Nước thải sẽ đắt hơn nước sạch!

Nước thải sẽ đắt hơn nước sạch!
Hôm qua, 30/8, UBND TP Hà Nội phối hợp với Sở GTCC TP chính thức khánh thành hai trạm xử lý nước thải đầu tiên của Thủ đô là Trúc Bạch và Kim Liên.
Nước thải sẽ đắt hơn nước sạch! ảnh 1
Trạm xử lý nước thải Trúc Bạch

Được xem là công trình thử nghiệm, Trúc Bạch có công suất xử lý chỉ 3.000m3 nước thải/ngày đêm ứng với 12.300 dân, và Kim Liên có công suất 4.800m3/ngày đêm ứng với 20.000 dân.

Lượng nước thải xử lý đó là quá ít so với lượng nước thải mỗi ngày của Hà Nội khoảng 600.000m3. Điều đáng chú ý là chi phí vận hành cho mỗi trạm “tí hon” này không dưới 1,7 tỷ đồng/năm.

“Hiện giờ, nhà nước chi trả nhưng tương lai người xả nước thải phải trả”, Th.S Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Công trình Giao thông Công chính (GTCC), Sở GTCC Hà Nội nói.

Trúc Bạch và Kim Liên là hai công trình thí điểm nằm trong gói thầu thoát nước của TP Hà Nội với vốn vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) lên tới 1 tỷ 067 yên Nhật (khoảng 145 tỷ đồng) và 10 tỷ 440 triệu đồng Việt Nam.

Sau xử lý tại hai trạm trên, chất lượng nước thải đều đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam, như lượng BOD5 chỉ còn 20mg/l (đầu vào là 150mg/l), tổng lượng cặn (SS) chỉ còn 30mg/l (đầu vào là 180mg/l),v.v..., và có thể dùng nước này bổ cập cho sông, hồ, hoặc dùng để rửa đường, tưới cây.

Do gần khu dân cư, toàn bộ các bể xử lý nước thải đều có nắp đậy kín và có hệ thống ống thu khí qua một tháp lọc than hoạt tính. Đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội “chịu chơi” khi cho xây dựng trạm xử lý nước thải (Trúc Bạch) sâu 6 mét dưới lòng đất chỉ vì đáp ứng mục đích bảo toàn cảnh quan ven hồ.

Th.S Cường cho biết, nếu không vướng vấn đề kinh phí, hoàn toàn có thể xây chìm hẳn dưới lòng đất chứ không phải vẫn trồi lên một mét như hiện nay.

Quá đắt – Vì sao ?

Nói về việc cần phải thu phí xử lý nước thải trong thời gian tới, KS Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên, Sở TNMT&NĐ Hà Nội, cho rằng sở dĩ phí nước thải đắt đỏ là do đầu tư cho chi phí xử lý quá tốn kém.

Ở các nước phát triển, xử lý nước thải cũng là gánh nặng dù thiết kế hạ tầng thoát nước hiện đại hơn với hai hệ thống riêng biệt cho thoát nước thải và thoát nước mưa. Trong khi đó, thiết kế hạ tầng của đô thị Hà Nội chủ yếu tồn tại từ thời Pháp thuộc, là thiết kế kiểu cũ, chỉ có một đường thoát nước chung.

Ngoài đầu tư cho công trình có tính chất đầu mối, Hà Nội còn phải tốn kém cho khâu bóc tách hai loại nước này. Hiện tổng chiều dài hệ thống thoát nước thải nằm trong diện quản lý của TP là trên 250km với 40km sông, 178km cống ngầm (74km được xây dựng từ thời Pháp thuộc), 38km kênh mương dẫn nước.

Tiếp đó, chi phí nuôi dưỡng, vận hành công trình cũng không nhỏ. Đợt mưa tháng 8/2002, tiền điện vận hành cho riêng trạm bơm Yên Sở lên tới 2,5 tỷ đồng.

Tính toán sơ bộ cho thấy mỗi trạm xử lý nước thải Trúc Bạch và Kim Liên sẽ “xơi” chừng 1,7 tỷ đồng/năm như nói ở trên. Đó là chưa kể để vận hành công trình, còn đòi hỏi một đội ngũ nhân lực, vật lực tốn kém.

Theo Th.S Cường, thời gian tới mà TP Hà Nội thực hiện việc thu phí nước thải thì theo tính toán sơ bộ cho thấy sẽ đắt hơn phí nước sạch 2 – 3 lần.

Hiện tại, Hà Nội vẫn đang tiến hành thu phí nước thải công nghiệp, theo tinh thần “người gây ô nhiễm phải trả tiền” nêu trong Nghị định 67/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, sau một năm rưỡi, tốc độ thu phí vẫn ở tốc độ rùa bò! Trong khi các tỉnh thành khác như TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Bình Phước, v.v..., thu được hàng trăm tỷ đồng phí nước thải thì Hà Nội mới thu được khoảng 7 trăm triệu đồng.

Đầu tư cho xử lý nước thải vô cùng tốn kém trong khi công tác thu phí nước thải công nghiệp vừa chậm trễ, vừa thiếu triệt để. Thiếu kinh phí trở thành nguyên nhân hàng đầu khiến Hà Nội chưa có một trạm xử lý nước thải tập trung nào.

Theo Th.S Cường, “hiện TP Hồ Chí Minh đang tiến hành xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam, công suất 141.000m3/ngày đêm. Hà Nội dù chỉ đang thử nghiệm về mặt công nghệ, nhưng tương lai, những nhà máy tương tự  không nằm ngoài kế hoạch phát triển của TP”.

40 trong số 500 nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố gọi là có đầu tư xử lý nước thải chỉ giải quyết được 10% trong 600.000m3 nước thải/ngày đêm ồ ạt đổ ra các sông hồ.

Đây là nguyên nhân chính  dẫn đến tình trạng ô nhiễm các dòng sông và kênh mương thải ở Hà Nội. Các sông nội thành như Lừ, Sét, Kim Ngưu gần như những dòng sông “chết” với màu nước đen đặc cùng mùi hôi thối khủng khiếp chứa vô số độc tố hứng từ nước thải của các khu công nghiệp, nhà máy. Hàm lượng phenol đo được trong nước sông Nhuệ cao gấp 10 lần tiêu chuẩn nước sinh hoạt.

Nghiêm trọng hơn, nước thải Hà Nội chủ yếu đổ về khu vực phía Nam, nơi địa hình thấp, thường xuyên ứ đọng, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy nước công suất lớn như Phương Mai, Hạ Đình, Pháp Vân, Hà Đông, làm cho mực nước ngầm ở đây tụt sâu, nhiễm bẩn.

Các nhà môi trường cảnh báo nước ngầm khu vực phía Nam, cụ thể là tầng cung cấp nước sạch chủ yếu cho tất cả các nhà máy nước của Hà Nội (tầng qp1) ở khu vực này, không còn sử dụng được nữa.

Chính vì thế, hai nhà máy xử lý nước thải trình diễn đầu tiên của Hà Nội không chỉ dừng ở chức năng “giáo cụ trực quan” cho sinh viên, công nhân, kỹ sư, v.v…, trong ngành cấp thoát nước và môi trường nói chung, vốn trước đây chỉ được học “chay” qua giáo trình.

MỚI - NÓNG