Nước nào đầu tư 'khủng' nhất vào Việt Nam?

Cùng các dự án FDI, nhà đầu tư ngoại cũng đẩy mạnh góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa: Bloomberg
Cùng các dự án FDI, nhà đầu tư ngoại cũng đẩy mạnh góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa: Bloomberg
Ngoài đầu tư trực tiếp, các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài còn tăng cường góp vốn, sở hữu cổ phần trong hàng nghìn công ty Việt.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút gần 13 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 47% so với cùng kỳ. Tổng số dự án thực hiện là 1.408, trong đó số vốn đăng ký là 8,7 tỷ USD và vốn bổ sung đạt 4,3 tỷ USD.

Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí quán quân khi rót thêm hơn 4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên gần 49 tỷ. Tuy nhiên, cuộc đua đang có sự vươn lên mạnh mẽ của các nhóm nước, vùng lãnh thổ nổi danh là các "thiên đường thuế" như British Virgin Islands, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Cayman, Bermuda, Panama, Jersey, Luxembourg, New Zealand, Bahamas, Panama, tiểu bang Delaware (Mỹ), Thụy Sỹ, Ireland…

Cụ thể, sau 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Singapore đã vượt qua Nhật Bản vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn số 2 vào Việt Nam với số vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, phân bổ cho 152 dự án. Cùng kỳ, các doanh nghiệp tại đây đứng số 8 với vốn đầu tư 358 triệu USD. Lũy kế, quốc đảo này đã rót 32 tỷ USD vào Việt Nam.

Vốn từ Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng mạnh tới 40% lên một tỷ USD trong 7 tháng đầu năm và xếp số 5 trong số quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Luỹ kế đến nay, nhà đầu tư Hong Kong đã rót khoảng 15,8 tỷ USD thực hiện hơn 1.064 dự án tại Việt Nam. Hong Kong có lợi thế nhờ sự bảo mật thông tin và thuế suất nên thường được các doanh nghiệp và nhà đầu tư Anh ưa chuộng.

Trong khi đó, hòn đảo nhỏ bé - cũng là thiên đường thuế nổi tiếng - British Virgrin Islands đã đầu tư khoảng 447 triệu USD trong khoảng thời gian nêu trên, nâng tổng số vốn tại Việt Nam lên 19,4 tỷ USD. Nhà đầu tư từ quần đảo Cayman cũng bỏ khoảng 285 triệu USD, Luxembourg là 207 triệu USD, nâng số vốn luỹ kế lần lượt đạt 6,7 tỷ và 2 tỷ USD. Cái tên khá bất ngờ là Samoa cũng ghi nhận các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư khoảng 6 tỷ USD vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 7 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là thu hút được nhiều vốn nhất với khoảng 9,12 tỷ USD đăng ký và cấp mới. Tiếp đó là lĩnh vực bất động sản và các chuyên môn khoa học công nghệ.

Ngoài đầu tư trực tiếp, làn sóng góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp của Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Theo cơ quan quản lý, từ 1/7/2015 đến nay, đã có khoảng 3.141 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với giá trị khoảng 2.9 tỷ USD. Lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, vận tải hàng không… thu hút nhất. Singapore là quốc gia dẫn đầu về lượng vốn góp.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 7 tháng đầu năm 2016

Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display (Hàn Quốc), đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại, đồng hồ thông minh, máy tính bảng...

Dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đăng ký 309,3 triệu USD do nhà đầu tư Thái Lan bỏ vốn với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.

Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đăng ký 300 triệu USD, do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đầu tư với mục tiêu tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao (CPC851) tại Hà Nội.

Dự án nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư đăng ký 247,6 triệu USD với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng gió.

Dự án Midtown, tổng vốn 225,62 triệu USD do nhà đầu tư đến từ Cayman Islands với mục tiêu kinh doanh bất động sản tại TP HCM.

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt Sông Đuống, tổng vốn đăng ký 224,3 triệu USD, do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Hà Nội.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG