Nước mắt thợ giày

Nước mắt thợ giày
Lần đầu tiên trong đời, Thuý lặng lẽ nuốt những giọt nước mắt vào lòng là khi cô 15 tuổi, vừa học hết lớp 9, nhưng đành phải bỏ học ở nhà làm ruộng đỡ đần cha mẹ và nuôi các em nhỏ dại.
Nước mắt thợ giày ảnh 1

Lần này, không nén được lòng mình, cô bật khóc khi tôi hỏi về công việc, về thu nhập... Những giọt nước mắt âu lo của cô công nhân da giày, từng lặng lẽ chan vị mặn vào bát cơm đạm bạc trong căn nhà trọ chật chội những ngày qua, giờ đây bỗng trào ra tấm tức... 

Bữa trưa 1.500 đồng thấm đẫm nước mắt

Hơn 20 tuổi, rời vùng quê nghèo Thanh Thuỷ (Phú Thọ), Thuý trở thành công nhân ngành da giày, làm việc và gắn bó với Nhà máy H.N ở ngoại thành Hà Nội. Với bản tính cần cù, chịu khó, lại được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo, cô nhanh chóng làm quen công việc.

Cùng với năng suất ngày càng tăng, tiền lương của cô cũng ngày một khá hơn. Với khoản thu nhập 700.000 - 900.000 đồng/tháng, sau khi trừ chi phí thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt, hàng tháng, cô cũng dành dụm được vài ba trăm nghìn đồng đều đặn gửi về phụ cha mẹ già nuôi các em ăn học.

Cuộc sống của cô dù còn khó khăn nhưng lại là niềm mơ ước của bao bạn bè cùng trang lứa khi họ vẫn phải quần quật với sào ruộng khoán ở quê nhà. Thế nhưng, cô thôn nữ hiền lành, chân chất không thể ngờ rằng, vụ kiện của "cái ông EC" nào đó ở tận đâu đâu lại khiến cô và hàng trăm công nhân của Nhà máy H.N bỗng chốc lâm vào cảnh khó khăn, lo ăn từng bữa, cuộc sống trở nên mờ mịt, bấp bênh.

Xưởng may giày nơi Thuý làm hôm nay chỉ còn non nửa số công nhân đang lặng lẽ với công việc. Chị Hiền Minh, quản đốc phân xưởng may của nhà máy cho biết, từ khi Ủy ban châu Âu (EC) áp mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam, lượng đơn hàng của nhà máy còn chưa đầy 50%; tới nay, mỗi tháng, nhà máy chỉ làm khoảng gần 30.000 đôi giày (so với hơn 70.000 đôi/tháng trước kia), thu nhập của công nhân giảm đáng kể.

Nhìn dãy máy khâu mênh mang, trống trải phía sau những công nhân đang làm việc, chúng tôi không khỏi ái ngại, lo lắng. Có bao nhiêu công nhân như Thuý đã ngồi ở dãy máy đó và hôm nay, họ không còn được làm việc? Và cả số công nhân ít ỏi đang lao động, liệu ngày mai họ có còn được ngồi với bàn máy quen thuộc, nhặt nhạnh từng đồng để đáp ứng nhu cầu đơn giản là nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình mình? Dường như trong từng mũi khâu của những nữ công nhân trẻ đang nặng trĩu âu lo...

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, Thuý dẫn chúng tôi về thăm phòng trọ ở xóm nhỏ ngay cạnh nhà máy. Không có cảnh nhộn nhịp, ấm cúng chuẩn bị bữa trưa với mùi xào nấu quen thuộc như ở những khu dân cư lao động khác. Xóm trọ vắng lặng. Thuý cho biết, hàng ngày, công nhân thường ở lại nhà máy ăn suất cơm trưa 4.000 đồng, hoặc khá hơn (như khi mới lĩnh lương) thì tranh thủ về nhà nấu bữa cơm cải thiện.

Nhưng chút niềm vui nhỏ bé ấy của những nữ công nhân da giày cũng tan biến khi vụ kiện xảy ra. "Đơn hàng giảm, công việc bấp bênh, thu nhập của mỗi công nhân chỉ còn trên dưới 400.000 đồng/tháng. Số tiền ít ỏi ấy được chia năm sẻ bảy, từ tiền thuê nhà trọ, điện, nước, ăn uống, rồi còn thuốc thang khi đau ốm, nhưng biết làm gì? Đành cố tằn tiện để dành chút ít tiền gửi về cho gia đình", Thuý ngậm ngùi tâm sự.

Như manh áo chật đối với một cơ thể có quá nhiều chỗ cần che chở, cực chẳng đã, Thuý đành cắt giảm tất cả những khoản chi có thể được: thi thoảng mới dám ăn 1.000 đồng xôi sáng, còn bữa trưa là một miếng mì tôm loại bán cân rẻ tiền nhất (tính ra khoảng 1.500 đồng/miếng), có khi cô đổi món là phong lương khô cũng với giá 1.500 đồng, sau đó uống nước để chống… đói.

"Hôm trước bố mẹ em gọi điện, biết chuyện vụ kiện gì đó làm chúng em mất việc, giảm thu nhập nên cứ dặn đi dặn lại phải cố gắng ăn uống, đừng để đổ bệnh. Em vâng dạ cho bố mẹ yên lòng mà thấy tủi thân quá. Thôi đành gắng chịu đựng thiếu thốn, dành dụm để một năm đôi lần về nhà có được vài trăm nghìn đỡ bố mẹ nuôi các em" - Thuý rơm rớm nước mắt.

Trước khi gặp Thuý và các công nhân da giày để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã hình dung bữa ăn đạm bạc, thiếu thốn chất dinh dưỡng của các nữ công nhân là nồi cơm trắng, đĩa rau xanh và vài con cá khô mặn chát. Không ngờ, vào lúc này, những món ăn ấy cũng đã là quá xa xỉ đối với họ.

Cùng xưởng với Thuý có Nguyễn Thị Trang (Mỹ Đức, Hà Tây). Cô cùng một công nhân khác thuê trọ trong căn nhà khoảng 8 m2, giá 185.000 đồng/tháng. Sau khi trang trải tiền điện, nước, ăn uống, tiền thuê nhà, số tiền lương khoảng 400.000 đồng/tháng của Trang như ly nước nhỏ đổ vào sa mạc khô cằn.

Bạn cùng phòng trọ của Trang, do ăn uống kham khổ, thiếu thốn mà đổ bệnh, nhưng chị em đành chăm chút cho nhau, không dám báo cho gia đình biết. "Những lúc không có việc, bọn em cũng muốn làm thêm để trang trải cuộc sống, nhưng trình độ không có, sức khoẻ thế này, đành chịu..." - Trang ngậm ngùi quay đi thấm dòng nước mắt lăn trên khuôn mặt hốc hác, sạm đen vì cơ cực.

Những người không dám nghĩ đến tương lai

Tôi hỏi Trang, nếu mai kia, công việc ngày càng ít và thậm chí có thể bị sa thải, Trang sẽ tính thế nào? Cô buồn bã lắc đầu: "Em không biết. Nhà máy đã là ngôi nhà thứ hai của em rồi. Không làm giày, em biết làm gì bây giờ? Lại về quê làm vài thước ruộng, luẩn quẩn với đói nghèo mãi sao?". Chúng tôi không dám hỏi thêm, bởi có lẽ, chính Trang cũng đang rất sợ phải nghĩ về tương lai của mình. Còn Thuý thì ngồi buồn so một góc, không nói ra nhưng có lẽ, cô cũng cùng một nỗi sợ như Trang.

Còn nhiều, nhiều nữa những nữ công nhân trong số hơn nửa triệu công nhân da giày Việt Nam đã và đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, phải đối mặt với những khó khăn rình rập. Chị Hoàng Thị Thắm, 34 tuổi (quê Thái Nguyên) vì hoàn cảnh nên phải đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi hai con nhỏ (đứa bé nhất mới 3 tuổi).

Từ khi xí nghiệp của chị bị giảm đơn hàng vì vụ kiện, mỗi tháng chị chỉ còn được lĩnh khoảng 400.000 đồng lương cơ bản. Số tiền này không thể đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở của 3 mẹ con. Trước nguy cơ bị sa thải, chị như người mất hồn: "Làm sao để chúng em không bị ảnh hưởng? Nếu không có việc làm, phải rời nhà máy thì mẹ con em chỉ có cách ra đứng đường". Nữ công nhân Lương Thị Tuyển (quê Thanh Hoá) thì nói trong nghẹn ngào nước mắt: "Bố mẹ tôi sẽ sống ra sao?".

Bố Tuyển hiện đã không còn sức lao động do phải mổ nhiều lần, mẹ của Tuyển thì mù loà. Trở thành công nhân nhà máy giày, cuộc sống của cô và gia đình dường như đã thay đổi. Tuy thu nhập chưa cao, nhưng khi nhà máy đủ việc, cô cũng gửi về cho cha mẹ được trên 1.000.000 đồng/tháng, tương đương số thu trong hai năm từ 3 sào ruộng khoán ở nhà. Từ đầu năm 2006 đến nay, đơn hàng ít, thu nhập giảm nên gần như cô không giúp được gì cho cha mẹ. Nhưng biết làm gì khi bản thân cô cũng chưa biết ngày mai mình sẽ sống thế nào?

Nhiều nữ công nhân khác cũng gắng bươn chải đủ đường, người tranh thủ lúc giãn ca mua chút hoa quả đầu chợ đem bán cuối chợ những mong có thêm vài đồng chi tiêu, người phải gửi con nhỏ tất tả với thúng cám, bao gạo bán buôn. Thậm chí có nữ công nhân như chị Phạm Thị Bích (Đông Khê, Hải Phòng) chấp nhận việc đi phụ hồ cùng chồng, nhưng phận "liễu yếu" nên cũng chẳng trụ được bao lâu...

Trả lời câu hỏi nếu phải nghỉ việc do không có đơn hàng thì sẽ làm gì, chị Bích nghẹn ngào: "Em không dám nghĩ đến việc đó. Không biết có công việc nào thích hợp với em để em nuôi sống được bản thân và con cái bây giờ?". Với ai đó, tương lai luôn có rất nhiều điều để mà hy vọng, để mà chờ đợi; còn với những công nhân da giày đang đứng trước cảnh khốn cùng vì vụ kiện của EC, chặng đường đời tới đây bỗng trở nên gập ghềnh, đáng sợ.

Lương tâm phán quyết

Theo ông Nguyễn Gia Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), từ tháng 7/2005, khi EC bắt đầu kiện phía Việt Nam bán phá giá sản phẩm giày mũ da và áp mức thuế sơ bộ khởi điểm 4,2% đối với giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), lượng đơn hàng giảm mạnh. Đó là chưa kể đến nay, việc nhiều đơn hàng cho năm 2006 vẫn chưa được khách hàng xác nhận đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ chờ việc.

Tác động của vụ kiện dường như lớn hơn khi lao động trong ngành da giày chủ yếu là người đến từ các vùng nông thôn, đa số là lao động nữ với trình độ học vấn thấp, dễ bị thiệt thòi và tổn thương khi xảy ra biến cố về công ăn việc làm... Mặc dù thu nhập của lao động da giày còn thấp, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng, giúp họ giảm bớt gánh nặng về gia đình và đây thực sự là con đường thoát nghèo đối với nhiều vùng nông thôn.

Chính vì thế, vụ kiện đã và đang khiến hàng trăm ngàn lao động nữ ngành da giày cùng gia đình họ đứng trước nguy cơ giảm thu nhập, luẩn quẩn trong vòng nghèo đói, tạo nên gánh nặng cho toàn xã hội và làm tăng tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam.

"...Thời gian gần đây, vụ kiện bán phá giá giày da của các ông đang dần đẩy chúng tôi trở về cảnh đói nghèo, đẩy con em chúng tôi vào tình trạng thất học (...). Vì vụ kiện này mà nhà máy không có đơn hàng, chúng tôi không có việc làm (...). Rời khỏi nhà máy giày, chúng tôi không biết mình sẽ làm gì, sẽ đi đâu? Chẳng lẽ chúng tôi không có cả cái quyền mưu cầu hạnh phúc?"

Đó là "những dòng chữ viết bằng nước mắt" trong lá thư của hơn 2.000 công nhân da giày Việt Nam đồng loạt ký tên gửi tới phiên điều trần của EC tại Bỉ mới đây. Không biết, nước mắt của hàng trăm nghìn lao động ngành da giày ở Việt Nam có lay động lương tâm những người đi kiện và những người phán quyết vụ kiện?

Theo Đầu tư

MỚI - NÓNG