ của bà ra ngõ…

Chị chưa có tiền trả nốt số gạo mua chịu mấy tuần nay. Hơn 6 sào thanh hao cho thu hoạch 6 tạ lá khô, nếu được giá như năm ngoái, gia đình chị sẽ thu cả chục triệu đồng. Thế nhưng, năm nay, giá tụt thê thảm, chỉ bằng 1/5 giá năm ngoái.

Chị kể: “Người ta chỉ trả 2.000 - 2.500 đồng/kg lá loại I. Ấy là giá ưu ái lắm rồi, vì gia đình tôi thân quen người thu gom cho các nhà máy”.

Nhiều lần, chị giục chồng bán, dù giá rất bèo. Nhưng chồng chị - anh Lê Văn Thuận -  dứt khoát không bán, kể cả phải đổ đi.

Thế là, chị đành để con gái đầu đi làm thuê trên thị xã, cậu con trai thứ thì sang nhà máy gạch gần nhà xin việc, để vừa có thể tự lo cho bản thân vừa nuôi thằng út năm nay lên lớp 5 với nhiều khoản tiền phải đóng.

Chị thề: “Sang năm, có các vàng, tôi cũng không trồng thanh hao nữa…”.

Hầu hết các hộ dân thuần nông của thôn Bá Hương này đều chung cảnh như gia đình chị Vấn. Gặp chúng tôi ngoài đồng, anh Dương Mạnh Tiến xót xa nhìn gốc thanh hao vừa thu hoạch, kể: “Giá tụt, nhà máy không thu gom, lại trả rẻ khiến gia đình tôi trắng tay”.

Năm ngoái, anh chỉ trồng 2 sào, giá trung bình 15.000 đồng/kg lá khô loại I, thu được gần 3 triệu đồng. Năm nay, anh quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng thanh hao, hy vọng sẽ có món lời kha khá. Ai ngờ, trừ hết chi phí, lỗ vài trăm ngàn đồng mỗi sào. Số thóc để dành từ vụ trước đã sắp hết, anh chưa biết lấy gì để nuôi 6 miệng ăn trong gia đình…

Giữa trưa nắng, ông Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng thôn Chi Đông (xã Quang Minh, Mê Linh) dẫn chúng tôi thăm nhiều gia đình trong thôn - nạn nhân của cây thanh hao hoa vàng.

Điều ông bức xúc nhất chính là khâu thu thuế của thôn. Đã giữa năm rồi mà thôn Chi Đông vẫn chỉ thu được vài đồng thuế. Giục thì dân kêu “thanh hao không bán được”, “giá thấp thế, chỉ đủ trả tiền phân bón…”. Ông báo cáo lên xã “thông cảm cho dân”. Xã cũng đành biết vậy.

Bà Dương Thị Vường - Phó chủ tịch UBND xã Quang Minh chua xót: “Tưởng dễ ăn như mọi năm nên năm nay hầu như đất lúa đã được người dân chuyển sang trồng thanh hao (250 ha). Thế nhưng, giá thanh hao lại tụt mạnh, khiến nhiều hộ dân lâm cảnh khó khăn”.

Bà Vường cho biết thêm, tại các hội nghị của UBND, HĐND xã, vấn đề gây nhiều búc xúc nhất chính là xung quanh việc trồng và thu mua thanh hao. Ngay cả kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh diễn ra giữa tháng 7, hàng chục đại biểu đã chất vấn về việc diện tích cây thanh hao tăng đột biến, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân, làm xáo trộn nền kinh tế vốn đang trên đà phát triển của tỉnh có trên 1,1 triệu dân này.

Doanh nghiệp sẽ “chết”

Năm 1991, lần đầu tiên cây thanh hao hoa vàng xuất hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc do Cty TNHH Kim Long đưa giống về vùng Tam Đảo. Sau đó, loại cây dược liệu này nhanh chóng lan ra các địa phương trong tỉnh, khi có hàng chục nhà máy chế biến dược liệu xuất hiện tại địa phương.

Ba năm trở lại đây, nhiều xã trong tỉnh đã chọn thanh hao là cây nông nghiệp chủ lực, bởi một số ưu thế: khả năng chịu khô hạn tốt, khó mắc sâu bệnh, dễ chăm sóc, cho thu hoạch cao hơn nhiều loại cây (lúa, đỗ, ngô)…

Năm 2005, giá thanh hao tăng đột biến, nhiều gia đình có của ăn của để chỉ trong một vụ. Thế nhưng, do không được quy hoạch, người dân tự phát trồng với diện tích quá lớn (hơn 4.100 ha) đã đẩy sản lượng thanh hao trên toàn tỉnh lên tới hơn 10.000 tấn.

Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện còn khoảng 2.000 tấn thanh hao đang tồn đọng, chưa có đầu ra.

Việc không bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp đã khiến người dân lâm cảnh khốn khó. Điều này về lâu dài sẽ không có lợi cho ngay cả doanh nghiệp thu mua. Bởi, trao đổi với chúng tôi, hầu hết người dân đều kiên quyết không trồng cây này trong thời gian tới. Khi đó, vùng nguyên liệu sẽ bị thu hẹp. Nguy cơ thiếu nguyên liệu đã hiện rõ.

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Văn Khải - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc tỏ ra bức xúc trước hiện tượng thanh hao ế ẩm. Theo ông Khải, việc này nằm ngoài tầm tay của ngành NN&PTNT. Bởi ngay từ đầu, tỉnh đã không chủ trương phát triển cây thanh hao nên không có cơ chế, chính sách khuyến khích trồng cây này.

Thế nhưng, người dân cứ “thấy người ta ăn khoai là vác mai đi đào”, khiến cung vượt cầu. Bên cạnh đó, chỉ 10% diện tích - tương đương 400 ha - được các nhà máy ký hợp đồng.

Điều đáng nói, ngay từ đầu vụ, trước tình hình diện tích gieo trồng thanh hao tăng đột biến (gấp 5 lần năm 2005), ngành NN&PTNT đã khuyến cáo người dân về tình trạng cung vượt cầu nhưng người dân vẫn không nghe.

Thế là, ngành này lại phải “chạy” theo dân bằng cách chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các HTX và người dân ký kết hợp đồng với các nhà máy; đồng thời hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là kỹ thuật thu hoạch, bảo quản nhằm kéo dài thời gian thu hoạch để tránh bị ép cấp, ép giá.

Đáng tiếc, thực tế diễn ra hoàn toàn khác…

Như vậy, xem ra bài học về cây dâu tằm năm 2002 của Vĩnh Phúc vẫn chưa có ý nghĩa nhiều với cả người dân và nhà quản lý…   

MỚI - NÓNG